• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quận Bình Tân (Tp.HCM): Nở rộ nhiều hình thức ăn theo công viên

Tình trạng trên đang xảy ra khá phổ biến tại Q.Bình Tân (Tp.HCM).

Quận Bình Tân (Tp.HCM): Nở rộ nhiều hình thức ăn theo công viên | ảnh 1
Công viên 15 tháng 5 ở đường số 15, khu phố 8, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân trở thành “hội quán sinh viên” bày bán nước giải khát và cà phê -  Ảnh: Đức Phú

Từ sân tennis, bãi giữ xe, nhà kho

Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án khu dân cư Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (nay là P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân) rộng 29ha, trong đó phần diện tích dành công viên cây xanh - thể dục thể thao chiếm 2,5ha (25.000m2) do Công ty Sản xuất kinh doanh dịch vụ và xuất nhập khẩu Q.1 (Fimexco) làm chủ đầu tư. Đến nay dự án được triển khai 12 năm, hạ tầng khu dân cư cơ bản hoàn chỉnh tạo nên một khu đô thị mới thu nhỏ trên địa bàn Q.Bình Tân.

Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống tại đây rất bức xúc khi đến nay hạng mục công viên cây xanh chưa được chủ đầu tư thực hiện. Ông Trương Văn Hòa, tổ trưởng tổ 46, khu phố 6, nói: “Mang tiếng là khu dân cư hiện đại, kiểu mẫu nhưng không có chỗ cho trẻ em vui chơi. Người già như chúng tôi muốn tập thể dục phải đi dưới lòng đường. Trong khi nơi đáng lẽ phải làm công viên giờ là sân tennis, bãi giữ xe”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu dân cư Bình Trị Đông có tới năm hạng mục công viên (tại các góc đường 24-25, 23B-24B, 19-19E, 30-23A và 30-24B). Trong khi đa số công viên khác chưa được đầu tư hoàn thiện thì phần diện tích đất xây dựng công viên thể dục thể thao chiếm tới 15.500m2 tại góc đường 24-25 đang bị “phân lô” thành sân tennis, bãi giữ xe và nhà kho cho tư nhân thuê.

Ông Lâm Thành Thọ, chủ sân tennis, cho biết đã đầu tư cải tạo sân tennis trên từ năm 2003. Tuy nhiên, ông Thọ cho biết ông không phải là chủ thật sự mà chỉ thuê lại mặt bằng có hợp đồng hẳn hoi. Với giá tiền thuê 30-50 triệu đồng/tháng, đến nay ông Thọ phải trả tiền mặt bằng hơn 4 tỉ đồng, chưa kể tiền đầu tư nâng cấp sân tennis (sáu sân) gần 2,4 tỉ đồng. Tương tự, bà Sang - chủ bãi giữ xe Hoàng Lâm cạnh sân tennis - cho biết cũng thuê lại mặt bằng trên đã lâu, hiện hợp đồng còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Tuy không tiết lộ giá tiền thuê nhưng với số lượng xe giữ tại bãi lên đến vài chục ôtô (800.000-1 triệu đồng/chỗ/tháng - PV) và gần 100 xe máy thì số tiền thuê lại mặt bằng trên là không nhỏ. Trong đó, phần đất có diện tích 5.854m2 của sân tennis (theo quy hoạch diện tích công viên cây xanh - thể dục thể thao) được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho doanh nghiệp tư nhân Kiều Ngân.

Đến quán cà phê...

Hàng loạt công viên khác được đầu tư hoàn chỉnh giao cho Q.Bình Tân quản lý cũng biến thành những quán cà phê. Cụ thể, tại công viên 15 tháng 5 ở đường số 15, khu phố 8, P.Bình Trị Đông B, bàn ghế của quán cà phê bày la liệt, hoạt động từ 8g-22g. Ông Lê Thanh Hải, chủ quán cà phê trên, cho biết đã ký hợp đồng thuê công viên với Nhà thiếu nhi Q.Bình Tân trong thời hạn ba năm (kể từ ngày 1/6/2012).

Trước đây, các cơ quan chức năng đã yêu cầu một số chủ đầu tư trên địa bàn Q.Gò Vấp phải tháo dỡ sân tennis, sân bóng đá cỏ nhân tạo cho thuê được xây dựng trên phần đất được quy hoạch là công viên cây xanh - thể dục thể thao. Khi đó, các chủ đầu tư cũng lập luận rằng phần đất xây dựng sân bóng là đất thể dục thể thao trong thành phần đất công viên cây xanh - thể dục thể thao theo quy hoạch được duyệt. Nhưng lập luận trên không được chấp nhận.
Công viên ở đường số 11, khu phố 2, P.An Lạc cũng bị bày bàn ghế, ô dù khắp nơi, thậm chí phần vỉa hè công viên cũng được tận dụng để kinh doanh bán cà phê. Một người dân ở khu phố 2 cho biết: “Công viên đã biến thành quán cà phê sân vườn từ mấy tháng nay. Mỗi chiều đi tập thể dục chúng tôi lại bị vướng bởi bàn ghế bày đầy lối đi. Sống gần công viên nhưng việc vui chơi giải trí trong công viên lại bị hạn chế”.

