Quốc hội tranh luận việc mở rộng Hà Nội
Đại biểu Ngô Văn Minh đặt hàng loạt câu hỏi tại sao Hà Nội là thủ đô đa chức năng mà không phải đơn chức năng, Việt Nam có cần xây dựng thủ đô hoành tráng với quy mô dân số 10-12 triệu người như đề án Chính phủ trình không? Ông Minh so sánh nếu Hà Nội mở rộng thì rộng tới 3.344 km2, dân số trên 6 triệu người, thì sẽ là thành phố rộng thứ 11 thế giới, là thủ đô đứng thứ 2 thế giới về diện tích, chỉ sau Tokyo, lớn hơn cả Paris, Matxcơva, London, gấp 3 lần thủ đô Ấn Độ và gấp 4 lần Bắc Kinh, Trung Quốc.
Dẫn lời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng thủ đô là của cả dân tộc, không nên và không được phép làm nơi thí nghiệm, đại biểu Minh đề nghị: "Cần công khai lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, văn hóa lịch sử... để khi Quốc hội biểu quyết phải chính xác, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân".
"Mở rộng thủ đô là việc hết sức quan trọng, một việc mang tầm vóc lịch sử, Quốc hội cần hết sức cân nhắc và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về quyết định lần này", đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mở đầu bài phát biểu. Khẳng định những tồn tại của thủ đô hiện là do "bầy biện kém", ông Thuyết đặt vấn đề: "Người ta nói vụng múa lại chê đất lồi, bây giờ mình nói thủ đô chật quá thì tại sao không sắp xếp lại để cho nó không chật".
Đại biểu Mã Điền Cư phân tích, theo phương án Quốc hội trình thì tỷ trọng lao động nông nghiệp của thủ đô tới 80% (hiện là 23%). Với xuất phát điểm như vậy thì việc xây dựng thủ đô ngang tầm với các thủ đô của các nước châu Á Thái Bình Dương là một thách thức quá lớn. "Mô hình xây dựng thủ đô với quy mô về diện tích và dân số quá lớn là không phù hợp với xu thế thời đại. Nhiều nước đã lựa chọn mô hình này, nhưng sau thừa nhận là sai lầm", ông Cư nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội sáng nay. Ảnh: TTXVN. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, vấn đề xây dựng vùng Hà Nội được đặt ra cách đây 6-7 năm, nhưng việc mở rộng Hà Nội thì chỉ gần đây. Dẫn ra việc dời đô của Lý Công Uẩn với việc hỏi ý kiến của quần thần, và chuẩn bị rất chu đáo (tính từ khi ban hành chiếu vào mùa xuân năm Canh Tuất 1010, đến mùa thu năm đó Lý Thái Tổ xa giá dời đô), ông Quốc khẳng định việc ngày 15/3 Chính phủ thông báo mở rộng thủ đô, ngày 1/7 sẵn sàng cho việc sáp nhập là vội vàng.
"Tại sao lại vội vã trước một vấn đề quan trọng như vậy. Quốc hội có thể chia sẻ với Chính phủ về những ý tưởng mở rộng, nhưng đề nghị làm đúng điều Chính phủ đã đặt ra là xây dựng đồ án thật tốt thì chúng ta sẽ mở rộng", ông Quốc nói.
Mở rộng thời điểm này là hợp lý
Dưới góc nhìn của nhà quân sự, đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên cho rằng mở rộng Hà Nội là cần thiết vì mọi cuộc chiến tranh thì mục tiêu đều là đánh chiếm thủ đô. Từ thế kỷ 11 đến nay, dân tộc đã trải qua 8 cuộc chiến tranh thì đều đánh vào Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. "Thủ đô mở rộng sẽ có thế của núi, của sông", ông Khiêm nói.
Với tư cách đại biểu, cũng là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thừa nhận tờ trình của Chính phủ quá ngắn gọn, chưa rõ nên đã tạo ra sự hiểu lầm, ví dụ nêu vùng rau xanh, vùng phân lũ... "Tôi xin nhận khuyết điểm về những sai sót như trên. Tuy nhiên những chi tiết thiếu sót trên không làm thay đổi nội dung của tờ trình, việc mở rộng địa giới là rất cần thiết. Kính mong Quốc hội ủng hộ", ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua đề án mở rộng Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng Tuấn cũng giải thích về mốc thời gian Chính phủ đề nghị từ ngày 1/7 là vì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội mở rộng năm 2009 phải được chính quyền thành phố mở rộng chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chậm nhất vào tháng 10. Do đó chính quyền Hà Nội mở rộng phải chuẩn bị việc này trong quý 3/2008. Công tác tổ chức cán bộ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng phải bắt đầu sắp xếp từ tháng 7/2008 và ổn định dần vào cuối năm.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội chỉ bằng 20-30% so với các nước. Để giải quyết những bức xúc về giao thông đô thị hiện nay, ông Dũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua đề án mở rộng Hà Nội trong kỳ họp này, bởi "nếu quy hoạch điều chỉnh địa giới được thông qua sớm thì sẽ là tiền đề để ngành giao thông vận tải có thể xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng phát triển đô thị sớm".
Từ góc độ thông tin, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp thừa nhận, công tác tuyên truyền về chủ trương mở rộng thủ đô làm chưa tốt nên nhiều người thiếu thông tin, băn khoăn lo ngại. "Một chủ trương lớn là mở rộng thủ đô Hà Nội khi Quốc hội chưa bàn thì ngành truyền thông chưa dám đưa nhiều, sợ cho là cầm đèn chạy trước ôtô, đưa thông tin dọn đường để lái dư luận xã hội", ông Hợp giải thích.
Trước nhiều ý kiến thắc mắc về việc lấy ý kiến nhân dân, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích cho đến nay chưa có quy định nào về việc công bố rộng rãi, lấy ý kiến nhân dân, trừ trường hợp đối với việc chia, tách cấp xã, cấp phường, thị trấn. Việc công bố lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch chi tiết xây dựng một đề án, một khu đô thị thì lại là vấn đề khác.
"Vấn đề này Luật Xây dựng quy định là trong quá trình lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan. Như thế không nên nhầm lẫn giữa việc lấy ý kiến về điều chỉnh địa giới hành chính với việc lấy ý kiến một quy hoạch xây dựng", ông Cường nói.
Để củng cố thêm những lập luận của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng khẳng định Chính phủ đã dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng thủ đô của một đất nước là trên 100 triệu người và có thể ổn định ở mức 120 đến 130 triệu dân.
Theo đó, thủ đô Hà Nội là đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính gắn liền với nó là văn hóa giáo dục, khoa học và kinh tế, đối ngoại. "Hiến pháp năm 1945, hiến pháp năm 1992 sửa đổi, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng như Pháp lệnh thủ đô đã khẳng định như vậy. Việc đề án mở rộng Hà Nội là phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật", Phó thủ tướng nói và đề nghị tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua chủ trương về địa giới hành chính Hà Nội.
- 287
- By Admin
- 20/05/2008
- 17