• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phân chia di sản thừa kế

Ông Phẩm có 1 người con (đã lấy vợ, 2 vợ chồng đã chết, không có con), ông Tuyết có 9 người con, ông Sương có 1 người con gái. Năm 1984, ông Tảo (con ông Phẩm) đứng tên kê khai 110 m2 đất (nay đã chết, không có di chúc gì), ông Dự (con ông Tuyết) đứng tên kê khai 172 m2 đất và ông Phong (con ông Tuyết) đứng tên kê khai 470 m2 đất.

Xin hỏi: 1. Gia đình có họp, thống nhất để cho ông Dự 60 m2, ông Phong 160 m2, mọi người để số đất còn lại xây dựng nhà thờ do ông Hòa (con ông Tuyết) đứng tên có đúng không? 2. Nay ông Phong và ông Dự muốn làm sổ đỏ theo số đất kê khai như trên, nhưng mọi người không đồng ý, pháp luật giải quyết trường hợp này thế nào? 3. Luật thừa kế giải quyết trường hợp này như thế nào? Trinh Tuan Anh (anhtt@... )


Trả lời

Về việc phân chia thừa kế:


1. Về việc xác định những người thừa kế di sản:

Căn cứ Điều 675 Bộ luật dân sự, nếu người qua đời để lại di chúc, thì di sản của họ để lại được giải quyết theo nội dung của di chúc. Như vậy, đối với trường hợp của ông/bà, nếu ông/bà cụ trước khi qua đời để lại di chúc thì những người thừa kế phải thực hiện theo đúng nội dung di chúc. Nếu không có di chúc thì di sản nêu trên được phân chia thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ Điều 676 Bộ luật dân sự thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a/ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b/ Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c/ Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng di sản bằng nhau. Nếu những người thuộc hàng thừa kế trước không còn do đã qua đời, hay từ chối nhận di sản… thì những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo được hưởng.

Ông/bà có thể tham khảo quy định nêu trên để xác định những người thừa kế di sản là những người nào.


2. Về việc các đồng thừa kế cùng nhau thỏa thuận sử dụng và phân chia di sản:

Thỏa thuận sử dụng và phân chia di sản dùng vào việc thờ cúng phải được tất cả những người đồng thừa kế chấp nhận. Nếu một người thừa kế không chấp nhận là không thực hiện được. Vì vậy, việc gia đình họp lại và thống nhất như thư trình bày là không sai, nhưng để thỏa thuận có hiệu lực với các đồng thừa kế và thực hiện được, thỏa thuận này phải được tất cả các đồng thừa kế chấp thuận.


3. Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế:

Đối với trường hợp đất đai có nguồn gốc thừa kế, thì việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho bất cứ đồng thừa kế nào đều phải được các đồng thừa kế khác đồng ý. Nếu không có sự đồng ý này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể xem xét cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu.


4. Về việc phân chia di sản thừa kế:

Trong trường hợp các đồng thừa kế không thể thỏa thuận được với nhau về việc sử dụng và phân chia di sản thừa kế, bất cứ đồng thừa kế nào cũng có quyền yêu cầu tòa án nơi có đất đai thụ lý giải quyết việc phân chia thừa kế.

Khi tòa án giải quyết, nếu các bên không thỏa thuận được thì về nguyên tắc, di sản sẽ chia đều theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự, theo đó, ông Phẩm, ông Tuyết và ông Sương mỗi người được hưởng một phần bằng nhau trong tổng số 750m2 đất, tức mỗi người khoảng 250m2 đất, khi ông Phẩm, ông Tuyết, ông Sương qua đời thì phần di sản của mỗi người là 250m2 sẽ do vợ và các con của mỗi người được hưởng...

Trên đây là cách tính sơ lược có tính tham khảo, để giải quyết cụ thể, tòa án sẽ căn cứ quy định của pháp luật về thừa kế vào những yếu tố khác để giải quyết việc phân chia di sản thừa kế.


Luật sư Phạm Đình Sơn
(Theo TTO)

  • 206
  • By Admin
  • 28/06/2011
  • 17