Quốc lộ 32: 1001 lý do cho việc chậm tiến độ
Hứa thất hứa...
Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2003, với mức đầu tư dự kiến khoảng 891,543 tỷ đồng, được thực hiện thông qua nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Đây là dự án quan trọng, liên quan mật thiết tới các công trình trọng điểm của Thủ đô.Khi triển khai, Ban Quản lý dự án 5 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm GPMB. Sau một thời gian bị ngưng trệ, tháng 12/2005 dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 32 chính thức khởi công. Sau 4 năm thi công, do tiến độ dự án quá chậm nên Chính phủ đã có văn bản chuyển dự án về cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện, đồng thời thành phố giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Ban đầu, tuyến quốc lộ 32 dự kiến được mở rộng 50 m, dài 2 km để phục vụ SEA Games 23 (năm 2003), chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 5 đã quyết tâm hoàn thành gói thầu 1 từ cầu vượt Mai Dịch đến nút giao thông vào Khu Liên hợp thể thao quốc gia. Tuy nhiên, đến trước kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, tuyến này mới giải tỏa và thi công xong một bên đường phía Nam. Cùng với đó, gói thầu 2 từ nút giao thông khu Liên hợp thể thao quốc gia tới Cầu Diễn dài 1,4 km thuộc huyện Từ Liêm cũng chưa nhúc nhích.
Sau khi được thi công trở lại, dự án này được UBND Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long, nhưng sau đó tiếp tục phải lỗi hẹn với đại lễ.
Thời điểm trước thềm đại lễ, Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã hạ quyết tâm thông xe toàn tuyến trước tháng 2/2011.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2011, tuyến đường không những trễ hẹn mà vẫn được thi công với tốc độ "rùa", UBND Hà Nội phải liên tục đốc thúc Sở GTVT chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đến tháng 6/2011 thông xe.
Thế nhưng, đơn vị thực hiện dường như phớt lờ chỉ đạo thành phố khi hết hạn 30/6/2011, "con đường đau khổ" vẫn ngổn ngang, buộc thành phố lại ra tiếp văn bản chỉ đạo Sở GTVT và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thông xe vào 30/7/2011.
Hạn 30/7/2011 đã qua từ lâu nhưng tuyến đường 32 vẫn chưa thể thông xe và Sở GTVT lại "hứa" "dự kiến" thông xe toàn tuyến trước ngày 2/9/2011.
Tuy nhiên, sau thời hạn thông xe dịp 2/9/2011, Sở GTVT cũng như UBND TP Hà Nội vẫn có chỉ đạo tiếp theo để đốc thúc hoặc xử lý nhà thầu "hành dân" này.
Kể từ thời điểm đó đến nay, dự án vẫn được triển khai tiến độ rất chậm chạp bất chấp việc thúc ép nhiều lần từ phía cơ quan quản lý. Ngay kể cả những tháng đầu năm 2012, UBND thành phố đã ra văn bản đến 3 lần thúc giục đẩy nhanh tiến độ
1001... lý do
Để lý giải cho sự chậm trễ thì một trong những lý do "cửa miệng" được chủ đầu tư đưa ra đó là do khó giải phóng mặt bằng, diện tích thu hồi đất lớn, khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ tái định cư....Tuy nhiên, trên thực tế thì dự án công trình nào khi triển khai đều gặp phải lý do này nhưng nhiều tuyến đường vấn cán đích trong khi đó lãnh đạo Thành phố đã hết sức quan tâm, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ của tuyến đường này.Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, phần đường đã được thông từ tháng 9/2011 những do một số vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, như hệ thống cột đường dây 35KV và 22KV chưa có phương án di chuyển, nên chưa thể thi công các hạng mục nằm trên vỉa hè (lát hè, cấp nước, thoát nước bẩn, chiếu sáng, hầm đi bộ…) vì vậy, tuyến đường tiếp tục lỗi hẹn.
Theo Ban GPMB huyện Từ Liêm, chỉ tính riêng đoạn Diễn -Nhổn dài 4km mặc dù tuyến đường không dài, nhưng phải thu hồi hơn 210.000m2 đất để phục vụ triển khai dự án. Đặc biệt, huyện Từ Liêm đã phê duyệt khoảng 1.300 phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư của các hộ dân ở 4 xã, thị trấn.
(Theo VnMedia)
- 125
- By Admin
- 12/03/2012
- 17