Phó Chủ tịch Tp.HCM chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng
“Báo cáo cũng không xong thì còn họp hành gì?”
Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM đã trình bày “Báo cáo về cân đối tổng thể nhu cầu bố trí sử dụng và định hướng phát triển nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố”. Theo đó, vị lãnh đạo này cho hay, thành phố đã đầu tư xây dựng 35.158 căn hộ và nền đất tái định cư cho người dân kể từ khi triển khai chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè (1996) cho đến nay.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM |
“Cụ thể: Đã bố trí sử dụng mục tiêu tái định cư 26.149 căn và nền; Đã có chủ trương đấu giá thu hồi vốn 406 căn và nền; Đã kiến nghị chuyển sang nhà ở xã hội 1.367 căn và nền; Tiếp tục bố trí sử dụng cho 46 dự án trọng điểm 4.236 căn và nền”.
Vừa nghe đến đây, ông Nguyễn Hữu Tín đã lập tức ngắt lời: “Các anh thử xem lại số liệu cộng đã đúng chưa? Đọc qua là biết không đúng rồi, còn mấy ngàn căn nằm ở đâu? Có báo cáo các anh làm cũng không xong thì còn họp hành cái gì?”. (26.149 + 406 + 1.367 + 4.236 = 32.158, thiếu 3.000 căn so với tổng số nêu trên - PV).
Các cán bộ Sở Xây dựng sau giây phút bối rối vội đính chính lại, theo đó, số căn hộ và nền đã bố trí sử dụng mục tiêu tái định cư không phải 26.149 mà là 29.149.
Nhưng sau đó, Sở xây dựng còn mắc sai sót trầm trọng hơn. Ông Nguyễn Hữu Tín trong cuộc họp liên tục nhấn mạnh đến vấn đề các số liệu về nhu cầu nhà tái định cư của người dân trong gian đoạn 2014-2015 phải được thống kê tuyệt đối chính xác.
Ông Phó Chủ tịch nói: “Sau này nếu phát sinh trường hợp người dân yêu cầu mà không có trong báo cáo thì khi đó các anh sẽ bị xử lý”.
Tuy nhiên, khi ông Tín hỏi, để có được những số liệu thống kê nhu cầu tái định cư của người dân, Sở Xây dựng đã làm việc với đơn vị nào thì vị đại diện trả lời rằng “đa số làm việc với các công ty công ích”.
Ngay sau khi nghe trả lời, ông Phó Chủ tịch đã lập tức hỏi lại với giọng rất giận dữ: “Tại sao lại vậy. Tôi đã chỉ đạo các anh phải làm việc trực tiếp với UBND các quận huyện, phải có con dấu, chữ ký đàng hoàng. Các anh làm việc với công ty rồi mai mốt quận huyện nói không làm việc với họ mà làm việc với công ty thì sao, hay lại đổ trách nhiệm cho nhau?”.
Vì lý do “các số liệu không chính xác, chắc chắn thì không thể làm tiếp được”, cuộc họp đã phải kết thúc sớm hơn dự định. Ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu, Sở Xây dựng phải làm việc lại với các huyện, quận và phải có các số liệu chính xác trong vòng 2 tuần tới.
“Không để quận huyện ôm nữa”
Cũng trong khuôn khổ buổi họp, trước đó, khi trao đổi đến việc bố trí tạm cư cho những hộ dân bị giải tỏa ông Tín nhận định, quỹ đất tái định cư của thành phố phải do Sở Xây dựng trực tiếp quản lý.
Bởi vì trước đây quỹ đất này được giao cho các huyện, quận nhưng những nơi này thiếu sự liên kết nên dẫn đến tình trạng “nơi thiếu, nới thừa”. Ông Tín nói: “Quận này thì thừa nên đòi bán, trong khi quận bên cạnh thì kiếm không ra”.
Chung cư Thạnh Mỹ Lợi là nơi tái định cư cho các hộ dân tại quận 2 |
Phó chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh đến việc phải bố trí tạm cư cho các hộ dân gần nơi ở cũ của họ. Ông Tín cho hay: “Tôi đã gặp một hộ dân quận 1 nhưng được bố trí tạm cư dưới tận Bình Chánh. Bây giờ vợ chồng mỗi người làm một nơi, trong khi con vẫn học ở quận 1, hàng ngày chạy xe qua lại rất mệt”. Trước thực tế này, ông Tín yêu cầu, trong thời gian tới, nếu giải tỏa thì phải bố trí tạm cư cho người dân tại các quận lân cận chứ “đừng đẩy đi xa nữa”.
Đối với đề nghị của Sở Xây dựng muốn bán một số quỹ nhà, đất nền tái định cư đã chuyển sang nhà ở xã hội hoặc chưa bố trí, ông Tín quyết định “chưa thể được”. Bởi vì số liệu về nhu cầu của người dân hiện chưa được Sở thống kê từ nguồn chính xác (phải từ UBND huyện, quận thay vì từ các công ty công ích như đã nói ở trên - PV). Ông cho biết, khi giải quyết ổn thỏa tái định cư cho người dân thì mới tính đến việc này.
Tranh chấp chung cư, thiếu chế tài xử phạt
Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, từ đầu năm đến nay, có 58/1.244 nhà chung cư có phản ánh về tình hình sử dụng, quản lý, an ninh trật tự, chất lượng công trình. Trong đó, có 48 chung cư cấp trung bình, 6 chung cư cao cấp, 4 chung cư thấp tầng. Theo đó, Sở Xây dựng cũng đã liệt kê 16 tranh chấp phổ biến. Đó là diện tích sử dụng và sở hữu chung (chiếm gần một nửa số vụ), phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành, chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, chất lượng công trình...
Theo Sở Xây dựng và các huyện, quận, những quy định trong Quyết định 08/2008 do Bộ Xây dựng ban hành về cơ bản có thể xử lý được các tranh chấp nêu trên. Nhưng quyết định này lại không quy định rõ các hình thức chế tài nên không thể xử lý dứt điểm các tranh chấp. Trong khi đó, thành phố cũng không thể tự đưa ra các hình thức chế tài được mà phải kiến nghị Bộ Xây dựng.
Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, có thể vận dụng các quy định pháp luật có liên quan để có chế tài đối với chủ đầu tư nếu không thể xử lý theo quy định của Bộ. Ông Tín yêu cầu, Sở Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến của các sở, ngành, huyện, quận và của các hộ dân tại các chung cư để khi quy chế được ban hành sẽ sát với thực tế và có thể xử lý triệt để các tranh chấp.
- 124
- By Admin
- 27/11/2014
- 17