Quản lý khu chung cư: Mô hình nào cho phù hợp?
Đến nay nhiều khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn rất thấp, phí dịch vụ, hạ tầng vẫn luôn được người dân bức xúc kiến nghị trong các kỳ họp HĐND địa phương.Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết dứt điểm, hầu hết các khu chung cư không có ban quản trị, mà thay vào đó là đơn vị trung gian làm cầu nối giữa quyền lợi của người dân và chủ đầu tư. Mô hình hợp tác xã quản lý nhà ở kiểu Thụy Điển xem ra là một giải pháp mà người dân đang nghĩ tới.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại Hà Nội, ở các khu nhà tái định cư, khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tình trạng người dân kêu khổ vì hạ tầng cơ sở không đảm bảo, chất lượng cuộc sống còn thấp, nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư không được giải quyết... diễn ra thường xuyên.
Tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội, người dân bức xúc vì nước chảy tràn ra hành lang, nhưng chủ đầu tư vẫn lặng thinh. Ảnh: X.L |
Xuống cấp... toàn diện
Những người dân thuộc khu vực tái định cư ở Hà Nội như: Đền Lừ, Định Công hay Nam Trung Yên... đều từng có nhà, đất tại trung tâm TP như Kim Liên, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở... Khi người dân chuyển khỏi nơi ở cũ nhận nhà tái định cư vào những năm 2001 – 2003, tình trạng xuống cấp tại một số hạng mục công trình nhà tái định cư đã bắt đầu diễn ra.Tại khu tái định cư Đền Lừ, sân chung lún, mái (tầng thượng) dột đã khiến người dân bức xúc. Nhiều lần dân cư tại các khu nhà A1, A2, A3, A4, A5 nộp đơn, gọi điện kiến nghị với chủ đầu tư về tình trạng xuống cấp của các công trình nhưng mãi đến năm 2008, chủ đầu tư mới cho tu sửa tạm thời các khu vực lún, dột tại khu nhà A1, A3 nhưng công trình không được người dân nghiệm thu.
Những người dân tại khu nhà A4 tổ dân phố 87, khu tái định cư Đền Lừ còn nhớ lúc mới nhận nhà, không có chỗ phơi quần áo, cầu thang thoát hiểm giữa toà nhà rất bất tiện, nhiều hộ sau khi nhận nhà thấy nền gạch bong tróc, nước từ hệ thống cấp nước do khoá van và ống nước kém chất lượng đã chảy hết ra cầu thang, hệ thống cabin rác tắc gần 1 tuần nhưng không được giải quyết, buộc người dân phải tự nộp tiền thuê đơn vị vệ sinh môi trường giải quyết thông tắc rác...
Ông Trần Quốc Tuấn – tổ trưởng tổ quản lý nhà tái định cư Đền Lừ - cho biết: “Người dân các tổ dân phố nơi đây đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình hư hỏng nhưng kêu mãi mà không được đáp ứng nên nhiều tổ dân phố tự đóng tiền để thay thế bóng đèn, cửa kính, trát tường.
Các kiến nghị về lắp máy phát điện để khi mất điện cầu thang máy vẫn có thể hoạt động thì mãi đến năm 2010 mới có máy phát điện, nhưng cũng chưa hoạt động được lần nào”. Bức xúc của người dân ở các khu tái định cư Định Công, Nam Trung Yên cũng trong tình trạng tương tự.
Không chỉ có các khu tái định cư, mà các khu nhà thương mại xây dựng để bán tại Định Công như CT8, CT9 hoặc Linh Đàm CC2... người dân cũng vô cùng khổ sở. Sau nhiều năm yêu cầu chủ đầu tư phải trả lại diện tích vườn hoa hoặc kiốt tầng 1 đang cho thuê như hợp đồng đã ký, rốt cuộc tổ dân phố nơi đây đã tự đứng lên thu phí vệ sinh, trông xe để tái sửa chữa công trình xuống cấp.
Khu nhà thấp tầng kiểu mẫu ở khu Linh Đàm có tới 8/21 nhà dân đã bị trộm cắp đột nhập cạy cửa, an ninh không đảm bảo, nhà không số nên phải tạm lấy ký hiệu lô đất thay cho số nhà đã khoảng 10 năm nay.
Nhấp nhổm tăng phí, quản lý lỏng lẻo
Hầu hết các cư dân tại các khu chung cư đều có chung nhận xét về chủ đầu tư: Họ chỉ khai thác, tận thu của dân, còn quản lý toà nhà chung cư thì rất lỏng lẻo. Khi nhà, đường, hệ thống nước, rác thải hỏng kêu mãi chủ đầu tư vẫn cứ ì ra, bức xúc quá người dân phải tự đóng tiền để giải quyết lấy.Đó là các vấn đề an sinh phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân khu chung cư, còn các hạ tầng công trình kèm theo như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ... hầu như nơi nào cũng thiếu. Cuối năm 2011, nhiều khu nhà tái định cư, toà nhà thương mại, chung cư cao tầng đều dán thông báo Quyết định 4520/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội.
Theo đó, mức giá dịch vụ nhà chung cư là 2.400đ/m2/tháng, 3.100đ/m2/tháng và 4.000đ/m2/tháng. Mức giá đã bao gồm chi phí để thực hiện hoàn chỉnh các thành phần công việc, chi phí quản lý chung; lợi nhuận của DN và chi phí nguồn thu để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư theo đặc thù từng dự án.
Ông Đỗ Viết Doanh – tổ trưởng TDP 27C - cho rằng: “Chủ đầu tư có nhờ TDP dán thông báo cho người dân biết về quyết định mới mức giá dịch vụ nhà chung cư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa áp dụng. Nếu chủ đầu tư áp dụng mức phí này, cư dân chúng tôi sẽ có ý kiến về các vấn đề kèm theo như: Quản lý nhà theo quy định, vấn đề bảo vệ, vệ sinh... nếu đáp ứng được chúng tôi mới thực hiện. Đến nay mức phí cũ cũng chưa làm người dân hài lòng thì khó thực hiện được mức phí mới”.
Nhiều cư dân ở các khu chung cư cũng có ý kiến cho rằng nếu áp mức giá trần phí dịch vụ chung cư sẽ tránh được tình trạng chủ đầu tư tăng giá bừa bãi. Một vấn đề khác được họ đặt ra là: Trong trường hợp các chủ đầu tư không chấp hành những nguyên tắc đó mà đơn phương đưa ra mức giá không được người dân đồng tình như khu Keangnam... thì người dân có khởi kiện được không?
Trong lúc công trình hạ tầng không đảm bảo, những bức xúc của người dân vẫn chưa được giải quyết, phí dịch vụ còn phải bàn nhiều thì giải pháp thành lập ban quản trị theo quy định của Bộ Xây dựng hoặc mô hình quản lý nhà ở để làm đơn vị trung gian giữa người dân và chủ đầu tư như một giải pháp trung hoà các lợi ích, đúng như mong muốn của các hộ dân để các khu chung cư là niềm mơ ước của nhiều hộ gia đình.
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 22/02/2012
- 17