• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quốc hội thảo luận dự án Luật Quy hoạch đô thị: Quy hoạch băm nát đô thị

Vì vậy, chúng ta cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để có được những đô thị văn minh, hiện đại. Đó là những ý kiến khá day dứt của các đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị tại phiên họp ngày 22.10.

Quy hoạch là để cho tương lai

Theo báo cáo của Chính phủ thì tính đến nay, cả nước ta đã có trên 743 đô thị các loại (bao gồm từ đô thị loại 5 đến đô thị loại đặc biệt) trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 36 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV, 647 đô thị loại V. Ngoài ra, cả nước hiện đang có trên 160 khu công nghiệp tập trung, 10 đô thị mới, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế đặc thù.

Thế nhưng công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Việc quản lý kiến trúc đô thị không có định hướng, chắp vá, lộn xộn và thiếu bản sắc. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thiếu kế hoạch, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, dẫn đến sự lãng phí lớn, gây nhiều bức xúc trong đời sống đô thị....Chính vì lẽ đó cần phải ra đời Luật Quy hoạch đô thị để tạo ra một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Quy hoạch đô thị: Quy hoạch băm nát đô thị
Các đại biểu QH thảo luận ở tổ
về Luật Quy hoạch đô thị.
Góp ý vào dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho rằng: Một số ý kiến đề nghị nên đưa vào luật quy định khi mở đường ở các đô thị nên lấy đất sâu vào trong sau đó lấy chính quỹ đất mặt đường ấy để bù đắp kinh phí cho việc mở đường, nhưng tôi cho rằng vấn đề này nên để Chính phủ quy định cụ thể từng trường hợp, không nên quy định cứng trong luật bởi đôi khi mở những con đường mà nếu lấy sâu vào trong có khi vướng vào các công trình văn hóa, di tích lịch sử nên không thể thực hiện được.
 
Bức xúc về việc hầu như các đô thị không được quy hoạch đến nơi đến chốn, ĐB Đặng Văn Khanh bày tỏ: "Nhìn tổng thể Hà Nội và các thành phố lớn thì có lẽ chúng ta không có quy hoạch đô thị, nếu có quy hoạch thì đô thị chúng ta không bị băm nát như bây giờ". "Hiện nay có tình trạng quy hoạch theo nhiệm kỳ, quy hoạch theo ý chí của người lãnh đạo. Mỗi người lãnh đạo lên lại quy hoạch một khác, không có sự kế thừa và thống nhất, thậm chí có trường hợp người ta làm đường cũng cố ý nắn qua nhà vị quan có chức có quyền để mong được lợi..."- ĐB Nguyễn Ngọc Đào phát biểu.

Với cái nhìn của một tiến sỹ địa lý, Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh đã phân tích: "Việc quy hoạch đô thị, vùng đô thị là việc làm cho tương lai vì thế phải hết sức cẩn trọng. Muốn có quy hoạch tốt thì cần phải có các điều tra, tính toán và dự báo hết sức sâu sắc về sự phát triển kinh tế, dân số tại vùng đó. Đó chính  là cơ sở để lập quy hoạch và có được một bản quy hoạch tốt. Nếu tính toán sai, dự báo sai thì quy hoạch sẽ bị phá vỡ vì không phù hợp với sự phát triển. Thế nhưng tất cả những điều đó  lại không được quy định trong luật".

Quy hoạch cần phải hài hoà với thiên nhiên

Chưa hài lòng với dự luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ĐB đoàn Hà Tĩnh) góp ý: Ở các nước họ đưa ra tiêu chí quy hoạch đô thị là phải có các công viên, phải có sông hồ, phải có màu xanh của cây cối, thế nhưng quy hoạch như chúng ta hiện nay lại đem lấp hết sông hồ. "Trong luật không có điều nào nói đến việc bảo tồn sinh thái, bảo tồn thiên nhiên cho đô thị, chẳng lẽ đô thị chỉ là những khối bêtông khô cứng. Vì vậy dự luật cần phải bổ sung những quy định việc quy hoạch phải chi tiết, cụ thể làm sao hài hoà với thiên nhiên "- bà Tiến đề nghị.

Cũng về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng: "Quy hoạch đô thị phải cụ thể đến từng thửa đất, chẳng hạn bao nhiêu diện tích đất dành cho nhà ở, bao nhiêu dành cho công trình công cộng..., chiều cao tối đa bao nhiêu, thậm chí quy định cả màu sơn. Các nước như Singapore, Trung Quốc đều làm như vậy cả, muốn quét lại màu sơn nhà họ cũng phải xin phép chứ không phải cứ thích là được như Việt Nam, và hơn nữa quy hoạch đô thị phải làm sao hài hoà với cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng nên lùi lại thời gian xem xét luật quy hoạch đô thị mà nên có luật quy hoạch sử dụng đất trước, bởi việc sử dụng đất ở các địa phương khá tuỳ tiện, lãnh đạo địa phương thích lên thì lấy đất xây khu đô thị, khu công nghiệp... thế nên việc quy hoạch đô thị luôn phải chạy theo, vì vậy cần có luật quy hoạch sử dụng đất trước đã mới nên có luật quy hoạch đô thị đi theo.

Về mô hình kiến trúc sư trưởng, vẫn còn có rất nhiều ý kiến khác nhau về mô hình này, có ĐB thì cho rằng nên khôi phục lại mô hình kiến trúc sư trưởng hoặc thành lập hội đồng kiến trúc sư trưởng nhưng có ĐB lại cho rằng không nên tồn tại mô hình này và thậm chí cả mô hình sở quy hoạch kiến trúc vì thực tế bao nhiêu năm tồn tại của nó cho thấy không phát huy tác dụng mà lại thêm các thủ tục hành chính.

Theo Lao Động
  • 0
  • By Admin
  • 23/10/2008
  • 17