Phát triển đô thị bền vững từ chất lượng nhà ở
Nhà ở đô thị Bắc Ninh đạt 22m2/người.
Tính riêng cho khu vực đô thị, trong tổng số hơn 2,65 triệu m2 sàn nhà ở với 26.653 căn thì nhà kiên cố chiếm tới 77,36%, nhà ở bán kiên cố và khung gỗ lâu bền chiếm 22,61%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhà ở kiên cố tại một số đô thị lớn như Hà Nội (75%), Hải Dương (63%). Tỉ lệ nhà ở đơn sơ của tỉnh Bắc Ninh rất thấp, chỉ có 0,04 % so với diện tích ở đô thị và 0,12% so với ngôi nhà tại đô thị; nhà ở do nhân dân đầu tư xây dựng chất lượng ngày một tốt hơn theo hướng hiện đại hóa.
Về phát triển nhà ở, chỉ tính riêng năm 2008, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố đã cơ bản đáp ứng tiến độ thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 69ha khu nhà ở đô thị và nông thôn, trong đó có nhiều dư án di dân phục vụ công tác GPMB các KCN, Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 cũng đã được thông qua HĐND tỉnh để ban hành chính thức.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một nghịch lý là các khu nhà ở hình thành nhưng chủ sở hữu lại thừa nhà ở, còn phần lớn người lao động thu nhập thấp lại không thể mua nhà, do đó việc đầu tư thương mại sẽ rất khó khăn thu hút nhà đầu tư mặc dù nhà nước có chính sách ưu đãi. Việc phát triển nhà ở xã hội còn thiếu chính sách về cơ chế đầu tư. Mặt khác, trong công tác quản lý và phát triển nhà ở còn bộc lộ một số tồn tại.
Theo Th.S Đặng Trần Đức - chuyên viên Sở Xây dựng Bắc Ninh thì phát triển nhà ở tại hầu hết các đô thị trong tỉnh còn thiếu lộ trình, kế hoạch phát triển mang tính tự phát, chưa tạo dựng được không gian đô thị hiện đại, hình thức kiến trúc còn pha tạp, chưa tạo được bản sắc riêng về kiến trúc cho vùng quê Kinh Bắc văn hiến. Quỹ đất phát triển đô thị chưa tập trung đến việc phát triển quỹ nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân lao động thuộc KCN; tình trạng xây dựng nhà ở không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng khá phổ biến, nhưng tồn tại đó vừa gây ra những bức xúc xã hội, vừa gây khó khăn cho dự kiến phát triển trong tương lại. Một trong nhưng nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trên là do công tác quản lý nhà ở còn thiếu chế tài cần thiết.
Chương trình xây dựng nhà ở đô thị và nhà ở công nhân KCN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, phấn đấu chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở đô thị và nhà ở công nhân KCN của tỉnh sẽ là 24m2/người, trong đó phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ nhà ở trung cư toàn tỉnh đạt 2 - 3% diện tích đô thị và đến 2020 đạt từ 5-7% diện tích nhà ở đô thị.
Để đạt được mục tiêu đó, theo Th.S Đặng Trần Đức, tỉnh cần phải đẩy mạnh công tác quy hoạch đô thị, bảo đảm tính đồng bộ và đi trước một bước trong quy hoạch, tạo cơ sở để kêu gọi đầu tư và làm tiền để cho công tác quản lý và phát triển nhà ở, thực hiện quản lý đô thị theo quy định; ưu tiên theo quy hoạch đồng bộ để tạo quỹ đất nhà ở; thúc đẩy công tác phát triển nhà ở theo dự án để sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao chất lượng nhà ở, góp phần phát triển đô thị văn minh, bền vững, khuyến khích đầu tư thí điểm một số theo dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở tại TP Bắc Ninh, Từ Sơn và một số khu có cảnh quan thiên nhiên để thu hút đầu tư các địa phương lân cận và Thủ đô Hà Nội, kích hoạt thị trường; phát triển nhà ở xã hội, chăm lo nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho công nhân thuê tại các KCN; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phát triển nhà ở đô thị, củng cố hệ thống tổ chức quản lý và phát triển nhà ở; tạo điều kiện để người dân tự lo nhà ở.
Với một số đối tượng xã hội như người nghèo, hộ gia đình chính sách, các hộ thu nhập thấp, công nhân tại các KCN… Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tạo điền kiện nhằm đảm bảo công bằng xã hội và để cho các hộ dân tự tạo lập chỗ ở cho chính mình; rà soát các chính sách hiện có của tỉnh có liên quan đến nhà ở. Loại bỏ những quy định hạn chế làm cản trở sự phát triển, đồng thời chỉnh bổ sung cho phù hợp với các mục tiêu và giải pháp từng giai đoạn phát triển mới về nhà ở.
Theo Báo Xây dựng
- 0
- By Admin
- 05/02/2009
- 17