• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt

Trong điều kiện bình thường hiện nay, một gia đình thường có hơn một thế hệ, có những gia đình có tới 3 – 4 thế hệ chung sống. Với điều kiện kinh tế xã hội phát triển, mức độ tiện nghi, nhu cầu độc lập, riêng tư của mỗi cá nhân tăng lên, thì việc bố trí phòng riêng cho từng thành viên (hay nhóm thành viên) trong gia đình là điều bình thường và dễ hiểu.

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 1
Không gian của người già rất cần sự tĩnh lặng.

Phòng người già, phòng trẻ em – những điểm tương đồng

Mặc dù người già và trẻ em có sự khác biệt rất lớn về tuổi tác, hoạt động và sinh hoạt, song về cơ bản họ lại có những điểm tương đồng. Đó là những thành viên không phải là lao động chính, hoặc hết tuổi lao động (người già); và chưa đến tuổi lao động (trẻ em). Người già và trẻ em đều cần có sự quan tâm chăm sóc ở một mức độ nào đó từ những người khác (con cái đối với bố mẹ, bố mẹ đối với con cái, hoặc từ người giúp việc). Người già và trẻ em đều có sức khoẻ và thể chất không/chưa hoàn hảo để có thể làm được mọi việc trong cuộc sống sinh hoạt bình thường…

Chính vì vậy, không gian kiến trúc cho cuộc sống của người già và trẻ em, hay cụ thể là phòng ở, phòng ngủ cho người già và trẻ em cũng cần phải tương thích với những đặc tính đó, đảm bảo sự thuận tiện nhất cho sinh hoạt.

Hai loại phòng này có những điểm tương đồng sau đây cần lưu ý:

- Cấu trúc rõ ràng, mạch lạc:

Việc tổ chức không gian kiến trúc – nội thất phụ thuộc vào cấu trúc và phong cách chung của toàn nhà, và nhu cầu cụ thể của mỗi thành viên. Tuy nhiên, đối với phòng cho người già và trẻ em, thì một cấu trúc rõ ràng, mạch lạc là cần phải có – việc kê sắp đồ nội thất sẽ dựa trên cơ sở ấy. Mặt bằng tổ chức công năng hợp lý, thuận tiện; từng khu vực chức năng nên rõ ràng. Việc tổ chức mặt bằng công năng này quan hệ trực tiếp đến tổ chức giao thông. Trong những trường hợp bất đắc dĩ như mất điện đột ngột buổi tối, người trong phòng vẫn có thể định hướng và tiếp cận được các khu vực an toàn (giường, ghế ngồi…) hay đi có thể lần tìm được tới chỗ để các thiết bị chiếu sáng thay thế tạm thời (đèn pin, đèn cầy…), phòng vệ sinh nên ở gần, hoặc ngay trong phòng (khép kín) là tốt nhất.

- Thuận tiện – an toàn sử dụng:

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 2
Một phòng dành cho người già theo phong cách hiện đại.
Ở đó việc sử dụng 2 giường đơn thay vì một giường đôi sẽ thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt và nghỉ ngơi

Cả người già và trẻ em đều có những hạn chế về nhận thức và xử lý tình huống; nên thiết kế kiến trúc và nội thất phải đảm bảo nguyên tắc thuận tiện – an toàn sử dụng. Cần tránh tuyệt đối những thiết kế giao thông phức tạp, giật cấp, chênh cốt làm khó khăn khi đi lại, dễ gây vấp ngã; tránh thiết kế các góc tường, đồ nội thất có góc nhọn… dễ gây nguy hiểm. Nên có vệ sinh trong phòng ngủ hoặc phòng vệ sinh ở gần cửa phòng. Các cửa sổ, bancông, lô gia thông ra ngoài, ra giếng trời phải có lan can cao hoặc hoa sắt an toàn. Tất cả các ổ điện hoặc bảng điều khiển thiết bị điện phải lắp đặt đúng tiêu chuẩn an toàn điện, ở các vị trí dễ tiếp cận, dễ sử dụng; nên sử dụng các thiết bị an toàn chống giật (cầu dao, rơle tự ngắt khi có hiện tượng đoản mạch). Không nên lắp đặt các loại thiết bị điện, nước, điện tử, điện lạnh… có cơ chế vận hành phức tạp hoặc có khả năng gây nguy hiểm ở trong phòng và phòng vệ sinh liên quan, ví dụ như bồn tắm có hệ thống sục, hệ thống lò sưởi điện…

