• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phát triển đô thị ở Việt Nam: Nhiều thách thức

Vậy cụ thể sự phát triển ĐT ở Việt Nam đã có những hạn chế gì trong 10 năm qua? Và liệu Định hướng (điều chỉnh) có góp phần khắc phục được những hạn chế này?

Phát triển đô thị ở Việt Nam: Nhiều thách thức

Ngay cả những con đường mới ở ĐT loại đặc biệt Hà Nội cũng ngập tràn nhà dân tự xây

1/2 dân số đô thị cả nước tập trung ở Hà Nội và TP.HCM

Theo ông Ngô Trung Hải - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, 10 năm qua hệ thống ĐT Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thành công, sự phát triển ĐT ở Việt Nam cũng được nhìn nhận là còn thiếu kiểm soát, thiếu bền vững.

Theo khảo sát của Viện, nếu năm 1995 dân số ĐT cả nước là gần 15 triệu người, tỷ lệ ĐT hoá là 20,7%, thì đến năm 2006 các con số tương ứng là 22,5 triệu người và 27%. Nhưng điều đáng nói là có đến gần một nửa số dân ĐT nói trên hiện đang tập trung tại 2 ĐT lớn là TP.HCM và Hà Nội. Các ĐT vừa và nhỏ chưa có sức hấp dẫn.

“Biến động dân số tại các ĐT đang tác động lớn đến sự chuyển đổi về quy mô và chức năng ĐT” - ông Hải nói.

Xuất hiện mô hình thành phố trong thành phố

Theo Định hướng năm 1998, Việt Nam quy hoạch thành 10 vùng ĐT hoá. Mỗi vùng có ít nhất một hạt nhân đóng vai trò là cực tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển của vùng. Tuy nhiên, do chưa được cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật hoặc chương trình hành động quốc gia, chưa có cơ chế quản lý, phát triển vùng, thiếu sự chỉ đạo, phối hợp giữa các địa phương nên hiệu quả của 10 vùng ĐT hóa còn thấp, chưa rõ nét. Tính liên kết vùng còn lỏng lẻo.

Mặt khác, trong quá trình phát triển, Việt Nam đã xuất hiện xu hướng vùng ĐT lớn như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM, xuất hiện mô hình TP trong TP như trường hợp Thủ đô mở rộng.

Đất đai sử dụng kém hiệu quả

Cũng theo Định hướng lần thứ nhất, đến năm 2010 diện tích đất ĐT sẽ đạt khoảng 243.000ha, chiếm 0,74% diện tích cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2005, tổng diện tích đất ĐT cả nước đã tăng lên đến 325.200ha, tức là gấp 1,8 lần so với dự báo đến năm 2010 (!).

Trước đó, khi đề cập đến vấn đề gia tăng dân số ĐT, ông Hải đã đưa ra con số chứng minh dân số ĐT trong toàn quốc tăng thấp hơn khá nhiều so với dự báo.

Điều này có nghĩa là nếu tính bình quân đầu người thì đất ĐT (bao gồm cả đất ở và đất chuyên dùng) ở Việt Nam không phải là thấp so với yêu cầu của ĐT hiện đại. Hơn thế, theo ông Hải, thực tế trên cũng cho thấy các ĐT đăng ký đất ĐT nhiều nhưng lại không có người ở (!), quỹ đất ĐT được sử dụng kém hiệu quả.

“Việc phát triển công nghiệp, ĐT đang làm suy giảm nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp” - ông Hải nói và dẫn chứng: Chỉ tính trong vòng 5 năm (2001 - 2005), diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển đổi mục đích lên đến 366.000ha.

Gần 90% quỹ nhà ở là do dân tự xây

Cũng theo đánh giá của Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, mặc dù quỹ nhà ở và công trình dịch vụ công cộng ĐT đã tăng nhanh so với thời gian trước đó nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Quỹ nhà ở do dân tự xây (thiếu quản lý về quy hoạch, kiến trúc) tại các ĐT chiếm 85 - 90%. Cơ sở hạ tầng xã hội công cộng và kỹ thuật của các KĐT còn thiếu đồng bộ. Diện tích nhà ĐT mới đạt bình quân 5,8m2/người. Một bộ phận không nhỏ dân cư ĐT phải sống trong các khu nhà ở kém chất lượng, xuống cấp.

Ngoài ra, Viện cũng đưa ra những đánh giá về tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật ĐT. Theo đó, phần lớn mạng lưới giao thông trong các ĐT còn kém phát triển, thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết. Tại các TP lớn tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường rất phổ biến. Về cấp nước sạch, hiện mới chỉ bảo đảm cung cấp cho 47% dân số ĐT cả nước với tiêu chuẩn trung bình khá khiêm tốn, khoảng 60 lít/người/ngày. Phần lớn các ĐT Việt Nam chỉ có một hệ thống thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải bao gồm nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và thiếu trạm xử lý nước thải tập trung. Tương tự như vậy, mới chỉ có 20 - 40% ĐT thu gom và xử lý chất thải rắn. Thậm chí, theo ông Ngô Trung Hải, nhiều ĐT chưa tổ chức thu gom chất thải rắn cũng như chưa có bãi đổ rác chung cho ĐT. Hiện cả nước mới chỉ có 5 - 6 tỉnh, thành có bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo đúng quy định…

Theo Báo Xây Dựng

  • 0
  • By Admin
  • 08/08/2008
  • 17