• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quảng Nam: Nhiều dự án treo do khâu GPMB?

>>    Quảng Nam: Ra ngõ cũng gặp dự án "treo"

Quảng Nam: Nhiều dự án treo do khâu GPMB? | ảnh 1
Ông Quỳnh giới thiệu dự án Khu đô thị số 4 chậm triển khai do công tác đền bù giải tỏa chậm. Ảnh: N.H.

Năm 2004, Cty CP GTVT Quảng Nam là một trong số đơn vị đầu tiên đặt chân đến khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc với dự án Khu đô thị số 4. Dự án có diện tích hơn 50 ha tại thôn Giang Tắc (xã Điện Ngọc, Điện Bàn) với tổng vốn đầu tư trên 230 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm 24 tỷ đồng.

Việc giải phóng mặt bằng dự kiến được hoàn thành vào năm 2007-2008. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành giải tỏa, đền bù chủ yếu đất ruộng, hoa màu, mới chỉ có 7/89 hộ dân được giải phóng mặt bằng.

Ông Huỳnh Anh Dũng - Giám đốc Cty CP GTVT Quảng Nam phân trần: Hiện đơn vị mới chỉ giải ngân được hơn 40/230 tỷ đồng. Không phải chúng tôi thiếu tiền, nhưng thực tế muốn làm cũng chẳng được vì khâu đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo.

Dự án triển khai theo phương thức cuốn chiếu, giải tỏa đến đâu, làm đến đó. Tuy nhiên, không ít khu vực phải thi công “nhảy cóc”. Bên cạnh đó, thực trạng xây dựng nhà trái phép rầm rộ khiến các nhà đầu tư không khỏi đau đầu.

Theo thống kê, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc thu hút hơn 49 dự án, với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 5 dự án trong giai đoạn hoàn thành, 16 dự án bị thu hồi và giao cho chủ đầu tư khác, vì không đảm bảo tiến độ; số còn lại chủ yếu “tắc” khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư.

Không riêng dự án Khu đô thị số 4, các dự án Khu đô thị số 3, Khu đô thị số 9 (Cty CP Cấp thoát nước Quảng Nam)... sau hơn 5 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Một chủ đầu tư Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc phân trần: khâu đền bù, giải phóng mặt bằng do đơn vị hợp đồng với Ban đền bù, giải phóng huyện. Họ vừa làm vừa quản lý nên khi chậm tiến độ, nhà đầu tư khó kêu và khó quy trách nhiệm.

Theo ông Quỳnh, khó khăn lớn nhất hiện nay với các nhà đầu tư là giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ tái định cư. Theo ông Thân Đức Sửu - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, thực tế giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân khiến một số dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, hiện nhiều ban quản lý thành lập các ban giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư có thể lựa chọn hợp đồng như là một “dịch vụ”.

Trường hợp khó khăn, ngành chức năng huyện sẽ can thiệp. Nên nếu chỉ đổ cho việc giải phóng mặt bằng không đảm bảo tiến độ thì chưa đủ. Phải tính đến cả năng lực tài chính và mục đích sử dụng không chính đáng của một số chủ đầu tư.

Ông Đinh Hùng Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương cũng kiến nghị: Tỉnh Quảng Nam cũng cần có cơ chế kiểm tra, thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư đưa ra các con số “ảo”, treo dự án.

"Một số dự án trì trệ, chậm triển khai chủ yếu do nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính, không thực hiện đúng cam kết, có hiện tượng “rao bán trên mạng” chuyển nhượng dự án bất hợp pháp, trong khi đó có nhiều nhà đầu tư chính đáng, có năng lực lại vướng phải khó khăn do đền bù, giải tỏa" - Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó BQL dự án phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho biết.

(Theo TPO)



  • 0
  • By Admin
  • 16/03/2011
  • 17