• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phải tạo cơ chế thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng


Phải tạo cơ chế thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng | ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP ngày 29/12. Ảnh: Anh Quý

Công khai minh bạch các danh mục dự án

Góp ý kiến (lần 2) cho dự thảo Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án trên địa bàn (thay thế Quyết định 37/2010/QĐ-UBND), Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho rằng, các văn bản của T.Ư chỉ quy định phân cấp đến cấp tỉnh, TP, nhưng do đặc thù của Hà Nội và Tp.HCM, cần tiến hành phân cấp cho cấp quận, huyện, thị xã để giảm tải cho các cơ quan cấp TP. Ông Hùng đề nghị, chỉ những dự án nào mang tính chất phức tạp, quan trọng của quận, huyện, cấp Sở mới xem xét, trình TP phê duyệt. Như vậy sẽ tăng cường phân cấp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở cũng như rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho rằng, dự thảo cần quy định, công khai các danh mục các dự án đầu tư và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư có nhu cầu lựa chọn và không nên bó hẹp thời gian trong 30 ngày kể từ khi công bố danh mục đầu tư, như vậy nhà đầu tư khó thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết, hiện mỗi sở, ngành chỉ thực hiện một khâu trong quy trình chuẩn bị các dự án đầu tư, nhưng khi chậm, hỏi đến trách nhiệm quản lý chung thuộc sở ngành nào lại chưa rõ, khiến nhà đầu tư phải chạy hết sở này, ngành khác mãi không xong. "Hạn chế này rất cần khắc phục" - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng quy định này nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, phải công khai minh bạch các danh mục dự án, quy trình thực hiện, nhằm bảo đảm công bằng và cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cũng như  cá nhân có thẩm quyền quyết định việc đầu tư các dự án và tổ chức thực hiện.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch TP lưu ý các sở, ngành và bộ phận tham mưu cho TP xây dựng các văn bản pháp quy cần dựa trên nguyên tắc, phải tuân thủ hàng đầu những quy định của pháp luật, phải chịu trách nhiệm về những nội dung quyết định cũng như tham mưu cho lãnh đạo phê duyệt.

Phân cấp mạnh cho thủ trưởng cơ quan

Cùng ngày, tập thể UBND TP cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung QĐ số 103/2009/QĐ-UBND của UBND TP về Quy định quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, tiền công CBCC và lao động hợp đồng trong các cơ quan đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Tại cuộc họp, tập thể UBND TP thống nhất cao với đề xuất của Sở Nội vụ về phân cấp cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các đơn vị trực thuộc UBND TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quyết định phụ cấp thâm niên nghề cho cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm lâm, thanh tra, giáo viên; phân cấp toàn diện việc tổ chức tuyển dụng, công nhận kết quả tuyển dụng viên chức cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.

Đối với Quy định về công tác thi đua khen, tập thể UBND TP thống nhất với các nội dung, về danh hiệu tập thể lao động xuất sắc không quá 15% số tập thể đạt danh hiệu tiên tiến thuộc đơn vị; danh hiệu "Chiến sỹ thi đua Thành phố" sẽ không vượt quá 10% tổng số cá nhân của đơn vị đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở"; danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" không vượt quá 20% số cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong đơn vị đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến"; các danh hiệu thi đua các cấp phải có số phiếu đồng ý của thành viên Hội đồng từ 75% trở lên...

Thành lập trường ĐH đầu tiên của Hà Nội

Phiên họp tập thể UBND TP cho ý kiến đối với Đề án thành lập trường Đại học của Thủ đô trên cơ sở từ Trường CĐ Sư phạm Hà Nội mang tên: Trường Đại học Sư phạm và Công nghệ Hà Nội trực thuộc UBND TP, có nhiệm vụ đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực kỹ thuật trình độ cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thủ đô và các tỉnh lân cận. Dự kiến, Trường đặt tại Đông Anh, quy mô 24ha, đào tạo đến năm 2015 tạo 4.000 sinh viên, học sinh và đến 2020 là 5.500 học sinh, sinh viên. Ngoài ngành sư phạm, Trường có các khoa mới chuyên sâu chuyên ngành đào tạo: Công nghệ thông tin, công nghệ môi trường và công nghệ sinh học.

(Theo KTĐT)

  • 123
  • By Admin
  • 30/12/2011
  • 17