Quê Việt ngày ấy - bây giờ (Kỳ I: Làng “vỡ” vì quên... quy hoạch)
Bây giờ trở lại những làng quê thân thuộc một thời, ta chợt bàng hoàng trước những đổi thay nhanh chóng. Đâu rồi cây đa bến nước sân đình một thuở? Đâu rồi không gian xưa cũ với luỹ tre ôm ấp quanh làng như che chở bao bọc cho cuộc sống cộng đồng ngàn đời nay? Đâu rồi hàng cau, bờ râm bụt? Đâu mảng tường gạch rêu phong?… Ngôi làng thân quen ấy, nhưng mỗi lần về tôi lại thấy khác nhiều. Nếp nhà lợp rạ ngày nào giờ đã là một cái hộp vuông vức nặng nề cạnh ngõ nhỏ vào làng. Đèn chùm sáng lung linh, nhạc mở xập xình nhưng lại thiếu vắng một cái gì yên tĩnh của làng quê với nỗi nhớ cố nhân giờ về đâu... Không phải là người hoài cổ nhưng sao vẫn cảm thấy có gì như mất mát ở trong lòng. Trang Liệt, một ngôi làng cổ xứ Kinh Bắc, sớm nổi tiếng Làng Văn hoá cách nay mấy chục năm, bây giờ trở lại tôi không thể nào nhận ra cảnh cũ, nhà xưa. Cái giếng làng trùm rễ cổ thụ xưa là nguồn nước nuôi cả làng giờ được xây bao lại bằng gạch nhưng chỉ còn hình bán nguyệt vì nửa còn lại đã nhường chỗ cho mặt đường bê tông. Ngôi chùa cổ đẹp và lớn là thế mà nay khuất lấp giữa khối nhà bê tông mới mọc. Nhìn dáng ngôi chùa một thời bề thế nhất vùng, nay như phủ phục giữa bốn bề bê tông, không ai xao lòng.
Làng đang “vỡ” bởi sự lộn xộn trong xây dựng các công trình nhà ở và công sở. Nhưng làng quê thanh bình và yên ả bao đời nay bỗng ồn ào với nhịp đô thị hoá đến “chóng mặt”. Nhiều làng bây giờ như thể đang giữa một công trường khổng lồ, vì ở đâu cũng có cảnh xây dựng, đất cát, vật liệu bừa bãi. Xe máy, xe vận tải phóng ào ào trên con đường cũ vốn chật hẹp bụi bặm. Nhiều ngôi làng còn “oách” hơn cả phố, với nhà cửa khang trang, bài trí thì loè loẹt. Sự phát triển tự phát trong xây dựng với kiểu bê tông hoá như hiện nay đã phá vỡ không gian làng quê. Kiểu "phố hoá" như vậy đến một ngày sẽ làm biến dạng làng, làm méo mó văn hoá làng và cái giá phải trả thì… vô cùng. Vùng đồng bằng sông Hồng đất chật người đông nên tốc độ thị hoá ở đây có vẻ nhanh hơn. Phố đích thị không phải phố. Còn làng thì không còn là làng nữa. Cảnh quan thơ mộng thanh bình của làng Việt mươi lăm năm về trước nay hầu như mất bóng. Còn đâu cây đa giếng nước, mái đình cong gẫy nét xưa dịu hiền với hình ảnh đầy thơ mộng “qua đình ngả nón trông đình”? Làng đang biến thành những khu dân cư lộn xộn, bức bối và nặng nề bởi hàng trăm hàng ngàn công trình như cái boong-ke hay những cái bao diêm-nhà ống… Sự phai nhạt về phong cách nhà ở, sự phá vỡ không gian văn hoá làng sẽ là nguy cơ của sự tàn phai về truyền thống văn hoá làng quê. Đâu là nguyên nhân làng “vỡ”? Theo TS dân tộc học Bùi Văn Đính, thì sự phát triển của làng quê hiện đang bị thả nổi, ít nhất là về trật tự quy hoạch, trật tự xây dựng bị lãng quên. Xu hướng đô thị hoá nông thôn là một tất yếu, nhưng đáng tiếc là chưa có sự can thiệp của nhà chức trách làm quy hoạch nên sự xô bồ, lộn xộn là không tránh khỏi. Hàng trăm đô thị mới đã và đang mọc lên ở nông thôn, kéo theo sự biến đổi về cơ cấu dân số, ngành nghề, công nghệ sản xuất, không gian làng xã, nếp sống cộng đồng… Qua làng Phù Lưu (Bắc Ninh) tưởng gặp phố nào, quen và lạ. Ở đây nhà dày hơn phố, nhà cao tầng nối nhau san sát, hai bên con đường lát đá xanh. Làng hoá phố mất rồi. May còn phảng phất mùi hoa cỏ, còn nghe tiếng đập lúa tuốt lúa, còn thấy cảnh rơm rạ vướng chân trên đường… Đi giữa làng bây giờ đôi khi gặp cảnh tắc đường, hay cảnh lạc lối vì đi đâu cũng nhà hộp, ngõ nào cũng hẹp và vòng vèo như thể ma trận, không dễ tìm lối ra. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng có nhiều bài viết hoài niệm về làng quê, anh bả Làng vẫn phải đổi mới, hiện đại, nhưng nếu có quy hoạch định hướng, chắc chắn vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của văn hoá làng, vẫn giữ được không gian cảnh quan làng Việt. (Còn nữa) |
Theo Báo Xây Dựng |
- 0
- By Admin
- 12/02/2009
- 17