Phân chia lại không gian cho đôi vợ chồng mới cưới
Việc phải sử dụng thêm những vách ngăn trong nhà là điều cần thiết để đảm bảo được sự riêng tư nhất định. NTK Thanh Thủy, hiện là trưởng phòng thiết kế nhãn hàng Spacefit Công ty cổ phần Nhà Kính sẽ giúp các bạn tìm hiểu về vấn đề này. Việc đầu tiên cần làm phải làm là:
- Xác định nhu cầu sử dụng, những không gian nào cần cải tạo, những không gian nào cần phải ngăn chia
- Dự trù chi phí cho việc sửa chữa
- Lựa chọn những loại vật liệu khác nhau sao cho phù hợp với chi phí của chúng ta đã dự trù,nhưng vẫn đảm bảo được công năng và thẩm mỹ.
Để ngăn chia không gian hoặc các phòng trong nhà, ngoài bức tường xây, việc sử dụng những vách ngăn sử dụng vật liệu khác đang được rất nhiều người quan tâm, và không chỉ ngày nay mà đã được sử dụng từ nhiều năm về trước.
Về cơ bản có 2 cách chia không gian:
-Vách ngăn kín: sử dụng thạch cao sơn nước, hay dùng giấy dán tường trang trí…
-Vách ngăn mở: Có thể dùng các loại vật liệu như kính trong, kính mờ, kính sơn hoa văn trang trí kết hợp gỗ, khung sắt, khung nhôm vv… Kết hợp với kệ sách, kệ trang trí…ngăn không gian. Và một cách nữa là dùng bình phong di động.
Khi muốn ngăn chia không gian có rất nhiều vật liệu để chúng ta lựa chọn, nhưng về cơ bản thì vật liệu đó phải phục vụ được cho nhu cầu về công năng cũng như tính thẩm mỹ.
Vách ngăn thạch cao
Về ưu điểm thì loại vách này giá thành tương đối rẻ, thi công dễ dàng và nhanh chóng dễ tạo hình. Không gây ồn, gây bẩn khi thi công, linh hoạt khi tháo gỡ, dễ dàng khi kết hợp với các loại vật khác như giấy dán tường, sơn nước.Ngày nay có thêm những loại vách thạch cao có khả năng chịu lực cao, chống ẩm, chống cháy rất tiện lợi….
Nhược điểm: đa phần vách thạch cao không chịu nước, không chịu được nơi có độ ẩm cao, sẽ bị rạn những vết nối khi va đập mạnh.
Vách ngăn gỗ ghép, MDF…
Ngày nay ván gỗ nhân tạo đang rất được ưu chuộng do dễ thi công vận chuyển, giá thành rẻ phù hợp với nội thất hiện đại và đặc biệt là bảo vệ môi trường, do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp. Ván MDF có thể phủ sơn, dán veneer vân gỗ tự nhiên rất đẹp và nhiều màu sắc cũng như vân gỗ tạo tính thẩm mỹ cao.
Nhược điểm: không thích hợp với nơi có độ ẩm cao, môi trường ẩm ướt….
Vách ngăn gỗ tự nhiên
Như chúng ta đã biết gỗ tự nhiên tạo được rất nhiều ưu thế về tính sang trọng cũng như độ bền cao. Nhược điểm lớn nhất đó là không bảo vệ môi trường và giá thành thì rất cao tùy chủng loại gỗ.
Vách ngăn nhôm kính
Đây là loại vách ngăn với tính tiện lợi cao, dễ di chuyển tháo lắp, thi công không gây bụi bẩn, kết hợp với kính màu trang trí, kính ép hoa văn rất đẹp tạo sự sang trọng trong ngôi nhà.
Nhược điểm: đối với kính cường lực, kính màu, kính ép hoa văn giá thành còn cao.
Ngoài những không gian cần sự riêng tư một cách tuyệt đối, trong không gian nội thất còn một số không gian mở như giữa phòng khách và phòng ăn, phòng làm việc và phòng ngủ… chúng ta sẽ thiết kế những vách ngăn di động. Vách ngăn di động mang tính cơ động, giải quyết tốt không gian khi cần nới rộng diện tích bằng cách sử dụng các vách ngăn gấp, lùa,…
Đây có thể là những vách ngăn lửng, hay là những bức bình phong để hạn chế tầm nhìn. Còn nếu là vách ngăn kín giữa hai phòng chúng ta có thể sử dụng hệ thống ray trượt trên dưới để khi cần có thể mở rộng, loại này thường sử dụng ở những nơi không gian văn phòng hay những nơi công cộng như nhà hàng, phòng hội nghị…. Giá thành cũng khá cao.
Vách ngăn nhẹ không giải quyết tốt vấn đề cách âm. Vật liệu cách âm tốt có thể sử dụng khung nhôm kính sử được xử lý kỹ về cách âm, hoặc dùng vách thạch cao loại cách âm tốt hoặc xử lý thêm những lớp chèn, lớp đệm mouse để cách âm…
Có thể kết hợp vách ngăn cùng với các tủ nhỏ, bàn console, hay giữa hai không gian chúng ta sử dụng một kệ sách vừa làm kệ sử dụng cho hai bên vừa có công năng ngăn chia… để trang trí cho vách ngăn thêm sinh động.
Vách ngăn nhiều chức năng, vừa để ngăn cách không gian, vừa được sử dụng làm bàn bếp và tạo những khoảng trống dưới bàn tạo sự thông thoáng. Ngoài ra chúng ta có thể thiết kế thêm tiểu cảnh sân vườn, vừa làm giảm tầm nhìn lại tạo một điểm nhấn cho công trình.
(Theo SSM)
- 228
- By Admin
- 05/08/2010
- 17