Quản lý nhà tái định cư Hà Nội: "Đem con bỏ chợ"
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết Xí nghiệp Quản lý và Khai thác Dịch vụ Đô thị (Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) là đơn vị đang chịu trách nhiệm này.
"Đem con bỏ chợ"
Khu TĐC Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) là nơi thành phố bố trí cho các hộ dân chuyển về từ phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Đang ở nơi tiện lợi đủ thứ, mọi sinh hoạt dễ dàng, người dân phải đến một nơi xa hơn, vất vả đi lại, vất vả mưu sinh. Nhưng bù lại, họ có một diện tích ở rộng rãi, thoáng mát hơn hẳn. Khuôn viên, môi trường cũng tốt hơn. Họ sẽ không có gì phàn nàn nếu như hậu chuyển nhà, mọi thứ diễn ra êm đẹp. Ngay từ khi mới nhận nhà vào những năm 2005, 2006, nhiều người dân đã không hài lòng khi thấy đường dây điện đi nổi trong những ống nhựa vốn được thiết kế sử dụng dẫn nước, hay như không có bếp, họ phải đấu tranh mới được làm bếp. Sau khi đã ổn định cuộc sống, một loạt sự cố lại tiếp diễn.Sụt lún nền nhà tái định cư Cầu Diễn. |
Ông Hoàng Tiến An, Tổ phó Tổ dân phố số 22 dẫn chúng tôi đi một vòng qua những vị trí xuống cấp của tòa nhà B3, B4, B5, ông dừng lại ở vị trí hai chiếc máy bơm nước dưới tầng 1 tòa nhà B3 nói chuyện: "Máy bơm hỏng, đường nước gặp sự cố, chúng tôi phải tự sửa, tự bỏ tiền trả chi phí sửa chữa. Đây, chỗ gạch này là do chúng tôi tự đào lên sửa chữa đấy!". Ông An chỉ đoạn đường nước hỏng phải đào lên xuyên qua mấy gian phòng ở tầng 1 tòa nhà. Những cư dân đầu tiên ở đây đã sang năm thứ 6 nhưng họ vẫn phải dùng nước giếng khoan dù nước sạch sông Đà đã về tới khu xung quanh.
Ông Vũ Thời Tự ở phòng 303, nhà B5 gặp chúng tôi đã phản ánh một loạt sự cố từ đường điện chiếu sáng, nước không đảm bảo, chất lượng nhà xuống cấp và đặc biệt là hai chiếc cầu thang máy: "Nhà B5 có 7 tầng, có hai thang máy thì một chiếc hỏng hẳn từ tháng 9/2010 đến nay. Một chiếc thì hoạt động cầm chừng. Chúng tôi thấy thợ đến sửa thang máy này liên tục, nhưng nó cũng liên tục trục trặc. Sợ đi thang máy này không đảm bảo, nên tôi đi cầu thang bộ. Đơn vị quản lý nhà ở đây có cả một cái máy phát điện dùng cho cầu thang máy. Nhưng từ khi có chiếc máy này chúng tôi chưa thấy nó hoạt động. Ngay như lúc này đang mất điện (15h30' ngày 22/8) máy phát điện cũng không hoạt động". Nói rồi ông An và ông Tự gọi người mang chìa khóa mở phòng đặt máy phát điện cho chúng tôi xem. Chiếc máy mới với công suất lớn đặt choán diện tích cả một căn phòng đang nằm im lìm giữa một buổi chiều oi bức, mất điện.
Nhà xe tầng 1, tòa B4 Cầu Diễn quanh năm hứng nước dột. |
Cũng trong tình trạng hỏng cầu thang không được sửa chữa, nhà A1, A2 Khu TĐC Đền Lừ II (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện không sử dụng được 3 cầu thang máy. Nhà A2 có 4 cầu thang máy thì chỉ có 2 chiếc hoạt động, 2 chiếc bị khóa lại. Nhà A1 bị hỏng một cầu thang máy từ hơn một năm nay. Cầu thang máy còn lại thì cũng bị thủng cả nền. Tổ dân phố và bà con kiến nghị lên Ban Quản lý nhà thì được trả lời là họ đang lập dự toán. Suốt thời gian dài đề nghị không được, bà con nhà A1 đành tự góp tiền sửa chữa những phần hỏng hóc của nền chiếc cầu thang còn lại. Người dân nêu quan điểm: "Nếu họ không sửa thì họ phải nói rõ ràng, phần nào không sửa được thì để chúng tôi sửa, làm sao để cuộc sống đỡ vất vả hơn chứ".