- An toàn thoát hiểm:

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 3
Một phòng ngủ của cặp vợ chồng đã có đám cưới bạc. Chất liệu gỗ ấm áp là lựa chọn cho nội thất căn phòng

Đây là một yếu tố cũng rất quan trọng đối với phòng người già và trẻ em. Với thể lực hạn chế (với cả trẻ nhỏ, người cao tuổi), bệnh tật (người già), hoặc chưa có kinh nghiệm sống (trẻ em)… khi có tình huống, sự cố cần phải dễ dàng thoát hiểm qua cửa hoặc có thể thông báo bằng các tín hiệu cấp cứu ra bên ngoài chờ giúp đỡ.

Vì vậy, cửa cho phòng của người già và trẻ em cần phải lắp đặt những loại chốt khoá dễ thao tác đóng mở. Không nên dùng loại chốt ngang (chốt rời không ổ khoá) ở trong phòng. Khoá cửa phòng cần phải để một bộ ở ngoài để có thể kiểm soát và xử lý khi có sự cố.

Với người già và trẻ em nói chung, mức độ riêng tư không yêu cầu cao, nên cửa phòng có thể có ô kính để có thể tiện cho việc trông nom, theo dõi trạng thái, cũng như khi cần thiết (có sự cố) dễ dàng phá vỡ kính để mở chốt khoá từ phía trong.
 
… và những khác biệt

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 4
Một phòng dành cho người già theo phong cách cổ điển.

Bên cạnh những điểm tương đồng như trên đề cập; thì lại có rất nhiều điểm phòng người già và trẻ em có những đặc thù riêng, khác nhau – thậm chí đối lập; bởi các nhu cầu khác nhau, nếp sống, hoạt động, cũng như vấn đề tâm sinh lý khác nhau.

- Vị trí phòng:phòng của người già nên ở tầng thấp (tầng trệt, lầu một) để tránh phải đi cầu thang quá nhiều. Trong khi đó phòng trẻ em có thể ở những lầu cao, phụ thuộc nhiều hơn ở những yếu tố khác như điều kiện sinh hoạt, phạm vi quản lý – chăm sóc của cha mẹ. Phòng của người già nên ở những khu vực tĩnh lặng, tránh gần các phòng karaoke, phòng kỹ thuật có chứa máy gây tiếng ồn… tuy nhiên, không nên tách biệt hoặc quá xa khu vực trung tâm (phòng sinh hoạt chung), vì người già luôn có nhu cầu giao lưu, muốn gần con cháu.

- Hình dáng phòng:phòng của người già cần tiến đến sự đơn giản, để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoáng đãng. Do vậy hình dáng phòng nên là hình chữ nhật hoặc hình vuông. Bên cạnh đó hình vuông là hình của hành thổ, có tính ổn định và bền vững. Ngược lại, phòng của trẻ em có thể phá cách để tạo nên sự sống động, nghịch ngợm, vui tươi với các hình khác thường hay với những đường cong. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo yếu tố công năng và các vấn đề an toàn như đã nêu ở trên.

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 5
Phòng ngủ của các bé tuổi mẫu giáo và tiểu học thường có nhiều đồ chơi, màu sắc phòng có thể rực rỡ.

