Quy định bảo lãnh góp phần bảo vệ quyền lợi người mua nhà
Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có một số quy định mới siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực BĐS, trong đó có quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tín dụng, tài chính bảo lãnh việc cho thuê, bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Khi thị trường BĐS "đóng băng", nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở cạn vốn, chậm tiến độ, có khi “cao chạy xa bay” cùng hàng trăm tỷ đồng góp vốn của người mua.
Khách hàng rất dễ gặp rủi ro khi góp tiền mua nhà với hợp đồng trên giấy nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về chất lượng xây dựng cũng như tiến độ. Trước thực tế này, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở phải có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc tài chính mới được thực hiện việc cho thuê, bán nhà.
Quy định bảo lãnh trong Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi góp phần bảo vệ quyền lợi người mua nhà (ảnh minh họa) |
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, quy định đó sẽ làm khó cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhà đầu tư kém năng lực, nhỏ. Có rất nhiều nhà đầu tư trong thời gian vừa qua thấy lợi nhuận của thị trường BĐS nói chung, nhà ở nói riêng lao vào làm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã "tay không bắt giặc", lợi dụng sơ hở không có quy định bảo lãnh để tiến hành xin dự án, trong khi không có kinh phí để triển khai. Do đó, ông ủng hộ phải siết chặt vấn đề này nhằm đảm bảo đúng là nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án nhà ở. Tất cả các nước trên thế giới đều là đưa ra điều kiện này.
Đồng tình với quy định bảo lãnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa nhận định, các cơ quan chức năng phải xem xét, nghiên cứu thực tế một cách kỹ lưỡng khi ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, tránh hiện tượng nhiều dự án không triển khai, tắc nghẽn trong thời gian dài.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa, quy định mới trong Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi sẽ ràng buộc các doanh nghiệp BĐS hoạt động quy củ hơn, tăng uy tín và trách nhiệm trên thị trường. Hiện nay, rất nhiều dự án nhỏ lẻ, chủ đầu tư bán nhà xong là không có trách nhiệm gì cả, bỏ đi, cuối cùng người dân và chính quyền thành phố phải lo hết. Chúng ta phải dần dần tiếp cận với bước đi thế giới, đảm bảo nguồn cung, người dân khi đã đặt tiền vào mua nhà thì sẽ an toàn.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Reenco Sông Hồng (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng) băn khoăn khi có đến hơn 90% doanh nghiệp BĐS trong nước là vừa và nhỏ. Ông Điệp cũng lo ngại khi Luật này đi vào cuộc sống, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp phải tự giải thể. Do đó, nếu muốn tồn tại, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực tài chính và tự điều chỉnh. Thực hiện quy định mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rút khỏi thị trường. Hiện nay, chúng ta cần có lộ trình cho các doanh nghiệp tự hoàn chỉnh, nếu nhỏ quá sẽ hợp tác và sát nhập với nhau, khi chưa đủ điều kiện phải tạo mọi điều kiện để có thể triển khai các dự án trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bảo lãnh là quy định thiết thực, góp phần giảm nguồn cung ảo, những dự án mà trên thực tiễn sẽ khó hoàn thiện hoặc chậm tiến độ dài. Đặc biệt, hàng tồn kho hiện vẫn còn nhiều, để tránh tình trạng thừa cung trong thời gian tới, chủ trương của Chính phủ là không khuyến khích việc bán nhà hình thành trong tương lai.
Chúng ta kỳ vọng quy định bảo lãnh trong hoạt động mua bán BĐS hình thành trong tương lai sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường BĐS và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Đã đến lúc các nhà đầu tư dự án nhà ở cần bán thật, làm thật và phù hợp với năng lực tài chính của mình.
- 0
- By Admin
- 08/12/2014
- 17