• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phát triển kết cấu hạ tầng: “Chữa bệnh” cho các dự án

Thiếu "cái nhìn" tổng thể

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, nhược điểm chính trong quy hoạch, đầu tư và quản lý kết cấu hạ tầng của Việt Nam là thiếu cái nhìn tổng thể. Từ khi phát triển mạnh hệ thống đường bộ tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người nhận xét rằng, nước lũ ở đây dâng nhanh hơn và rút chậm hơn; các cảng biển kém hiệu quả vì  thiếu đường ra vào cảng; đường đô thị ngày càng tôn cao trong khi ao hồ bị san lấp lấy đất làm nhà đã cản trở việc thoát nước... Rõ ràng là trong quy hoạch hiện nay, các tiểu ngành (đường bộ, đường thủy, cảng biển, sân bay, giao thông đô thị.... ) đều lập quy hoạch riêng mà không quan tâm phối hợp toàn ngành, liên ngành, do đó thiếu đồng bộ và nhiều khi cản trở nhau.

Còn trong quá trình lập kế hoạch đầu tư, thiếu vắng quy hoạch lãnh thổ quốc gia và quy hoạch vùng (tức "cái nhìn" tổng thể) khiến việc xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, trong điều kiện nguồn tài chính hạn hẹp, cũng như việc tạo lập hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi công tác quản lý vận hành đóng vai trò quan trọng đối với  việc phát huy hiệu quả của kết cấu hạ tầng lại chưa được coi trọng; ngân sách cấp không đủ chi phí vận hành quản lý, nhưng phí sử dụng dịch vụ hạ tầng quy định rất thấp. Thực trạng yếu kém trong quy hoạch, đầu tư và quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đã gây ra nhiều thất thoát, lãng phí, làm tăng chi phí tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Cũng theo ông Liêm, nhược điểm này xuất phát từ thể chế quản lý phân chia theo ngành hoặc cấp, thường đi kèm với phân cấp ngân sách. Ở mặt nào đó, thể chế này tạo quyền chủ động cho từng cấp, ngành giải quyết linh hoạt công việc thuộc phạm vi trách nhiệm, nhưng ở mặt khác lại làm nảy sinh các vấn đề phối hợp mang tính liên ngành và bảo đảm thống nhất trong việc ra quyết định cũng như hướng tới các mục tiêu quốc gia.

Đổi mới bằng cách nào?

Các chuyên gia đã đặt vấn đề lập quy hoạch lãnh thổ trước, rồi từ đó lập quy hoạch và chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia, nhằm định hướng phát triển đồng bộ toàn hệ thống. Khi có quy hoạch quốc gia, việc lập quy hoạch vùng đã có định hướng rõ ràng, tạo điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, phối hợp phát triển cho khu vực lãnh thổ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các chuyên gia cũng lưu ý, thị trường tạo động lực phát triển nhưng cũng có những khiếm khuyết mà chính quyền phải xử lý bằng công cụ quy hoạch, tạo điều kiện cho thị trường vận hành thuận lợi, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

Trong đầu tư xây dựng, các chuyên gia đề nghị đưa phương pháp phân tích chi phí-lợi ích vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của dự án. Mặc dù khó tính toán bởi nhiều lợi ích không có giá thị trường, song đây là công cụ hữu ích cung cấp độ đo bằng tiền cho hiệu quả dự án, kể cả về mặt xã hội, để so sánh và đưa ra quyết định có đầu tư hay không ? Đặc biệt, trong thu hồi đất là khâu ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ dự án, các chuyên gia đưa ra quan điểm xem người có đất là người đóng góp vào sự phát triển và được hưởng lợi ích từ sự phát triển. Cũng không nên quá sợ việc dự án trở nên đắt đỏ nếu Nhà nước biết điều hành làm hạ mặt bằng giá đất xây dựng đang quá cao một cách phi lý. Bên cạnh đó, cần sử dụng dịch vụ của các tổ chức chuyên nghiệp, có thể là mô hình doanh nghiệp, có đủ luật sư, kỹ sư, chuyên viên định giá, chuyên gia xã hội học... để làm dịch vụ thu hồi đất.

Với ODA, nguồn vốn chủ yếu cho phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay vẫn có thể nâng cao hiệu quả hơn nữa. Chẳng hạn, từ chối dự án quá đắt đỏ, hoặc giảm nhẹ điều kiện bắt buộc như sử dụng tư vấn nước ngoài cho loại dự án đã trở nên thông thường. Vốn đối ứng từ ngân sách, tuy chiếm tỷ lệ không lớn, khoảng 10-15% cho từng dự án, nhưng cộng lại thì trở thành khoản chi vượt quá khả năng. Nhất là khi nó được dùng để làm chi phí GPMB, do sự eo hẹp, chi chậm, chi không đủ đã làm cho GPMB chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA. Theo các chuyên gia, hiện tượng này đã trở thành "bệnh kinh niên" nên cần nói rõ cho bên tài trợ và đề nghị giảm tỷ lệ vốn đối ứng. Hơn nữa, công tác giám sát việc phân bổ vốn ODA phải chặt chẽ hơn, kể cả việc đấu thầu tuyển chọn dự án của địa phương muốn tiếp nhận ODA. Có thể vì thế mà số lượng dự án ít đi, nhưng dự án được thực hiện sẽ có hiệu quả và đúng tiến độ.


Gia Khánh (HNM)
  • 0
  • By Admin
  • 12/12/2008
  • 17