- Đường nét, màu sắc, chất liệu:tương tự như hình dáng phòng, thì đường nét và màu sắc của phòng người già và trẻ em cũng thường khác nhau. Phần này lại cơ bản thuộc về bố trí và trang trí nội thất nên rất hay được các nhà thiết kế chủ động khai thác. Phòng của người già không nên nhiều màu – nên dùng những màu trầm, ấm kết hợp với các màu trắng, màu sáng nhẹ; đường nét không quá đặc biệt, mất cân bằng; chất liệu gỗ là chủ đạo, không nên dùng nhiều các chất liệu thép – kính. Phòng trẻ em lại có thể dùng những màu mạnh, rực rỡ, chói gắt và các đường nét tự do – sáng tạo; chất liệu và cách thức thể hiện cũng nên đa dạng.

- Đồ đạc, trang thiết bị:

Khi đã ở tuổi gọi là già trở đi, người già ít có thay đổi nhu cầu đặc biệt liên quan đến các trang thiết bị, vì cuộc sống và hoạt động thường nhật đã tương đối ổn định. Trong khi đó, trẻ em ngày càng lớn lên và nhu cầu giải trí học tập thay đổi liên tục trong một quãng thời gian dài. Khi còn bé, trẻ thường thích và có rất nhiều đồ chơi trong phòng, và các bé cần những chiếc giá để đồ chơi, thú bông. Khi đi học cấp tiểu học, nhu cầu đồ chơi ít đi và giá kệ bắt đầu nhường chỗ cho sách.
 
Tới thời gian học trung học cơ sở thì internet là một nhu cầu của đại đa số các em. Bên cạnh đó là những nhu cầu khác liên quan đến việc học năng khiếu – ví dụ như học nhạc, phải cần nhạc cụ trong phòng để tập. Tivi và các phương tiện thông tin cũng có thể có mặt. Đồ đạc nội thất ở phòng người già thường ổn định, bất biến; còn phòng trẻ em lại linh hoạt và luôn thay đổi theo thời gian, do các em lớn lên, nhu cầu học tập và giải trí thay đổi cũng như quan niệm thẩm mỹ thay đổi, và đồ đạc cũng như trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật trong phòng cũng cần thay đổi theo.

Thiết kế cần đi vào đúng bản chất

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 6

Phòng cho người già và trẻ em – đó là những không gian sống như mọi không gian, mọi phòng ốc khác trong ngôi nhà ở, cần phải được quan tâm đúng mức. Lâu nay, nhiều chủ nhà (ở đây hiểu là người có vai trò quyết định trong việc triển khai công việc, đặt ra các yêu cầu) và kiến trúc sư hầu như chỉ chú trọng không gian sinh hoạt chung, bếp và phòng ngủ chính (master bedroom), đó không chỉ là thiếu sót về chuyên môn mà còn thể hiện mặt yếu của văn hoá sống. Nhất là phòng dành cho người già không được quan tâm; có khi chỉ làm tối thiểu, làm cho có, tận dụng đồ đạc những gì có sẵn xếp vào, với cách nghĩ người già thì… thế nào cũng được.

Hoặc có thể nghĩ rằng: người già thì thích hoài cổ nên tư vấn dùng toàn đồ sập gụ tủ chè, bàn chân quỳ, giường chạm trổ… để cho phù hợp. Còn phòng trẻ em thì cứ nghĩ là nhiều màu sắc, sơn hay dán các nhân vật hoạt hình là sẽ có… “phong cách trẻ con”. Những điều đó không sai, nhưng không đủ và chưa đúng bản chất vấn đề. Cần phải giải quyết tốt các nhu cầu sống, sinh hoạt, sử dụng của những “người chủ không gian” trước, rồi mới đến vấn đề hình thức. Mà ở phòng của người già và trẻ em, an toàn và thuận tiện phải được đặt lên hàng đầu!

Phòng cho người già – trẻ em: Tương đồng và khác biệt | 7
Ở các tuổi lớn hơn, màu sắc, đường nét nội thất phòng nên nhẹ nhàng.

Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
(Theo SGTT)

  • 173
  • By Admin
  • 22/11/2010
  • 17