Quảng Bình: Dân đua nhau xây nhà để hưởng đền bù
Xây nhà siêu tốc
Ở thôn Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông), những người quen đến thăm nhà bà S. không ai không ngỡ ngàng khi thấy chỉ sau ít ngày, trên mảnh đất 1.600m2 của nhà bà đã mọc lên… 8 công trình đủ thể loại, tất cả đều xây qua loa với tỷ lệ một ximăng… mười cát, tô trát sơ sài.Trong vai một chủ doanh nghiệp đang tìm mua đất, chung tôi được bà S. hồ hởi giới thiệu tổng tiền bà đã bỏ ra cho các công trình siêu tốc này là 300 triệu đồng. Đang loáy hoáy dăm cây bạch đàn giống với mật độ như cấy lúa, bà S. ước tính số tiền bà thu được khi đền bù không dưới 2 tỷ đồng.
Những công trình "siêu tốc" mọc lên như nấm từ đầu thôn đến cuối xóm |
Cả thôn Vĩnh Sơn hiện nhộn nhịp như một đại công trình khi người người, nhà nhà đua nhau xây dựng từ nhà cửa, kho, chuồng trại, hàng rào, đường đi… Theo quan sát, có không dưới 300 công trình xây dựng kiểu nửa vời như vậy.
Phong trào dựng nhà đợi đền bù ở đây bắt đầu từ tháng 3 - 4/1011 và đặc biệt rộ lên sau khi có một số doanh nghiệp lùng tìm mua đất hoặc “tư vấn” và hùn tiền cho dân xây nhà với giao kèo chia tiền đền bù sau này. Theo lãnh đạo xã Quảng Đông, nhân dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, các công trình mới mọc lên với tốc độ chưa từng thấy.
Chúng tôi được V. (một người dân địa phương) đưa ra 2 phương án khi hỏi mua đất của anh: hoặc mua đứt với giá 200 triệu đồng/100m2 hoặc hùn hạp vốn để anh xây dựng rồi… chia tiền đền bù.
Theo nhiều người dân khác, hiện diện tích đất còn lại ở thôn Vĩnh Sơn không nhiều, và cũng sắp sửa được “giải quyết” hết bởi các hộ dân đang vay mượn tiền để xây dựng, các hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tìm cách bán sang tay vì sợ không được đền bù. Trong các hộ đã xây, không ít người đã “mạnh dạn” thế chấp sổ đỏ, vay tiền để làm với hy vọng đổi đời.
Chưa biết việc đền bù GPMB sẽ diễn ra đúng như “kịch bản” mà người dân mong muốn hay không, song hạnh phúc nhất có lẽ là đội ngũ thợ nề ở Quảng Đông và các xã lân cận. Có người chỉ trong một tuần kiếm được 10 triệu đồng vì tiền công tăng gấp 4-5 lần bình thường và họ tranh thủ làm ngày, làm đêm để nhanh chóng tạo nên hình hài các công trình theo mong muốn của chủ nhà.
Thiếu quản lý hay bất cập trong GPMB
Sau dịp lễ Giỗ tổ, chính quyền xã Quảng Đông đã có báo cáo gửi huyện Quảng Trạch về thực trạng này, và khi đi kiểm tra, huyện cũng không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm thứ công trình mà 79 hộ dân có đất ở ba thôn này vừa xây dựng. Có hộ chỉ trong hơn một tuần đã xây hàng chục công trình, với những công trình chiếm diện tích hơn 1.000m2.Mặt bằng cứ san lấp, nhà dân cứ xây |
Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch - kiên quyết: “Huyện đã kiểm tra và chỉ đạo xã lập biên bản, xử phạt hành chính các hộ vi phạm, đình chỉ các công trình trái phép. Chúng tôi kiên quyết không đền bù đối với các hộ vi phạm này”.
Tuy nhiên, việc chặn đứng tình trạng này có phần quá sức với xã Quảng Đông. Ông Võ Viết Vầy - Bí thư Đảng ủy xã - thừa nhận: chính quyền xã chưa thể ngăn chặn được tình trạng xây dựng ồ ạt này, dù có nhiều biện pháp từ tuyên truyền, giải thích đến lập biên bản, đình chỉ công trình. Khi đoàn kiểm tra của xã đến lập biên bản, nhiều người dân nói rằng Nhà nước chưa đền bù, chưa thu hồi đất nên dân có quyền dựng nhà cho con, làm ăn buôn bán nên xã cũng… bó tay.
Theo nhận xét của ông Ngọc và ông Vầy, thực trạng này xuất phát từ tâm lý “lách luật” của người dân, song cũng một phần vì công tác đền bù, GPMB dự án chưa đồng bộ. Theo ông Ngọc, PetroVietnam thỏa thuận cho tỉnh Quảng Bình ứng tiền đền bù, nhưng số tiền này không được ứng một lần mà nhỏ giọt nhiều đợt khiến tỉnh, huyện không chủ động được công tác GPMB.
“Thiếu tiền, chúng tôi phải đền bù, di dân theo nhiều đợt khiến tình hình thêm rắc rối. Hộ đi trước thắc mắc hộ đi sau được lợi hơn về giá đền bù cũng như diện tích đất cấp tại khu tái định cư nhiều hơn, người chưa đi thì lợi dụng chưa có quyết định thu hồi đất để làm liều”, ông Ngọc nói.
Cụ thể, các hộ di dân đợt đầu chỉ được cấp 250m2 đất tái định cư, còn các hộ đợt 2 được tới 500m2 đất. Giá đền bù vào từng thời điểm cũng khác nhau khiến nhiều người khiếu kiện.
Theo ông Vầy, khu tái định cư mới chưa khởi động, dù chỉ 3 tháng nữa là dự án được triển khai. “Ở thôn Thọ Sơn, 28 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn ở trên đất cũ vì chưa có khu tái định cư. Nay giá đền bù tăng, họ lại đòi thêm tiền mới chịu di dời”, ông Vầy nói.
Khẳng định không dễ trong việc xử lý tình trạng “lách luật” của người dân, lãnh đạo huyện Quảng Trạch, xã Quảng Đông đều mong muốn PetroVietnam thực hiện kịp thời, đồng bộ việc ứng tiền GPMB để phía Quảng Bình chủ động, đồng loạt việc đền bù, GPMB, tránh rắc rối phát sinh thêm.
(Theo dantri)
- 0
- By Admin
- 22/04/2011
- 17