Phú Quốc bị "băm nát" vì dự án
Từ đầu năm 2007, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Thế nhưng, việc quy hoạch và sử dụng đất ở đây vẫn còn nhiều bất cập.Dự án “treo” khắp nơi
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân huyện Phú Quốc có nhiều dự án “treo” là do nội dung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chưa bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc quy hoạch xây dựng và sử dụng đất chưa phù hợp.Đảo ngọc Phú Quốc - Kiên Giang hiện vẫn còn nhiều đoạn đường lầy lội. |
Một lãnh đạo huyện Phú Quốc thừa nhận trong khi cơ sở hạ tầng như điện, đường chưa đầu tư đồng bộ, tỉnh lại nóng vội, ồ ạt cấp dự án cho nhà đầu tư. Có dự án chưa đến 0,5 ha cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư dẫn đến đất đai ở đây bị manh mún và kiềm chế sự phát triển của đảo. Trong 95 dự án vừa bị kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư, có dự án “khủng” với hơn 1.000 ha do không phù hợp với quy hoạch.
Cũng do quá nóng vội nên dẫn đến việc địa phương cấp cùng khu đất cho 2 nhà đầu tư. Trong ngày 26-3-2009, ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc đã ký cấp khu đất 125 ha tại Rạch Hàm cho 2 chủ đầu tư là Công ty TNHH Thiên Hà và Công ty CP TM DV DL Đại Cát Hoàng Long. Sau đó, ban quản lý phát triển đảo lại khắc phục bằng việc giao lại khu đất này cho một doanh nghiệp khác làm sân golf nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Do không phù hợp quy hoạch, hiện phía Đông đảo có đến hàng chục dự án lớn “treo” như khu nông trại SAFARI - Suối Cát có diện tích hơn 277 ha (xã Cửa Dương), khu du lịch sinh thái ở núi Mắt Quỷ hơn 190 ha (xã Dương Tơ), khu du lịch sinh thái Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) với 164 ha…
Dân “gánh” khổ
Vào những ngày đầu tháng 10-2012, chúng tôi trở lại khu vực Bắc Vũng Bầu thuộc xã Cửa Cạn, bãi biển đẹp nhất của đảo ngọc Phú Quốc, đến đâu cũng nghe người dân than khổ vì dự án “treo”.Anh Lê Văn Du (SN 1970, ngụ ấp 4, xã Cửa Cạn) cho biết anh về đây sống từ năm 1991. Lúc đó, vùng đất này còn hoang sơ, anh được chính quyền địa phương cấp hơn 1.000 m2 đất do tự khai khẩn. Đến năm 2007, anh được xã thông báo toàn bộ diện tích đất của mình đã “dính” vào dự án khu du lịch sinh thái Bắc Vũng Bầu. Sau đó, chủ đầu tư cho biết anh được bồi thường hơn 500 triệu đồng, hỗ trợ thêm 1,5 tỉ đồng và được mua nền nhà tái định cư.
“Vậy mà đã hơn 5 năm rồi, khu du lịch và cả nền nhà tái định cư đâu chẳng thấy”, anh Du nói. Anh cho biết thêm mới đây, UBND xã Cửa Cạn có mời anh và một số hộ dân có đất trong vùng dự án đến gặp chủ đầu tư. Tại buổi gặp, chủ đầu tư xin lỗi và hứa đến hết quý IV/2012, nếu không thấy “động tĩnh” gì thì coi như dự án bị “xù” và bà con cứ yên tâm ở lại trên mảnh đất của gia đình mình. Trong khi đó, nhiều hộ ở đây đã phải khổ sở vì sống trong khu vực dự án “treo” từ nhiều năm qua.
Theo ông Nguyễn Ngọc Miên (SN 1955, ngụ tổ 5, khu phố 7, thị trấn Dương Đông), gần chục năm qua, nhiều hộ ở đây gặp khó khăn cũng chỉ vì vướng dự án “treo”. Năm 2003, UBND thị trấn Dương Đông thông báo toàn bộ đất của 85 hộ ở đây sẽ bị thu hồi để làm khu nghĩ dưỡng cho cán bộ hưu trí. Theo đó, ông Miên được bồi thường 1.040 m2 theo giá đất nông nghiệp là 700.000 đồng/m2.
Mãi đến ngày 21-12-2007, huyện mới có quyết định thu hồi và đền bù. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, phát hiện dự án bị đổi thành khu du lịch cao cấp do người nước ngoài đầu tư, nhiều hộ dân không nhận tiền và làm đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Vậy là vụ “nhùng nhằng” này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc, cho biết quan điểm của địa phương là kiên quyết thu hồi dự án “treo”. Thực tế, trước khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thì tỉnh đã thu hồi 51 dự án sai quy hoạch. Phú Quốc đang cần những nhà đầu tư có năng lực thật sự chứ không “ôm” vào nhiều rồi làm chậm, không hiệu quả”.
(Theo NLĐ)
- 0
- By Admin
- 16/10/2012
- 17