Quảng Nam: Chính quyền loay hoay tìm giải pháp thu hồi dự án treo
Người dân khốn khó mưu sinh
Khối phố Hà My Đông B tọa lạc trên diện tích gần 22 ha Bãi tắm Thống Nhất, đã có 4 chủ đầu tư thay phiên nhau song dự án vẫn nằm bất động trong suốt 13 năm qua. 186 hộ dân nằm trong diện di dời tại đây lao đao theo dự án Khu du lịch Làng Chài. Gia đình ông Nguyễn Được, thương binh hạng 4/4 chính là một trong nhiều hộ như thế. Vì không được xây mới, cơi nới nên cả 3 thế hệ gia đình ông với gần 20 nhân khẩu phải chen chúc sống trong căn nhà tạm bợ, ẩm thấp và chật chội.
Hơn nữa, hệ lụy của các dự án treo là người dân phải dùng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tếm, xuống cấp. 2 dự án ven biển Cửa Đại (TP. Hội An) cách Bãi tắm Thống Nhất không xa, trong đó có Khu Nghỉ dưỡng sinh thái biển Hideway. Trong mùa mưa năm ngoái, các hạng mục xây dựng ban đầu của dự án bỗng nhiên đổ ập xuống biển do xâm thực của cửa biển. Hậu quả là dự án này bị bỏ hoang, chính quyền địa phương loay hoay không tìm ra hướng xử lý.
Theo một chủ đầu tư có dự án ở Hội An, họ đã chi ra khoảng 200 tỷ đồng để xây dựng 26 ngôi biệt thự và cơ sở hạ tầng có chất lượng 4-5 sao song tất cả đã đổ xuống biển - theo đúng nghĩa đen của nó. Nhằm cứu doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã chi 10 tỷ đồng xây dựng một bờ kè kiên cố kéo dài gần 1km song cho đến nay vẫn chưa có tác dụng. Trong khi đó, các chủ đầu tư chỉ biết trách biển, than trời.
Khi chính quyền đã có nhiều động thái nhằm đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, trái lại, các doanh nghiệp vẫn cứ bình chân như vại vì họ biết một khi đã chuyển tiền sử dụng đất, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến hành ký quỹ đầu tư, xây dựng một vài hạng mục của dự án đó… thì chính quyền khó có thể thu hồi. Nếu có chăng, doanh nghiệp đành… nộp phạt vài chục triệu đồng vì chậm tiến độ.
Tuy nhiên, nan giải hơn cả vẫn là việc giải quyết hậu quả của những dự án đang xây dựng dở dang. Bởi vì, nếu có thu hồi giao lại cho nhà đầu tư mới thì vấn đề định giá cơ sở vật chất, chuyển giao gặp không ít khó khăn, đấy là chưa kể tới việc nhiều chủ đầu tư mới không muốn thừa kế khối tài sản bỏ hoang do không còn phù hợp với thiết kế.
Quảng Nam đã xây dựng một bờ kè kiên cố kéo dài gần 1km để hỗ trợ chủ đầu tư |
Liệu ký quỹ đầu tư có khả thi?
Quảng Nam có 42 dự án ven biển được cấp phép nhưng tới nay mới chỉ 3 dự án bị thu hồi của các chủ đầu tư là Công ty CP Hạ tầng - dịch vụ truyền thông Logi 3, Công ty CP First Quality Management và Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viễn thông T.I.D.I tự giác giao lại mặt bằng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài nhìn nhận, quy hoạch ven biển phát triển du lịch chưa bảo đảm hài hòa và thích ứng với hiện trạng biến đổi khí hậu nên nhận các hệ lụy là khôn lường.
Song, dưới góc độ quản lý dự án, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tri lại cho rằng, việc cấp phép ồ ạt, không thẩm định kỹ dẫn tới không khả thi, giờ thu hồi không dễ dàng.
Đối với công tác thu hồi, ông Tri đánh giá, rà soát và ký lại tiến độ với chủ đầu tư, nếu thu hồi cần phải giải quyết mặt bằng cho ổn, đặc biệt là tài sản đã tồn tại trên đất, tránh để chủ đầu tư khiếu kiện. Ông Nguyễn Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, khi doanh nghiệp vi phạm, chậm tiến độ, ban quản lý làm việc rất nhiều lần giúp hai bên thống nhất cách làm, nhà đầu tư không bảo đảm cam kết chúng tôi mới quyết định thu hồi giấy phép.
Muốn có thể tìm được chủ đầu tư thật sự tâm huyết với dự án, với sự phát triển của địa phương, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam Võ Văn Hùng nói, để ngăn chặn nguy cơ nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính vẫn “xí phần” nhằm kiếm chênh lệch khi chuyển nhượng dự án, tỉnh Quảng Nam cần phải thông qua giải pháp ký quỹ đầu tư, mỗi dự án bất động sản đăng ký nghiên cứu đầu tư phải ký quỹ số tiền 500 triệu đồng.
Song, với những doanh nghiệp con số này là quá nhỏ và chỉ có giá trị ràng buộc trên giấy tờ bởi vì với những dự án chiếm dụng tới vài chục ha đất, cần đầu tư hàng trăm tỷ đồng thì số tiền được coi là “đặt cọc” này chẳng thấm vào đâu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, những nơi để xảy ra tình trạng dự án ven biển nổi cộm, gây ra bức xúc không được cấp mới dự án ven biển, địa phương nào đã cấp thì phải thu hồi giấy phép. Đối với những dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ, giao cho các địa phương kiểm tra, rà soát, thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định quy định.
- 184
- By Admin
- 08/12/2015
- 17