Cách đó không xa, công viên 28 tháng 6 tại đường số 1A, P.Bình Trị Đông B cũng bị biến thành “cà phê sân vườn”. Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ quán, cho biết: “Có ký hợp đồng thuê công viên với Nhà thiếu nhi Q.Bình Tân. Không phải ai cũng được thuê công viên, vì tôi là người có uy tín nên được như vậy”.

Ông Nguyễn Trọng Hiền, phó giám đốc Nhà thiếu nhi Q.Bình Tân, thừa nhận có cho thuê các công viên 1 tháng 6, 15 tháng 5 và 28 tháng 6 (tổng diện tích 8.000m2) từ năm 2011. Tuy nhiên đây chỉ là dạng hợp đồng “phối hợp” khai thác công viên theo hướng phục vụ cộng đồng, đặc biệt là thiếu nhi. “Các quán cà phê trên chủ yếu để phục vụ người dân tập thể dục mệt có nước uống” - ông Hiền nói. Về giá cả cho thuê, ông chỉ cho biết 5-10 triệu đồng/tháng, giá này có thể tăng 10% trong các năm tiếp theo.

Trả lại đúng công năng cho công viên

Ông Trần Minh Khiêm, phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết đã tiếp nhận năm công viên từ các dự án được triển khai trên địa bàn. Do quận hiện nay không có công ty dịch vụ công ích nên giao lại cho nhà văn hóa thiếu nhi, quận đoàn và UBND phường để quản lý. Về thực trạng công viên biến thành quán cà phê, trách nhiệm của quận tới đâu? “Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị kiểm tra xử lý. Quan điểm của quận là các đơn vị thực hiện sai sẽ chấn chỉnh, quán cà phê đặt sai trong công viên phải dẹp, công viên phải được thực hiện đúng công năng công cộng” - ông Khiêm khẳng định.

Liên quan đến việc đất dành xây dựng công viên nhưng hiện là sân tennis và bãi giữ xe thuộc khu dân cư 28ha, ông Khiêm cho biết đến thời điểm này quận vẫn chưa nhận bàn giao hạng mục công viên trên từ Fimexco. Tuy nhiên, theo ông Khiêm: “Nguyên tắc đất dành cho công viên thì phải xây dựng công viên chứ không bàn cãi. Vấn đề này chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Xây dựng kiểm tra xử lý”.

Đại diện Fimexco, bà Nguyễn Thị Anh Thư - phòng kế toán - cho biết bà là người nắm toàn bộ các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án khu dân cư 28ha Bình Trị Đông. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề về tiến độ thực hiện các hạng mục công viên, vì sao một số hạng mục bị biến thành sân tennis, bãi giữ xe cho thuê...?, bà Thư cho biết chưa nắm cụ thể và yêu cầu “để trả lời những vấn đề trên phải có công văn chính thức của báo Tuổi Trẻ”.

Sở Tài nguyên - môi trường TP cho rằng phần đất cấp giấy chủ quyền cho doanh nghiệp tư nhân Kiều Ngân thuộc đất khu thể dục thể thao trong diện tích đất công viên cây xanh - thể dục thể thao. Quy định cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở được mời các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư các hạng mục thuộc hạ tầng xã hội như chợ, trường học, khu thể dục thể thao... Năm 2005, UBND TP cũng có văn bản cho phép tư nhân đầu tư các hạng mục trên tại khu dân cư 28ha Bình Trị Đông. Thực tế, doanh nghiệp Kiều Ngân đã tham gia xây dựng khu thể dục thể thao này từ giai đoạn triển khai dự án. Nay công ty khai thác khu đất trên để thu hồi vốn đầu tư là phù hợp.

Tuy nhiên, theo người dân, phần diện tích 25.000m2 đất công viên cây xanh - thể dục thể thao theo quy hoạch phải được xem là diện tích công cộng. Vì vậy, dù xây dựng trung tâm thể dục thể thao thì phải mang tính phục vụ cộng đồng chứ không thể biến thành sân tennis cho thuê chỉ phục vụ một số người. Theo các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, phần diện tích đất công viên cây xanh - thể dục thể thao bình quân 3,6m2/đầu người nên việc cắt hơn 5.000m2 đất cho tư nhân đầu tư kinh doanh khiến tỉ lệ mảng xanh người dân được hưởng vốn đã thấp nay tiếp tục bị cắt xén.

(Theo TTO)

  • 206
  • By Admin
  • 06/08/2012
  • 17