Đưa đẩy trách nhiệm - dân chịu thiệt
Trước hàng loạt sự cố diễn ra như vậy, nhưng theo phản ánh của người dân thì các cơ quan liên quan như đơn vị xây dựng, quản lý nhà không thực hiện trách nhiệm của mình, không khắc phục các hạng mục hư hỏng. Điều này được ông An dẫn chứng: "Sau khi có phản ánh của bà con, đầu tháng 8-2010, Công ty Đầu tư và xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) đến kiểm tra thực trạng tòa nhà B3, B4 Cầu Diễn. Công ty này khẳng định một số hạng mục không thuộc trách nhiệm sửa chữa như: thiết bị vệ sinh sử dụng quá 4 năm, ống thoát nước thải quá trình sử dụng gây tắc… hoặc những căn hộ, hạng mục công việc do HACINCO đã bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thì không thuộc phạm vi bảo trì của HACINCO. Công ty này cũng lập danh sách hạng mục sửa chữa tại các căn hộ, thời gian từ ngày 16/8/2010 đến 31/8/2010, nhưng thực tế từ đó đến nay họ không sửa chữa".Máy phát điện cất kỹ trong kho, không được sử dụng khi mất điện. |
Ngày 23/8, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và khai thác đô thị, được biết 2 cầu thang ở nhà A2 do hoạt động không ổn định, sợ nguy hiểm cho người sử dụng nên xí nghiệp phải yêu cầu khóa lại để đảm bảo an toàn. Còn đối với cầu thang nhà A1 thì dự toán sửa chữa cầu thang đã được phê duyệt và chuẩn bị triển khai. Giải thích về sự chậm trễ trong việc sửa chữa, ông Thắng cho rằng, các hạng mục sửa chữa của nhà TĐC chưa được hưởng cơ chế đặc thù, phải do Hội đồng nhân dân thành phố duyệt nên quy trình lập dự toán cho đến khi được phê duyệt mất khá nhiều thời gian. Điều đó có nghĩa là, người dân kêu thì cứ kêu, cơ quan quản lý còn làm thủ tục, còn thời gian khắc phục kéo dài bao lâu là tại… cơ chế.
Đối với việc sử dụng nước sạch trong một số khu TĐC chúng tôi đã khảo sát. Ông Thắng cũng cho biết, hiện một số nhà TĐC chưa bàn giao nên xí nghiệp phải chịu trách nhiệm bơm nước, chịu tiền điện và nhân công. Theo quy định, nếu bàn giao hệ thống nước cho đơn vị cấp nước thì phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Nhưng, đã nhiều năm sử dụng nên hiện nay nếu có tiến hành bàn giao thì chắc chắn hệ thống này sẽ không đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Vậy nên xí nghiệp vẫn phải tự vận hành. Về vấn đề này, bà con khu TĐC Đền Lừ khá bức xúc, họ kể, khi nhân viên quản lý tòa nhà chú ý bơm nước thì bà con dùng đủ nước, khi họ quên bơm thì chúng tôi không có nước dùng. Còn bà con ở khu TĐC Cầu Diễn thì lại bức xúc hơn vì nước sinh hoạt của họ bị nhiễm bẩn mà kêu không thấu.
Quá trình tìm hiểu tại một số khu nhà TĐC tại Hà Nội, chúng tôi thấy rằng, hiện quỹ nhà dịch vụ bố trí tại tầng 1 đang lãng phí, nhiều năm không được sử dụng do chưa có sự đồng thuận giữa nhà quản lý với các hộ dân. Người dân lý giải: "Nếu đơn vị quản lý thực hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý nhà thì chúng tôi đồng ý để họ khai thác dịch vụ tại đây. Nhưng từ trước đến nay họ thể hiện rất ít trách nhiệm". Trong khi một số tòa nhà có những phòng trống thì bà con lại phải đi mượn địa điểm để họp tổ dân phố, họp hành và sinh hoạt cộng đồng. Nhà văn hóa ở khu Đền Lừ 2 thì được trưng dụng cho một doanh nghiệp may mặc thuê làm nơi sản xuất.
Trước tình trạng xuống cấp của các tòa nhà TĐC, trước những sự cố xảy ra không được khắc phục, vai trò của đơn vị quản lý các tòa nhà này thì quá mờ nhạt, thậm chí là chưa có trách nhiệm, TP Hà Nội cần kiểm tra, đánh giá và có chỉ đạo cụ thể để khắc phục tình trạng "đem con bỏ chợ", phải thực hiện cả vai trò quản lý và khai thác chứ không chỉ là khai thác như cách nhìn của người dân. Không thể để người dân chịu thiệt thòi khi phải ở trong những khu nhà TĐC lẽ ra phải được thành phố ưu tiên.
(Theo CAND)
- 131
- By Admin
- 26/08/2011
- 17