• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quản lý cụm công nghiệp: Cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ

Hạn chế này xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế và cơ chế, chính sách hỗ trợ thời gian qua chưa sát với thực tiễn, vì vậy cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để phát huy hiệu quả CCN.

Cơ chế, chính sách chưa sát thực tế

Như đã đề cập, nhu cầu phát triển CCN, tạo mặt bằng sản xuất của Hà Nội khá lớn song việc đầu tư còn khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu nơi sản xuất tập trung, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và phát sinh những vấn đề về môi trường, xã hội. Nguyên nhân ở đây có nhiều, nhưng trước hết là do sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô có sự thay đổi lớn. Hầu hết các khu, CCN trên địa bàn đều phải tạm dừng để rà soát quy hoạch. Mặt khác, tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN chậm trễ, đầu tư dàn trải, tỷ lệ lấp đầy chưa cao.

Theo quy định, chủ đầu tư phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật CCN mới được phép thu hút nhà đầu tư thứ phát. Tuy nhiên, chạy theo lợi ích kinh tế, nhiều chủ đầu tư sau khi giải phóng mặt bằng xong chỉ nhăm nhăm cho thuê đất mà bỏ trống hoặc chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật bên trong CCN. Có chủ đầu tư do thiếu vốn đã triển khai cầm chừng hoặc theo hình thức cuốn chiếu, khi có nhà đầu tư thứ phát đăng ký thuê đất mới hoàn thiện tiếp. Đáng nói, có CCN vừa mới xây dựng đưa vào sử dụng nhưng hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp nghiêm trọng. Cũng không ít CCN do chưa thu hút được đầu tư thứ phát đã bị người dân lấn chiếm làm hàng quán và nơi tập kết vật liệu xây dựng, gây lộn xộn, làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Trưởng ban Quản lý đầu tư, phát triển các CCN, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Cấn Hoàng Tung, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN trong thời gian qua còn chưa sát với thực tế cả về quy hoạch, kế hoạch tổng thể, hành lang pháp lý... nên chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư. Về hạ tầng kỹ thuật ngoài hành lang CCN như điện, giao thông, nước sạch... trách nhiệm của thành phố trực tiếp hỗ trợ đầu tư nhưng thời gian qua chưa thực hiện được, một số cơ quan, đơn vị chuyên ngành có đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong CCN lao đao.

Khi mở rộng, thành lập mới CCN, thành phố xác định phải sử dụng đất nông nghiệp, các địa phương quy hoạch sử dụng đất phải bố trí quỹ đất cho phát triển CCN, trình UBND thành phố và Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vả lại để thực hiện thủ tục này không thể ngày một ngày hai mà khá phức tạp. Khó khăn nhất hiện nay đối với Hà Nội nói riêng và các nước nói chung là "vướng" Chỉ thị 07, khi Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thành lập mới các khu công nghiệp, CCN. Hơn hai năm qua, Hà Nội không thành lập được CCN nào, trong khi đó, nhu cầu mặt bằng sản xuất của các làng nghề đang rất bức thiết...

Cần sự quản lý thống nhất

Qua tìm hiểu được biết, việc xây dựng quy hoạch chuyên ngành chỉ được thực hiện trên địa bàn Hà Nội (cũ) vào năm 2005, tỉnh Hà Tây (cũ) trước đây không thực hiện công tác xây dựng quy hoạch khu, CCN mà chỉ xác định danh mục các khu, cụm, điểm công nghiệp và được lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Điều đáng nói, chất lượng quy hoạch trước đây chưa được nghiên cứu kỹ, không khả thi để giải phóng mặt bằng hoặc nằm trong vùng phân lũ như các CCN Tam Hiệp (Phúc Thọ), Tân Hòa (Quốc Oai), Phùng Xá (Mỹ Đức), Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), Dương Liễu (Hoài Đức). Nhiều quy hoạch quá manh mún, nhỏ lẻ, vị trí nằm phân bố ở nhiều nơi. Có CCN diện tích chưa đầy 1ha nằm sát với khu dân cư; có quy hoạch lại bị chồng lấn với các dự án khác.

Không ít cụm chưa xác định được nhu cầu thuê đất dẫn đến không có khả năng lấp đầy... Khắc phục tồn tại này, trên cơ sở quy hoạch ngành, Sở Công thương đang rà soát lại để định hướng phát triển. Dự kiến có 8 CCN được chuyển đổi công năng, nâng cấp 5 cụm và đề xuất loại bỏ 12 cụm không phù hợp. Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN, quan điểm của thành phố là ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực về đầu tư, hạn chế giao cho cấp huyện, xã làm chủ đầu tư. Đồng thời, chú trọng ngay từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công, khi xây dựng hoàn thiện CCN mới được tiến hành cho thuê đất phát triển sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ.

Đi đôi với việc siết chặt quản lý, thành phố vừa hỗ trợ ngân sách cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 7 trạm xử lý nước thải tập trung cho 7 CCN chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và năm 2015 triển khai tiếp ở 9 CCN khác. Liên quan đến quản lý sau đầu tư, để tạo sự thống nhất, thành phố yêu cầu 21 quận, huyện khẩn trương thành lập, kiện toàn Trung tâm Phát triển CCN để quản lý sau đầu tư một cách hiệu quả nhất. Theo đó, mức phí sử dụng dịch vụ công cộng, tiện ích như bảo vệ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong CCN... được thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận thông qua hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ với đơn vị kinh doanh hạ tầng. Việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật...

  • 0
  • By Admin
  • 03/07/2014
  • 17