• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Qui hoạch thành phố sông Hồng: Có quá sức?

Qui hoạch thành phố sông Hồng: Có quá sức?
Một góc TP sông Hồng trong tương lai - Ảnh: HOÀNG VÂN

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Quy hoạch sông Hồng đoạn qua Hà Nội” vào hôm qua (16-12). TP Sông Hồng có đường giao thông ven sông là 80 km, có từ hai đến tám làn xe và đường ôtô ngầm. Tổng vốn đầu tư trên bảy tỷ USD (tương đương gần 120.000 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Nếu dự án được đưa vào triển khai, toàn bộ dân đang sinh sống trong khu vực sông sẽ được di dời tới nơi ở mới qua ba giai đoạn với khoảng hơn 39 ngàn hộ.

Nguy cơ biến sông Hồng thành sông Tô Lịch

Theo dự án, dọc đôi bờ sông Hồng sẽ mọc lên nhiều khu nhà cao tầng. Điều này đã làm nhiều chuyên gia lo lắng. “Khoảng không gian trời nước mênh mông vô cùng thoáng đãng mà thiên nhiên ban tặng cho thủ đô Hà Nội sẽ bị che chắn bởi những cao ốc chọc trời. Lúc đó, sông Hồng sẽ trở thành một con sông bị cầm tù, dẫn đến việc nhiều nơi sẽ xuất hiện những đoạn sông Tô Lịch thứ hai” - GS-TSKH Nguyễn Tài (Đại học dân lập Phương Đông) cảnh báo.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu tập trung quá nhiều xe cơ giới chạy trên mặt đê và cơ đê như dự án đề xuất, mỗi dải đường có 4-6 làn xe ôtô thì sẽ ôtô hóa sông Hồng và dòng sông thơ mộng này sẽ không còn giữ được vai trò điều hòa khí hậu, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Ông Tài cho rằng đoạn sông Hồng qua Hà Nội sau khi chỉnh trang cần phải giữ được màu xanh tự nhiên ở đôi bờ, xây dựng công viên, khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn sinh thái ven sông, khu du lịch, thể thao, văn hóa..., không xây dựng các khu đô thị cao tầng, khu thương mại, dịch vụ.

Quá sức với thủ đô

Việc phải di dời 39.000 hộ dân để phục vụ dự án là vấn đề mà các chuyên gia rất băn khoăn. “Việc di dời từng đó hộ dân là một cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, lớn hơn nhiều so với số lượng hộ dân phải di dời cho thủy điện Sơn La. Vấn đề di dân, tái định cư nếu thực hiện không tốt thì hậu quả sẽ khôn lường. Hàng vạn hộ dân không thể yên lòng sống giữa thủ đô Hà Nội” - TS Nguyễn Hoàn (Hội Kinh tế Việt Nam) trăn trở.

Ông Tài cho rằng việc chỉnh trang sông Hồng đoạn qua Hà Nội là cần thiết nhưng mục tiêu của việc chỉnh trang trước hết phải đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, làm đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường chứ không nên lấy mục tiêu chính là để có thêm quỹ đất. Việc di dời số dân lớn như vậy là việc làm quá sức và là điều không tưởng so với năng lực của TP hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia, kinh nghiệm thực tế ở các dự án cải tạo khu đô thị trong khu vực nội thành cho thấy chi phí đền bù cho các hộ dân thường rất lớn so với dự toán ban đầu, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của chủ đầu tư. Dự toán kinh phí cho công việc đền bù giải phóng mặt bằng như trong dự án là không đủ, không phù hợp với thực tế.

“Cần lưu ý rằng khi giải phóng mặt bằng các khu vực dân cư đã sinh sống ổn định, lâu dài ở ngoài bãi sông sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mang tính chất xã hội, nhân văn và tâm linh không thể giải quyết được bằng tiền” - TS Nguyễn Văn Phúc (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quốc tế và xây dựng giao thông Hà Nội) lo ngại.

Theo Pháp Luật TP.HCM

  • 0
  • By Admin
  • 18/12/2008
  • 17