Qua Mỹ mua nhà
Số liệu chính thức của nước này cho thấy, khoảng ba triệu căn nhà đã bị ngân hàng tịch thu, biến thị trường địa ốc Mỹ thành nơi hấp dẫn cho những ai có tiền xem đây là cơ hội đầu tư, trong đó, kể cả những người Việt Nam có con du học. Số người này ban đầu còn ít nhưng nay thì ngày càng nhiều, nhất là người Trung Quốc. Ai có con du học ở Mỹ đều biết tiền ký túc xá khá cao, nếu mua được một căn nhà ở Mỹ thì con mình có chỗ ở, lại có tiền chi tiêu nếu cho thuê được một vài phòng trong căn nhà. Một số người kinh doanh nhà đất chuyên nghiệp trong nước cũng tìm thấy ở thị trường Mỹ một thời cơ và họ lên kế hoạch dài hạn đầu tư vào lĩnh vực này. Và cũng không loại trừ đây là cách rửa tiền của các quan tham muốn chuyển dần của cải sang đất Mỹ.Báo chí trong nước cũng như ở nước ngoài từng đề cập nhiều về các tour du lịch kết hợp với việc săn tìm nhà giá rẻ, đã tạo ra những đợt mua nhà của người Việt ở Mỹ.
Với người Việt, mua nhà ở Mỹ khó nhất ở khâu thanh toán.
Mặc dù giá nhà thấp vì ngân hàng có nhu cầu thu hồi tiền sớm, nhưng thị trường nhà ở Mỹ lại mang tính cạnh tranh cao do nhiều người Việt Nam có khả năng trả tiền mặt để giành những căn nhà tốt. Đặc biệt những vùng có nhiều người Việt như Garden Grove, Westminster (California), trường hợp trả tiền mặt như vậy không phải là hiếm. Các nhà phân tích thị trường ở Mỹ cho rằng, sự có mặt của những khách hàng người Việt trong chừng mực góp phần làm cho giá nhà không còn rơi tự do như thời kỳ đầu, đặc biệt là đối với nhà có hơn hai phòng ngủ vốn được người Việt Nam ưa chuộng hơn cả.
Thế nhưng, việc mua nhà ở Mỹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà vướng mắc lớn nhất là phương thức thanh toán, vì luật pháp Mỹ buộc các khoản tiền mặt trên 10.000 USD phải chứng minh nguồn gốc. Và cho dù vượt qua được trở ngại này thì việc chuyển tiền từ Việt Nam sang Mỹ với số lượng lớn càng không dễ, khi quy định của Ngân hàng Nhà nước không cho phép người xuất cảnh mang theo quá 7.000 USD. Muốn chuyển những khoản tiền lớn phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép với lý do đầu tư ra nước ngoài hoặc chuyển tiền cho con du học (với những khoản tiền nhỏ hơn).
Do những ràng buộc ngặt nghèo từ cả hai phía, hầu hết người mua nhà đã chọn phương thức chuyển ngân lậu khá phổ biến: những khoản tiền Việt kiều gửi về giúp thân nhân được giao ở Mỹ và nhận tại Việt Nam qua một cú điện thoại hay một thư xác nhận. Một con đường khác đưa tiền ra nước ngoài khá an toàn là qua hệ thống thẻ tín dụng của ngân hàng nước ngoài. Đây là một kẽ hở được dân làm ăn địa ốc khai thác, số lượng không lớn nhưng "tích tiểu thành đại".
Không ít người Việt Nam đã nhờ người thân có đủ điều kiện đứng tên vay tiền ngân hàng. Thông thường, người mua nhà ở Mỹ được ngân hàng bảo lãnh có thể trả mức tối thiểu 10% trị giá nhà, số tiền còn lại trả góp, chia đều trong 15 - 30 năm. Và theo tính toán của những người am hiểu, cứ mua một căn nhà trên dưới 100.000 USD thì phải trả khoảng 485 USD một tháng. Khoản tiền này không mấy khó khăn chuyển sang Mỹ nếu biết tận dụng các quy định.
Tất nhiên, phía chúng ta không khuyến khích người trong nước mua nhà ở Mỹ vì điều này làm cho nguồn ngoại tệ vốn không dồi dào lại phải vơi đi, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành ngoại tệ, nhưng nếu bảo cấm thì cũng chưa có quy định nào cụ thể.
Phía Mỹ thì chính sách thuế áp dụng cho nhà ở rất nặng nhằm chống đầu cơ. Đây là khoản thuế đánh trên giá trị bất động sản đang sở hữu với mức từ 1 đến 3% tùy theo tiểu bang. Vì vậy, đối với những người mua nhà với ý định đầu tư thì cần cẩn trọng, bởi nếu mua một căn nhà giá khoảng 300.000 USD thì chỉ riêng tiền thuế, mỗi năm chủ nhân phải đóng 3.000 - 9.000 USD, một con số không nhỏ.
Theo Đất Việt
- 140
- By Admin
- 11/05/2010
- 17