Phát hiện từ những dự án "im thin thít" và "lùi vô thời hạn"
Vị trí khu đất của tòa nhà SME Hoàng Gia |
Trong lúc bất động sản đóng băng, nhất là phân khúc chung cư giao dịch gần như bất động, không ít nhà đầu tư “ai oán” các chủ đầu tư những dự án chung cư có tiến độ “rùa bò” bởi nếu đúng tiến độ thì họ đã không bị đẩy vào cảnh bi thương như hiện nay.
Quảng bá rầm rộ rồi “im thin thít”
Năm 2008 trên các trang tin bất động sản rầm rộ quảng bá dự án Tòa nhà SME Hoàng Gia tại trung tâm quận Hà Đông ( đường Tô Hiệu) với các thông tin gây “sốc” như : đây là tòa chung cư cao cấp đầu tiên ở Hà Nội có trực thăng đậu trên nóc nhà.Hồ sơ vay vốn dành cho các nhà đầu tư quan tâm tới dự án được “phát ra tơi tới”. Giá gốc thời điểm trước khi tòa nhà này “động thổ” được ghi trong hợp đồng góp vốn là 15,9 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư phải góp 30% / tổng giá trị căn hộ thể hiện dưới hình thức hợp đồng góp vốn trong đó thể hiện công ty Hoàng Gia vay của nhà đầu tư số tiền nói trên và nhà đầu tư sẽ được quyền ưu tiên mua căn hộ tại dự án. 270 căn hộ của dự án này nhanh chóng được “tung” ra thị trường đang rất “khát hàng” chung cư và được các nhà đầu tư thứ cấp “mua đi- bán lại” sôi động trên thị trường.
Ngày 4/7/2009, toà nhà cao cấp này chính thức khởi công. Chủ đầu tư thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và với khách hàng thời điểm bàn giao căn hộ là cuối năm 2011.
Sau khởi công, chủ đầu tư cũng điều chỉnh giá bán đợt 2 lên 18,3 triệu đồng/m2.
Các nhà đầu tư mua được giá gốc đợt 1 và đợt 2 sau đó bán ra thị trường giá từ 19,5 triệu đồng- 21 triệu đồng/m2.
Ông Lê Doãn Bình ở Bắc Ninh- một trong những nhà đầu tư góp vốn mua căn hộ tại dự án này cho biết ông đã mua căn hộ số C2, tầng 30 thuộc toà nhà cao cấp SME Hoàng Gia, với đơn giá 18,3 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế ông phải “trả tiền vênh” 1 triệu đồng/m2 và được công ty Hoàng Gia “đổi hợp đồng, sang tên chính chủ”.
Tiền trao- hợp đồng góp vốn cầm, 1 năm sau, ông Bình nhận được thông báo tới công ty Hoàng Gia để ký hợp đồng mua bán căn hộ.
Ngày 2/8/2010, ông Bình đã ký hợp đồng mua bán căn hộ nói trên.Lần này ông Bình phải nộp tiền đợt 2 cho công ty Hoàng Gia với 25% tổng giá trị căn hộ.
Như vậy, cộng với khoản tiền 30% góp vốn trước đó, số tiền mà ông Bình nộp cho công ty Hoàng Gia thời điểm 2.8.2010 là 1,057 tỷ đồng (tương đương với 55% tổng giá trị căn hộ).
“Vất” vào dự án hơn tỷ bạc, ông Bình và các nhà đầu tư khác đều mong ngóng ngày được bàn giao nhà. Thế nhưng, hơn 1 năm trời sau, ông vẫn chưa thấy tòa nhà này nhô lên được phần thân trên mặt đất.
Trong khi đó, thông tin về việc Hà Nội tới năm 2012 sẽ bắt đầu “dư cung” trong phân khúc nhà chung cư và thực tế giá chung cư ở toàn quận Hà Đông cùng vị trí như tòa nhà SME Hoàng Gia đều đã “rớt giá” hàng loạt.
