• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy chế cải tạo chung cư hư hỏng, xuống cấp của Hà Nội có hiệu lực: Các hộ dân sẽ phải di dời?

Quy chế cải tạo chung cư hư hỏng, xuống cấp của Hà Nội có hiệu lực: Các hộ dân sẽ phải di dời?
Nhà B6 Giảng Võ, Hà Nội được đánh giá là không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, mức độ nguy hiểm ở cấp độ D (mức cao nhất). Ảnh: TG

Theo báo cáo của Sở TN-MT&NĐ Hà Nội lên Bộ Xây dựng vào tháng 7/2006, thành phố có 77 chung cư nguy hiểm cần kiểm định. Đến nay, 77 chung cư nói trên vẫn được đề nghị “bố trí đủ vốn ngân sách để tổ chức... kiểm định chất lượng”.

Quyết tâm của chính quyền

Theo quy chế này, trong trường hợp chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp ở cấp độ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ và đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng phải phá dỡ khẩn cấp, nếu chưa xác định được chủ đầu tư dự án thì UBND quận, huyện có trách nhiệm tổ chức di chuyển ngay các hộ đang sử dụng đến tạm cư tại quỹ nhà của thành phố để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.

Với những chung cư nguy hiểm ở cấp độ D, đã có kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì “áp dụng hình thức chỉ định chủ đầu tư có năng lực để triển khai thực hiện”.

Như vậy, các chung cư đã được kết luận đang ở cấp độ nguy hiểm, thì theo quy chế này đương nhiên là phải phá dỡ, tiến hành xây dựng lại một cách nhanh nhất. 

Tuy nhiên cũng phải nói ngay rằng, đã có khá nhiều các cuộc thương thảo, lấy ý kiến giữa người dân và cơ quan chức năng, nhưng đến nay, nhiều khu chung cư được cơ quan chức năng đánh giá là đặc biệt nguy hiểm vẫn tồn tại. Khu B6 Giảng Võ, Hà Nội là một ví dụ. Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đánh giá khu nhà này là không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, mức độ nguy hiểm ở cấp độ D (mức cao nhất). Nhưng sau nhiều năm, công tác giải phóng mặt bằng vẫn không thực hiện được, do một số hộ dân không chịu di dời. Một trong các nguyên nhân là do người dân không chấp nhận các phương án đền bù của nhà thầu.

Ngoài khu B6, các khu chung cư thuộc dạng nguy hiểm khác như C1 Thành Công; Tập thể Nguyễn Công Trứ; C7 Giảng Võ, E6, E7 Quỳnh Mai... cũng được lên phương án đập bỏ, xây dựng lại. Nhưng đến nay, mọi việc vẫn như... gà mắc tóc.

Phản ứng của người dân

Nhưng theo quy chế vừa được ban hành, có thể từ ngày mai (7/8), các khu nhà tương tự như B6 Giảng Võ trên địa bàn Hà Nội sẽ nằm trong diện phải phá dỡ khẩn cấp. Theo quy chế này thì những khúc mắc liên quan đến quyền lợi kinh doanh của các hộ dân tầng 1 sẽ được xem xét cho thuê một đơn vị diện tích kinh doanh tại khu vực kinh doanh dịch vụ của dự án với thời gian thuê dài hạn và giá thuê do UBND TP quyết định (điều 7).

Chiều 5/8, PV Báo GĐ&XH đã tiếp xúc với một số hộ dân nhà B6 Giảng Võ. Ông Nguyễn Văn Kính, Tổ trưởng tổ 23, B6 Giảng Võ nói: “Tôi có biết việc ban hành quy chế này, nhưng tôi không chấp nhận theo các quy định trong quy chế. Nếu theo quy chế, nhà tôi hiện có 30m2 sẽ được trả tái định cư 45m2, nếu chấp nhận lên tầng 4 thì sẽ được trả 51m2. Còn lại sẽ phải trả tiền. Nếu cưỡng chế chúng tôi thì tôi sẽ kiện ra toà. Khu nhà này nằm ở vị trí thuận lợi, mặt đường lớn, cạnh hồ, trung tâm thì phải khác chứ”.

Còn ông Nguyễn Huy Ứng, căn hộ số 116 thì nói thẳng: “Nếu nhà B6 bị xếp vào hàng xuống cấp nguy hiểm và buộc chúng tôi phải di dời thì tôi không chấp nhận”.

Ông Nguyễn Thiệp, chủ căn hộ số 119 cũng khá bức xúc: “Nếu cố ép nhà B6 vào cấp độ nguy hiểm nhất (cấp độ D) thì chúng tôi không đồng ý. Có bắt tôi cũng không di dời, nếu đền bù diện tích tái định cư như quy định thì những người về hưu chúng tôi lấy đâu ra tiền mà trả nốt phần diện tích còn lại?”.

Theo phản ứng của những người dân ở khu B6 trên đây, nhiều người cho rằng, quy chế ra rồi, nhưng để thực hiện được nó là một chặng đường dài. Không biết tới bao giờ, các chung cư hư hỏng, cũ nát của Hà Nội mới có bộ mặt mới?

Nếu khó khăn được trả góp trong 20 năm

Theo Quy chế, chung cư mới xây xong, diện tích ở được bố trí từ tầng 2 trở lên (tầng 1 dành sinh hoạt, hội họp cộng đồng, kinh doanh, dịch vụ...). Những căn hộ dùng để tái định cư cho các hộ dân phải đạt diện tích tối thiểu 30m2 sàn xây dựng/căn hộ. Mỗi dự án được dành tỉ lệ 5 - 10% số căn hộ có diện tích từ 30 - 45m2 bán cho các hộ dân thuộc phạm vi dự án có nhu cầu diện tích ở thấp.

Các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư không phải trả tiền cho chủ đầu tư phần diện tích bằng 1,3 lần diện tích ở hợp pháp cũ được UBND quận, huyện phê duyệt. Đối với phần diện tích tăng thêm thì phải trả tiền theo suất đầu tư m2 sàn của dự án được duyệt.

Những gia đình có kinh tế khó khăn, thuộc diện nghèo và chính sách (được cơ quan có thẩm quyền xác nhận) thì phần diện tích phải trả tiền sẽ được UBND TP xem xét cho phép trả góp trong 20 năm.

Với những trường hợp tự cơi nới, xây dựng công trình trên đất lưu không (trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở), xây dựng trên đất lấn chiếm hoặc trên khoảng không, nóc nhà, các vị trí khác thuộc khu vực dự án thì không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ bằng tiền tương đương 10% giá xây dựng mới công trình đó để phá dỡ, di chuyển.       

Theo Gia đình xã hội

  • 200
  • By Admin
  • 06/08/2008
  • 17