Phí dịch vụ cao nhưng tính mạng cư dân vẫn không được đảm bảo
Nạn nhân Trần Thanh Hiền đang phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức, nhưng phía BQL tòa nhà Keangnam không hề có sự thăm hỏi nào…!?“Họ thật thờ ơ, vô trách nhiệm”!
Sáng 21/11, phóng viên báo PL&XH đã trở lại Bệnh viện Việt Đức thăm nạn nhân Trần Thanh Hiền (SN 1972, trú tại nhà A1803 tòa nhà Keangnam Hà Nội Landmark Tower). Trao đổi với phóng viên, cố nén đau đớn, anh Hiền cho biết: "Tình hình sức khỏe của tôi vẫn chưa có tiến triển, các bác sỹ cho biết tôi bị vỡ xương bánh chè hiện đang phải điều trị tích cực mới mong hồi phục. Từ hôm bị đánh đến nay, chỉ duy nhất một lần CA huyện Từ Liêm vào yêu cầu tôi cung cấp thông tin, còn BQL tòa nhà vẫn im lặng, không có bất kỳ động thái nào thăm hỏi động viên hay thông báo tình hình giải quyết vụ việc cho tôi cũng như các thành viên trong gia đình tôi rõ. Cách hành xử của họ thật thờ ơ và vô trách nhiệm…".Sân chơi dành cho trẻ nhỏ, tại tầng 5 tòa nhà Keangnam, nơi mọi người phản đối việc BQL tòa nhà dùng khoảng sân này vào mục đích kinh doanh |
Nhiều cư dân cho biết, mặc dù họ đã nhiều lần yêu cầu BQL tòa nhà phải đưa ra lời giải thích rõ ràng về sự việc, tuy nhiên đáp lại yêu cầu chính đáng của họ vẫn là sự "im lặng" một cách khó hiểu, cùng thái độ bất hợp tác của BQL tòa nhà. Trước sự việc trên, CA huyện Từ Liêm đang khẩn trương điều tra làm rõ sự việc.
Như báo PL&XH đã đưa tin, tối 18/11/2011 anh Trần Thanh Hiền bị côn đồ đánh hội đồng khiến anh gẫy chân, vỡ xương bánh chè khi anh cùng một số cư dân nơi đây phản đối hành vi chiếm sân chơi công cộng ở tầng 5 tòa nhà Keangnam làm nơi quảng bá sản phẩm bất động sản. Các cư dân khi mua nhà tại đây được chủ đầu tư quảng cáo rằng, đây là tòa nhà có hệ thống an ninh tốt nhất, tiện nghi, hiện đại, tuy nhiên khi họ dọn đến ở mới… "ngã ngửa" vì sự thật không như quảng cáo. Để sở hữu một căn hộ diện tích chừng 108m2 ở Keangnam phải chi ra một khoản tiền "khổng lồ", chỉ có những "đại gia" mới đủ khả năng làm điều đó. Nhiều cư dân ở đây cho biết, mỗi căn hộ ở đây họ phải chi 3.000USD/m2, và càng ở tầng cao giá thành càng ở… "trên trời", tuy thế mức độ tiện nghi thì… chưa tương xứng.
Để có thông tin khách quan về sự việc, PV báo PL&XH đã nhiều lần liên hệ để gặp người đại diện BQL tòa nhà Keangnam, tuy nhiên chúng tôi chỉ nhận được sự bất hợp tác từ phía Keangnam. Nhân viên lễ tân ở đây cho biết: "Sự việc anh Hiền bị đánh là chuyện giữa cư dân với cư dân. Ai là người giải quyết vấn đề này chúng tôi không rõ". Sau nhiều lần kiên trì đi lòng vòng theo sự "hướng dẫn" của lễ tân mà vẫn không gặp được người có trách nhiệm giải quyết sự việc này, PV yêu cầu lễ tân nối điện thoại với BQL tòa nhà, và được giới thiệu đến anh Phùng Văn Tuấn. Người lễ tân bên tòa nhà văn phòng cho biết anh Tuấn giải quyết việc này. Tuy nhiên chừng 5 phút sau, một giọng nữ ở đầu dây bên kia bắt máy và cho biết: "Sự việc đã xảy ra chúng tôi từ chối trả lời".
Phải chăng là “đòn” dằn mặt?
Theo một số cư dân nơi đây, vụ xung đột tối 18/11 vừa qua chỉ là cao trào của mâu thuẫn giữa họ và phía BQL tòa nhà. Một trong những bất đồng chưa có hồi kết đó là việc BQL tòa nhà thu các loại phí dịch vụ quá cao. Trước đây, theo hợp đồng mua bán nhà giữa người mua và Keangnam, ghi rõ các loại phí dịch vụ (giữ xe, bể bơi, vệ sinh, an ninh, phòng tập thể thao…) thu theo giá trần của thành phố quy định. Tức là đối với các căn hộ cao cấp mức phí không quá 4.000đồng/m2/tháng, tuy nhiên tại Keangnam đã áp dụng mức phí 18.670 đồng/m2/tháng.Hiện nay BQL tòa nhà đòi nâng mức phí lên 21.000đ/m2/tháng. Người dân cho biết phí dịch vụ như vậy là quá đắt đỏ, còn BQL tòa nhà thì cho rằng các khoản phí trên là hoàn toàn hợp lý. Giữa hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung thì xảy ra việc anh Hiền bị nhóm côn đồ hành hung tối 18/11.
Trao đổi với phóng viên, không ít cư dân bày tỏ sự nghi ngờ, phải chăng đây là "đòn" dằn mặt của BQL tòa nhà đối với những cư dân thích đấu tranh? Đáng chú ý, theo quan sát của phóng viên, việc lọt vào tòa nhà Keangnam không dễ, vì phải qua 3 lần cửa điện tử đóng - mở bằng thẻ từ, nhưng nhóm côn đồ sau khi "xử lý" xong anh Hiền, chúng ngang nhiên dùng thẻ từ tẩu thoát mà không gặp bất cứ trở ngại nào, mặc dù người dân đã gọi điện thông báo cho lực lượng an ninh tòa nhà biết ngay khi xảy ra sự việc.
Tổ hợp tòa nhà Keangnam được biết đến với rất nhiều sự cố, kể từ khi khởi công xây dựng. Cụ thể, từ tháng 7/2009 tới tháng 2/2010, tại tòa nhà cao nhất Việt Nam này đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 6 người chết và ít nhất 3 người bị thương. Đây là một con số khiến dư luận không khỏi bức xúc, mà nguyên nhân một phần do bị ép tiến độ xây dựng, một phần do các biện pháp đảm bảo an toàn lao động chưa hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở những vụ tai nạn chết người, Keangnam còn "nổi tiếng" với nhiều vụ hỏa hoạn khiến không ít người khiếp vía. Gần đây nhất, là vụ hỏa hoạn thứ 3 xảy ra vào ngày 27/8/2011 khiến các cư dân ở đây thêm hoang mang, lo sợ.
(Theo PL&XH)
- 110
- By Admin
- 23/11/2011
- 17