Quảng Nam: Những câu hỏi xung quanh một dự án
Nhưng việc thực hiện dự án đã bộc lộ không ít sai phạm, bất cập, cần sớm làm rõ…“Phép” đấu giá?
Giữa năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi gần 175.000 m² đất để thực hiện Dự án Khu tái định cư (TĐC) làng chài (phân khu 3 thuộc phường Cẩm An, TP Hội An); trong đó 12.434 m² là đất TĐC tại chỗ cho dân, hơn 65.000 m² bán đấu giá khai thác quỹ đất, số còn lại là đất giao thông,cây xanh.Đất đấu giá chia làm hai đợt (đợt 1 vào cuối tháng 9/2009 và đợt 2 đầu năm 2010) và cả hai đợt đó Công ty CP khách sạn Hoàng Gia đều trúng đấu giá quyền sử dụng đất tổng cộng hơn 65.000 m2 với giá 1.745.000 đồng/m² và 1.770.000 đồng/m² (chỉ hơn giá khởi điểm 20-45 nghìn đồng/m²). Theo ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thì giá khởi điểm và kết quả giá đấu trúng đều do UBND tỉnh quyết định phê duyệt trên cơ sở tham mưu đề xuất mức giá của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo dư luận, mức giá như vậy là rất thấp so với giá thị trường tại thời điểm đó. Nếu so sánh trước đó (đầu năm 2008) TP Hội An cũng tổ chức đấu giá thành công một khu đất cách đó không xa - với giá đấu trúng đã là hơn 2,7 triệu đồng/m² (với 33.000 m² đem ra đấu giá, thành phố thu về được 92,4 tỷ đồng). Và đó chỉ là đất cho thuê làm dịch vụ du lịch 50 năm, chứ không phải cấp sở hữu lâu dài như với trường hợp Công ty Hoàng Gia.
Đáng nói nữa là với dự án này thành phố phải đi vay 17 tỷ đồng (với lãi suất 18%/năm) để đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là phải xây dựng cơ sở hạ tầng và phân lô cho nhà đầu tư (NĐT).
Cũng theo ông Bay, để khắc phục những hạn chế trong việc đấu giá, thời gian tới với các dự án khác, thành phố không thực hiện đấu giá mà sẽ theo phương thức BT - TP giao đất dự án cho NĐT sau khi đã thỏa thuận, thống nhất về mức giá (sát giá thị trường).
“Sốt sắng”… cấp sổ đỏ
Mặc dù trúng đấu giá từ năm 2009, nhưng đến tháng 5/2011, Công ty Hoàng Gia cũng chỉ mới nộp 40% số tiền và đến ngày 19/6 này, công ty vẫn còn nợ cả hai đợt hơn 50 tỷ đồng. Mặt khác, phần diện tích đất đề nghị cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng vẫn còn trong tình trạng “da beo”.Báo cáo mới đây khi đánh giá tình hình thực hiện dự án của thành phố có nêu rõ: Hiện nay đã hơn 500/600 ngày theo hợp đồng, nhưng đơn vị thi công (Công ty Hoàng Gia, cũng là đơn vị trúng luôn phần thi công hạ tầng) chỉ đang tiến hành thi công san ủi.
Vướng mắc lớn nhất trong việc chậm tiến độ dự án là do cơ sở sản xuất của Công ty Đông An và một số hộ dân không chấp hành chủ trương di dời… Nhiều hộ dân vẫn đang khiếu nại, không chấp nhận di dời và chưa thống nhất giá cả đền bù. Điều này cũng có nghĩa đây chưa phải là đất sạch…
Mặc dù chưa hội đủ điều kiện và yêu cầu, nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An vẫn gửi tờ trình (do ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khu TĐC làng chài Cẩm An ký ngày 15/4/2011) gửi UBND TP Hội An đề nghị UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Hoàng Gia.
Tiếp đến, ngày 19/4/2011, UBND TP Hội An gửi Tờ trình lên UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cấp giấy CNQSDĐ, QSHNỞ & TSKGLVĐ (với tổng diện tích 40.641,1 m² được phân thành 46 lô - đính kèm danh sách) cho Công ty Hoàng Gia.
Tại buổi làm việc với chúng tôi, lý giải về sự “sốt sắng” này, ông Trương Văn Bay cho rằng, chủ trương của thành phố là muốn tạo điều kiện để công ty nộp hết số tiền sử dụng đất theo quy định… Cách lý giải trên là thiếu thuyết phục.
Tại sao thành phố không sử dụng các chế tài ràng buộc khác trong quy định đấu giá (như với địa phương gần kề là TP Đà Nẵng có quy định phải nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ tổ chức đấu lại) để buộc Công ty Hoàng Gia phải thực hiện đúng quy định pháp luật mà lại tỏ động thái quá “ưu ái” với Hoàng Gia?
Và dù chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, nhưng công ty vẫn được phép xé lẻ từng lô để cấp sổ đỏ. Đây là việc làm trái với tinh thần Nghị định 69/2009/NDD-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và chính Quyết định số 17/2007 QĐ-UBND (ký ngày27/6/2007) về quy chế đấu giá sử dụng đất của UBND Tỉnh Quảng Nam…
Đến thời điểm này, trong tổng diện tích hơn 41 nghìn m² mà Công ty Hoàng Gia đã được cấp sổ đỏ có gần 30.000 m² đã được trao bán lại cho một đơn vị ngân hàng. Nhiều người dân trên địa bàn băn khoăn đặt câu hỏi: Dự án chưa đâu vào đâu nhưng đã thấy Nhà nước chịu thiệt, người dân chưa được hưởng lợi gì thì nhà đầu tư (NĐT) đã nhanh chóng hốt bạc tỷ. Nhưng liệu một mình NĐT này có làm nổi điều đó nếu không có sự “chống lưng” từ phía những cán bộ cơ quan chức năng liên quan.
(Theo Nhandan)
- 122
- By Admin
- 05/07/2011
- 17