Pháp luật kinh doanh BĐS: 12 lần sửa đổi, vẫn rối
Trong khi tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội mới chỉ nghe Tờ trình, chưa góp ý, thì tại hội thảo, “sóng” đã nổi khi các luật sư liên tiếp giơ tay xin phát biểu, điều ít xảy ra tại nhiều hội thảo mà người viết vẫn thường được chứng kiến.
Các luật sư đều nhất trí cho rằng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà ở, các khu đô thị mới với cơ sở hạ tầng hiện đại, bước đầu đáp ứng được cuộc sống văn minh đô thị.
Tuy nhiên, sau gần 9 năm triển khai, 2 dự luật trên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề thực tế phát sinh, nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời.
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo 2 dự luật trên là Bộ Xây dựng, thì việc sửa đổi nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở với các đạo luật khác có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư…
Ngoài ra, quy định của 2 dự thảo luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và tính đặc thù của từng vùng, miền; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, tiêu cực trong việc phát triển và quản lý nhà ở, tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.
Ảnh minh họa
Với những mục tiêu rõ ràng như trên, Ban soạn thảo đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của các thành viên, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đến nay, bản trình ra Quốc hội kỳ này đã là bản chỉnh sửa thứ 12. Tuy nhiên, tại hội thảo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức, dù các luật sư mới chỉ nhận được dự thảo luật ngay trước khi khai mạc, nhưng đã có hàng loạt quy định không phù hợp, thậm chí là với luật khác, được các luật sư phát hiện và kiến nghị sửa đổi.
Ví dụ như tại Điều 13, Dự thảo Luật Nhà ở về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đã nhận được hàng chục ý kiến đóng góp. Luật sư Phạm Thế Quyển, Phó đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định như Dự thảo thì Ban soạn thảo đã mâu thuẫn nhiều đạo luật gốc như Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.
“Người viết dự luật này sao không dở các luật khác ra mà tham khảo xem có tương thích hay không, mà đã đưa ngay vào Dự thảo”, ông Quyển nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng nhận xét, luật dù xây dựng thế nào, thì cũng phải tạo được động lực cho sự phát triển của thị trường, nhưng khi nhìn vào dự thảo 2 luật này, “rào cản” vẫn còn nhiều.
“Quy định nhà ở phải làm xong hạ tầng, chung cư thì phải xong móng mới được bán là một quy định gây lãng phí vô cùng, vì điều này chỉ phù hợp với các dự án nội đô, còn những dự án nằm xa trung tâm, phải 10 - 20 năm nữa mới ở đến, nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu đầu tư cho con, cho cháu, nay phải xây thô rồi để đấy thành những khu đô thị “ma” là không thể chấp nhận được”, ông Điệp nói và cho rằng, không nên cấm phân lô bán nền như trong dự thảo luật.
Vẫn biết việc xây dựng quy phạm pháp luật sao cho vừa lòng số đông là vô cùng khó khăn, mỗi người một ý, nhưng khi mà sau 12 lần chỉnh sửa vẫn còn nhiều lỗi, trong đó có những lỗi không hề nhỏ, khiến nhiều người khi góp ý tỏ ra bức xúc, thì Ban soạn thảo cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận và nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện luật.
Hy vọng, qua nhiều cuộc tranh luận để hoàn thiện, các dự luật trên sẽ sớm hoàn chỉnh và được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10 tới, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để thị trường bất động sản phát triển bền vững.
- 148
- By Admin
- 26/05/2014
- 17