Người nhà ông Bình ở Hà Nội đã gọi điện cho và Nguyễn Thị Thanh Nga- Phó Tổng giám đốc công ty Hoàng Gia để hỏi về tiến độ. Bà Nga cho biết bà…“không biết gì cả”. Hỏi về tiến độ, bà Nga nói “lơ mơ” rằng hiện mới xong…tầng hầm, còn móng thì chắc phải tới cuối năm vì hiện đường Tô Hiệu đang làm và xe của dự án..quá to nên không vào được công trường…!?
Và …“lùi vô thời hạn”
Tòa nhà SME Hoàng Gia không phải dự án duy nhất “thất hẹn” với nhà đầu tư.Năm 2010, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính và dịch vụ bất động sản Nam Phương (Cty Nam Phương) cũng quảng bá rầm rộ về dự án Mê Kông Plaza nằm ở huyện Hoài Đức- Hà Nội (do Công ty Cổ phần bất động sản Mê Kông làm chủ đầu tư).
Thông tin mà công ty Nam Phương “chào” khách hàng cho biết đây là dự án nằm trong Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Feleximco. Thiết kế gồm 2 toà tháp cao 34 tầng, với 02 tầng hầm, 5 tầng thương mại văn phòng và 29 tầng căn hộ cao cấp.
Ông Bùi Duy Nam ở Đại Kim- Hoàng Mai- Hà Nội cho biết, tháng 5/2010, ông đã ký hợp đồng hợp tác đồng ý cho Công ty Nam Phương vay hơn 302 triệu để được hưởng quyền mua căn hộ số 4, tầng 16, khối A của dự án Mê Kông Plaza.
Ngoài số tiền theo hợp đồng nói trên, Cty Nam Phương còn nhận thêm 187 triệu (tiền chênh lệch) khi ông Nam mua căn hộ.
Thời hạn vay theo hợp đồng là 9 tháng. Tháng 6/2010, ông Nam nhận được công văn của Cty Nam Phương cho biết sẽ lùi thời hạn mua căn hộ từ tháng 7 đến tháng 10/2010.
Ngày 30/11/2010 công ty Nam Phương lại đề nghị ông Nam gia hạn hợp đồng hợp tác vay vốn thêm 06 tháng nữa.
Đến tháng 5/2011, thời hạn hợp đồng vay vốn đã hết, nhưng Công ty Nam Phương vẫn không thực hiện quyền mua nhà cho khách hàng.
Lý do mà phía công ty Nam Phương đưa ra cho khách hàng là do dự án kéo dài hơn so với dự kiến.
Trong khi khách hàng hết sức bức xúc yêu cầu công ty phải có trách nhiệm trả lại tiền vay cùng với lãi suất và cả tiền vênh thì Công ty Nam Phương lại cho rằng “đây là những lý do khách quan đến từ chủ đầu tư” và việc khách hàng đòi lại tiền vay như vậy là “không biết thông cảm” với công ty hiện đang rất khó khăn!?
Cũng “nại” lý do khách quan, ông Nguyễn Cảnh Dinh- Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Gia “thản nhiên” cho biết dự án tòa nhà SME “chưa thể xong được móng trong nay mai”.
Vì sao các chủ đầu tư “dự án rùa” có thể “bình chân như vại” sau khi đã thu hàng ngàn tỷ của nhà đầu tư và trả lãi cho họ là những “lời hứa hão”?
Số tiền các chủ đầu tư “dự án rùa” có thực sự được đầu tư vào dự án mà khách hàng đang chờ bàn giao nhà hay bị chiếm dụng cho các khoản đầu tư nào khác?
Phóng viên Pháp luật Việt Nam đang tiếp tục cập nhật thông tin để bạn đọc được rõ.
(Theo PLVN)
- 0
- By Admin
- 13/08/2011
- 17