• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phố đi bộ - nét đặc trưng của đô thị

Theo các nhà đô thị học, ý nghĩa của việc tổ chức phố đi bộ là "trả lại thành phố cho thị dân", tạo điều kiện để người dân tiếp cận khu vực công cộng dễ dàng hơn, tăng cường giao tiếp bình đẳng giữa các tầng lớp người dân. Ngoài ra, phố đi bộ còn đóng vai trò hồi sinh các khu vực lịch sử và duy trì sức sống văn hóa đô thị.

Phố đi bộ tại thành phố nghỉ mát nổi tiếng Pattaya ở Thái Lan.

Nhu cầu nảy sinh phố đi bộ được lý giải bởi ba lý do. Thứ nhất, trong sự phát triển của đô thị, nhu cầu đi bộ thư giãn trở thành giá trị tinh thần cho người dân. Phố đi bộ thường được đặt ra nhằm tạo dựng một môi trường đô thị mà các yếu tố "thư giãn" sẽ được ưu tiên. 

Lý do thứ hai là sự phát triển thương mại và du lịch ở đô thị, thường được thấy ở nhiều thành phố lớn của thế giới như . Thượng Hải, Bangkok... Khi đó, phố đi bộ có thể là một hình thức "chợ". Yếu tố "đi bộ" được nói đến trong mô hình này như là "lối sống", đi dạo và mua sắm thực sự được nhìn nhận là một lối sống đô thị. Việc xây dựng các phố đi bộ đồng nghĩa với việc quy hoạch tập trung các khu thương mại, dịch vụ và những giải pháp đa dạng hóa hình thức kinh doanh.

Lý do thứ ba là việc phát huy các yếu tố đặc trưng của địa phương. Ở một số đô thị, những khu vực có ưu thế về cảnh quan kiến trúc đẹp, hấp dẫn, giàu tính văn hóa lịch sử địa phương thường được chú trọng để xây dựng thành những khu phố đi bộ để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Việc đi bộ để "thưởng lãm" trở thành một yêu cầu được giới quy hoạch đô thị lưu tâm. Chức năng cơ bản của những phố đi bộ này chính là giải quyết nhu cầu "thưởng thức văn hóa" của người dân, là yếu tố "văn hóa đặc trưng", góp phần bảo tồn di sản kiến trúc.

Khu phố đi bộ thương mại tại Nam Kinh (Trung Quốc).

Ngày càng có nhiều sự phối hợp giữa ba mô hình trên trong việc ra đời phố đi bộ. Sự phối hợp này đòi hỏi không chỉ những điều kiện sẵn có về cảnh quan, môi trường, di sản, kiến trúc mà còn đòi hỏi những giải pháp quy hoạch mạnh mẽ và táo bạo. Vì vậy, phố đi bộ phải thực hiện được một số tiêu chuẩn gồm các tiêu chuẩn quy hoạch kiến trúc. Đường phố có không gian thoáng đãng, ngoài chức năng giao thông, thương mại còn có giá trị thưởng ngoạn, ngắm cảnh, tập trung nhiều di sản kiến trúc, tạo dấu ấn về đặc trưng lịch sử văn hóa, có sự kế thừa và chuyển hóa không gian. Các tuyến phố đi bộ nếu là "đường cổ đô thị" cũng sẽ là một di sản đô thị hay là "gạch nối di sản" giữa các khu vực lịch sử.

Về các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, phố đi bộ cần có vật liệu mặt đường phù hợp với mảng xanh trên đường phố, có không gian cô đọng, hài hòa như quảng trường. Nơi đây cũng cần có truyền thống giao lưu văn hóa, thương mại. Có hệ thống công trình dịch vụ công cộng, bãi đậu xe, có thể kết nối được với những tuyến đường, những không gian khu vực đô thị khác.

Về tiêu chuẩn văn hóa - xã hội, địa phương sẽ phải ủng hộ, tạo động lực thu hút người dân, có chính sách thúc đẩy hoạt động văn hóa nghệ thuật và thương mại. Phố đi bộ sẽ phải là khu vực kiểu mẫu, tác dụng giáo dục về cảnh quan và vệ sinh môi trường, được bố trí và trang trí giàu tính mỹ cảm với nhiều màu sắc và hoạt động về đêm. Nơi đây sẽ là nơi thưởng thức nghệ thuật thường xuyên, có khu vực biểu diễn nghệ thuật ngoài trời và văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Vì vậy, muốn có phố đi bộ thực sự không thể chủ quan áp đặt, duy ý chí là có phố đi bộ. Phố đi bộ chỉ hình thành do chính người dân sống, làm việc và các cơ sở dịch vụ trên đường phố này tự nguyện làm vì thấy có nhu cầu, quyền lợi của họ theo quy luật tự nhiên. Điều cơ bản là địa phương có chính sách ưu đãi phù hợp và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo nhu cầu sử dụng. Phố đi bộ đóng vai trò chức năng văn hóa, chứa đựng các di sản văn hóa đô thị và chính nó cũng là một sản phẩm văn hóa, một di sản của đô thị.

Theo Kiến Trúc Việt Nam

  • 0
  • By Admin
  • 09/10/2008
  • 17