Phát triển KCN tại Hà Nội: Lơ là trách nhiệm, bất cập nảy sinh
Biến tướng, sử dụng sai mục đích
Để tạo mặt bằng sản xuất cho làng nghề và giải quyết ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, từ năm 2001, xã Vạn Điểm (Thường Tín) quy hoạch, xây dựng điểm công nghiệp làng nghề (nay gọi là cụm tiểu thủ công nghiệp) với quy mô 7,2ha. Hiện có gần 300 hộ gia đình thuê đất, phát triển sản xuất khá hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và vùng lân cận. Tuy nhiên, CCN này như một đô thị thu nhỏ với nhiều ngôi nhà 2-3 tầng, thậm chí 4-5 tầng, kiến trúc hiện đại, kết hợp sản xuất, kinh doanh và nơi ăn ngủ. Tại đây, chúng tôi còn phát hiện có gia đình thuê đất không phát triển sản xuất mà để làm cửa hàng bán tạp hóa, mở xưởng sửa chữa ô tô, xây nhà cho thuê...
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm nhẩm tính có khoảng 80% số hộ thuê đất đã xây dựng nhà mái bằng kiên cố trong CCN. "Trước đây, do buông lỏng quản lý, cán bộ ngại va chạm nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng xảy ra là điều không tránh khỏi" - ông Khải phân trần.
Thiếu mặt bằng sản xuất, người dân làng nghề xã Liên Hà (Đan Phượng) chiếm dụng đường giao thông để chứa vật tư. |
Không riêng Vạn Điểm, tình trạng vi phạm quy định về trật tự xây dựng, đất đai, môi trường diễn ra phổ biến ở hầu hết CCN do cấp huyện, xã làm chủ đầu tư. Theo ông Cấn Hoàng Tung, Trưởng ban Quản lý đầu tư, phát triển các CCN, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương), sở dĩ xảy ra tình trạng "biến tướng" khó kiểm soát là do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương và chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN. Bất chấp các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, kể cả quy định về mật độ xây dựng, chiều cao nhà xưởng nhưng hộ thuê đất vẫn cố tình sử dụng sai mục đích như tại CCN ở xã Chàng Sơn (Thạch Thất).
Dù CCN này có những đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của địa phương nhưng do mặt bằng chật hẹp, đã có 16/313 hộ xây dựng nhà xưởng sản xuất kết hợp với làm nhà ở. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển nhượng đất giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN làng nghề diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Công tác quản lý bất nhất
Theo Sở Công thương Hà Nội, thành phố hiện có hai mô hình tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN: Mô hình thứ nhất, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý sau đầu tư; mô hình thứ hai, do UBND cấp huyện, xã làm chủ đầu tư. Qua rà soát, phần lớn CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cơ bản cung cấp những tiện ích cho nhà đầu tư thứ phát vào thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh như: Bảo vệ, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh. Còn những CCN do cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đều không chú trọng quản lý sau đầu tư - xây dựng, dẫn đến các công trình phụ trợ xuống cấp, hoang tàn, bị tái lấn chiếm, không thu hút được các nhà đầu tư vào thuê đất để sản xuất, kinh doanh. Không ít CCN do buông lỏng quản lý dẫn đến sử dụng đất sai mục đích, biến tướng, gây ô nhiễm môi trường, bỏ hoang hoặc không sử dụng diện tích thuê đất, gây lãng phí...
Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN đang đau đầu trong việc thu phí dịch vụ dùng chung như phí chăm sóc cây xanh, bảo vệ, ánh sáng, vệ sinh, bảo dưỡng..., nhất là phí dịch vụ xử lý nước thải. Đơn cử, tại CCN Duyên Thái (Thường Tín) do Công ty cổ phần (CP) Giao thông Hồng Hà làm chủ đầu tư: Sau 2 năm đầu tư xây dựng, đến năm 2010, CCN hoàn thành và thu hút 12 nhà đầu tư thứ phát thuê đất. Dù có trạm xử lý nước thải tập trung nhưng chủ đầu tư CCN này gặp khó khăn trong việc thu phí của doanh nghiệp xả thải trong quá trình sản xuất.
Tìm hiểu được biết, khi vào thuê đất, nhà đầu tư thứ phát khoan giếng để xây dựng nhà xưởng, sau đó tận dụng nguồn nước này để phục vụ sản xuất nên Công ty CP Giao thông Hồng Hà không kiểm soát được lượng nước đầu vào của doanh nghiệp sử dụng để làm căn cứ thu dịch vụ xử lý nước thải. Về việc này, ông Cấn Hoàng Tung cho biết, không riêng CCN Duyên Thái, do trước đây các CCN không đấu nối vào mạng lưới nước sạch nên doanh nghiệp thuê đất đã tự ý khoan giếng sử dụng khá nhiều khiến cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý. Còn các trung tâm phát triển CCN cấp huyện muốn thu giá dịch vụ dùng chung phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hướng dẫn khung giá dịch vụ tiện ích.
Sở Tài chính đã yêu cầu các trung tâm phát triển CCN cấp huyện dự thảo khung giá dịch vụ trình thẩm định xong mới giao cho cấp huyện phê duyệt. Nhưng phần lớn trung tâm mới được thành lập, đang tiếp nhận hồ sơ, công việc của các đơn vị cũ nên không có kinh nghiệm trong quản lý xây dựng giá dịch vụ, tiện ích.
Hiện chỉ mới có Trung tâm Phát triển CCN Bắc Từ Liêm, Thanh Trì tự thỏa thuận với doanh nghiệp thuê đất giá dịch vụ xử lý nước thải nhưng cũng chỉ thu đủ chi phí phục vụ mà không tính chi phí khấu hao máy móc, bảo dưỡng. Những CCN không thu được giá dịch vụ dùng chung sẽ gặp khó khăn trong duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
- 0
- By Admin
- 02/07/2014
- 17