Quảng Bình: Nhiều sai phạm trong quy hoạch sử dụng đất
Vấn đề đầu tiên là chất lượng quy hoạch sử dụng đất ở tỉnh này chưa cao và thiếu sự đồng bộ và thống nhất về thời điểm lập quy hoạch giữa các cấp. Đi liền với đó là tính dự báo về nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch còn hạn chế và chưa sát với tình hình thực tế. Một dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này đó là các chỉ tiêu về đất khu công nghiệp, đất hoạt động khoáng sản, đất ở đô thị trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh và một số huyện chỉ đạt trên dưới 50% so với quy hoạch. Cá biệt có huyện đất khu công nghiệp chỉ đạt 37,12% và đất hoạt động khoáng sản chỉ đạt 3,8% chỉ tiêu quy hoạch.
Ban Kinh tế - Ngân Sách đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức thanh, kiểm tra việc sử dụng đất và việc hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư của Công ty TNHH Trường Xanh tại phường Nam Lý (Đồng Hới) |
Cũng xuất phát từ vấn đề nói trên, nên dẫn đến tình trạng thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự khoa học và hợp lý, diễn ra chủ yếu ở khu vực đô thị. Cụ thể như tại Đồng Hới, các công trình, dự án được giao đất, cho thuê đất nằm rải rác và phân tán khắp thành phố. Điển hình là các trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp; trụ sở, văn phòng của các doanh nghiệp; các dự án du lịch…không tập trung thực hiện dứt điểm theo từng khu vực hay phân khu chức năng. Điều đặc biệt đáng nói là nhiều công trình, dự án nằm trên đất nông nghiệp, vì vậy dẫn đến việc hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp bị chia cắt, gây trở ngại cho trong sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Có nhiều khu vực đất nông nghiệp, người dân không thể tiếp tục sản xuất được, như khu vực Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố Đồng Hới thuộc phường Nam Lý; khu vực đường Hữu Nghị, Nguyễn Hữu Cảnh…
Việc quy hoạch đã vậy, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Điển hình là ở huyện Bố Trạch có khá nhiều xã chưa chấp hành nghiêm các quy định về quy trình, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch không thông qua HĐND cấp xã và phê duyệt của UBND huyện.
Một vấn đề khiến dư luận hết sức bức xúc đó là tình trạng cơi nới, lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, rồi sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy hoạch được duyệt…diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Song các cơ quan chức năng chậm xử lý hoặc xử lý thiếu sự kiên quyết và triệt để. Điển hình là việc hàng loạt hộ dân ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) xây nhà, công trình trong khu vực quy hoạch xây dựng Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch để được bồi thường. Nhiều khu dân cư ở trung tâm các huyện, thành phố (phổ biến nhất là ở thành phố Đồng Hới) đã sử dụng đất ở để làm cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng; sửa chữa ô tô, xe máy; xưởng cán tôn, thép; kinh doanh karaoke, nhà hàng, quán nhậu…việc làm này không chỉ sử dụng đất sai mục đích, mà còn làm mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực. Điển hình là ở khu Trung tâm thương mại và dân cư Tây Nam đường Hữu Nghị. Ở đây, việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng đô thị hết sức lỏng lẻo, không tuân thủ thiết kế đô thị nên đã dẫn đến tình trạng nói trên.
Khu Trung tâm thương mại và dân cư Tây Nam đường Hữu Nghị một điển hình cho việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng đô thị hết sức lỏng lẻo và không tuân thủ thiết kế đô thị. |
Cũng về vấn đề này, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều dự án sử dụng đất sai mục đích, quy hoạch được phê duyệt tuy đã được phát hiện và xử lý, song việc xử lý thiếu kiên quyết và triệt để đã dẫn đến việc gây dư luận không tốt trong nhân dân. Điển hình như việc xây dựng nhà cửa, công trình trong vùng quy hoạch trồng cao su ở Cầu Roòng, xã Hồng Hóa (Minh Hóa); Nhà hàng Chang Chang tại xã Lương Ninh (Quảng Ninh) có một số hạng mục xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản; dự án đầu tư của Công ty TNHH Trường Xanh tại Phường Nam Lý được cấp phép là sản xuất gạch block và giống cây cảnh, nhưng trên thực tế tại dự án này, Công ty này chủ yếu kinh doanh nhà hàng ăn uống, phục vụ cưới hỏi, hội nghị; Công ty Xăng dầu Quảng Bình cho phép một số cán bộ, nhân viên trong Công ty xây dựng nhà ở trong khu đất tổng kho xăng dầu tại phường Nam Lý (Đồng Hới)…
Việc buông lỏng quản lý đất đai ở một số địa phương, đơn vị cũng đã dẫn đến những hậu quả xấu như việc Công ty Xăng dầu Quảng Bình để cho một số hộ dân lấn chiếm đất làm nhà ở với diện tích 546m2 tại Cửa hàng xăng dầu thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa); xã Sen Thủy và Thái Thủy (Lệ Thủy) để Công ty TNHH MTV Lâm trường Bến Hải và một số người dân huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị xâm canh khoảng 710 ha đất để trồng rừng và trồng cao su. Hiện vụ việc xâm canh đất ở xã Sen Thủy và Thái Thủy vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được.
Ngay cả thu tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tuy đã có bước cải tiến, song thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp. Điển hình là việc 29 hộ dân kinh doanh ở bãi tắm Nhật Lệ 1 đã di dời đến khu vực bãi tắm Nhật Lệ 2 từ năm 2008 theo quy định. Nhưng đến nay, các hộ này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Từ thực tế đó gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ dân này đối với Nhà nước. Hiện nay, diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương trong tỉnh còn rất lớn với hơn 27.000 ha đất.
Qua việc chỉ rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua nói trên, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Quảng Bình đã đề xuất UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh các vấn đề nói trên. Đồng thời, đơn vị chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra làm rõ một số sai phạm và xử lý dứt điểm các sai phạm đã được phát hiện, làm rõ trong lĩnh vực này.
- 199
- By Admin
- 19/01/2013
- 17