• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phát triển nhà ở xã hội: Khoảng cách từ mong muốn đến thực tế

Tuy nhiên, từ mong muốn đến thực tế có một khoảng cách chưa thể lấp đầy.

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Tp.HCM, hiện nay TP cần một quỹ nhà ở khoảng 70.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu của cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, giáo viên… Đây là những đối tượng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, với thu nhập như hiện tại rất khó tạo dựng được một chỗ ở. Thành phố đã nỗ lực kêu gọi các DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhưng đến nay chỉ lác đác vài dự án được xây dựng. Cuối năm 2010, 112 căn nhà ở xã hội đầu tiên được xét duyệt tại chung cư Đông Hưng Thuận, quận 12 - một con số quá ít ỏi so với nhu cầu.

Phát triển nhà ở xã hội: Khoảng cách từ mong muốn đến thực tế | ảnh 1
Một khu nhà ở xã hội

Trong số hơn 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp được đăng ký, đến nay Tp.HCM mới có 2 dự án đang xây dựng và 4 dự án xong phần thủ tục. Ngoài quỹ đất, nguồn vốn thì thủ tục, cơ chế là hai rào cản lớn nhất đối với DN tham gia chương trình này. Các chủ đầu tư không mặn mà với việc bỏ vốn xây dựng nhà ở thu nhập thấp vì khả năng thu hồi vốn chậm. Chưa kể khi tham gia đầu tư xây dựng loại nhà này, các chủ đầu tư phải chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, trong khi giá căn hộ thì do Nhà nước thẩm định, đối tượng được mua lại hạn chế và Nhà nước thì chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp… Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng, đối với chương trình nhà ở xã hội, Nhà nước phải thể hiện vai trò chính. Cụ thể, đối với việc xây dựng chỗ lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên, dứt khoát phải bằng nguồn vốn của Nhà nước. Riêng đối với người có thu nhập thấp thì nên xã hội hóa bằng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn DN tham gia.

Tại Hội thảo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 tổ chức tại Tp.HCM đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều đề án phát triển nhà với tổng đầu tư lên đến 410.000 tỷ đồng. Đề án chiến lược phát triển nhà ở cũng đề cập đến việc xây dựng 600.000 nhà ở xã hội, tương đương 30 triệu m2 sàn. Tổng đầu tư 180.000 tỷ đồng, trong đó 36.000 tỷ đồng vốn Nhà nước, còn lại huy động của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về những bất cập trong chính sách nhà ở tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, "Chương trình nhà ở xã hội dù được Chính phủ quan tâm nhưng chưa thấy chuyển biến mạnh mẽ. Đến thời điểm này, Hà Nội hoàn thành được 815 căn trong khi Tp.HCM chỉ có 112 căn là quá ít. Bộ Xây dựng lại đề ra mục tiêu đến 2020 hoàn thành 600.000 nhà ở xã hội, tức 60.000 căn/năm là không sát thực và đánh giá không đúng năng lực". Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2006 đến 2010 toàn Tp.HCM phát triển được thêm 32 triệu mét vuông nhà ở, trung bình mỗi năm có thêm 6,4 triệu mét vuông. Đồng thời đã triển khai nhiều chương trình về nhà ở như xây dựng 1 triệu mét vuông nhà lưu trú cho công nhân, thay thế 0,3 triệu mét vuông  chung cư cũ đã hết hạn sử dụng, xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở cho người thu nhập thấp và xây 30.000 căn hộ tái định cư...

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, cho công nhân, sinh viên là mục tiêu dài hạn của TP. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Tp.HCM sẽ ưu tiên phát triển các chương trình nhà ở xã hội và tái định cư. Việc thực hiện các chương trình nhà ở phải gắn liền với quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại. Đồng thời hình thành các khu đô thị vệ tinh kết nối với hệ thống vận tải công cộng, giao thông đô thị. Tuy nhiên để có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, các ngành chức năng và các cơ quan liên quan phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá lại thị trường bất động sản theo hướng xác định rõ các nhu cầu khác nhau về nhà ở của người dân.

(Theo HNM)

  • 0
  • By Admin
  • 09/04/2011
  • 17