Phải kìm mức tăng "bong bóng" của bất động sản
Đó là ý kiến của Tiến sỹ Supachai Panitchpakdi - Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) - nguyên Phó Thủ tướng Thái Lan tại Diễn đàn Kinh tế VN lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội, hôm qua, 19/9.Diễn đàn diễn ra với sự có mặt của hơn 500 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước, tập trung bàn luận sâu về ba lĩnh vực quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam: Lựa chọn tài chính cho phát triển, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu khẳng định, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có tác động tới Việt Nam.
Bài học nào cho Việt Nam?
Tiến sĩ Supachai Panitchpakdi - Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) - nguyên Phó Thủ tướng Thái Lan khẳng định, kinh tế thế giới đang có sự thay đổi mạnh mẽ, khiến cho toàn bộ khu vực châu Á và Việt Nam chịu tác động tiêu cực.
Đây là cuộc khủng hoảng có tác động lớn nhất trong vòng một thế kỷ qua, giống với cuộc đại suy thoái diễn ra đầu thế kỷ 20. Đây cũng là cuộc khủng hoảng dài nhất và đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ cũng bị tác động hết sức nặng nề.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, theo ông Supachai, Việt Nam cần tập trung vào 4 giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là: kìm hãm mức tăng “bong bóng” của giá bất động sản; có biện pháp tạo đòn bẩy tài chính cho khối kinh tế tư nhân; xác định được các khoản lỗ về mặt tài chính và cần có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống tài chính.
Theo ông Supachai, trong thời gian tới, giá cả các mặt hàng hóa sẽ tiếp tục gia tăng và xu hướng này sẽ còn tiếp tục xảy ra trong năm 2009. Vì thế, sự phát triển kinh tế sẽ chậm lại tại đa số các nước trên thế giới.
“Khi có nhiều người bị mất việc làm, có nghĩa là nền kinh tế đang bị suy thoái; nhưng khi chuyên gia kinh tế cũng mất việc làm thì nó đã trở thành một cuộc đại suy thoái” - ông Supachai ví von.
Hơn nữa, cơn khủng hoảng tài chính ở Mỹ chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng Mỹ sẽ cắt giảm nhập khẩu nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không nên quá lệ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Ngoài ra, để đối phó với khủng hoảng, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải tăng cường dự trữ quốc gia hơn nữa, để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Cơn khủng hoảng tài chính tại Mỹ cũng sẽ khiến cho các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu bị suy giảm và tác động tới các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam (FDI, ODA) hiện vẫn chủ yếu đến từ các nước lân cận nên Việt Nam không phải lo ngại. Các dòng vốn này chắc chắn vẫn duy trì và gia tăng trong thời gian tới.
Tiếp tục cắt chi tiêu công
Ông Noritaka Akamatsu - Chuyên gia cao cấp về tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng: Việt Nam thu hút được nguồn vốn FDI, ODA lớn để phát triển kinh tế là một thành công rất lớn, cần phải ghi nhận.
Tuy nhiên, việc thu hút được nhiều vốn FDI và ODA chưa hẳn đã là hay vì thực tế, bài học lớn từ sự khủng hoảng tài chính ở Mỹ đó là do Chính phủ Mỹ đã quá lạm dụng vào cơ chế chứng khoán hóa đối với các khoản nợ.
“Để tránh xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính giống như Mỹ, Chính phủ Việt Nam cần xem cơ chế chứng khoán hóa là một cơ chế có vai trò hết sức quan trọng, song phải biết sử dụng hợp lý. Các cơ quan Việt Nam liên quan đến cơ chế này cần phải thực sự có năng lực và phải biết cách áp dụng những cái tốt từ cơ chế này” - ông Noritaka Akamatsu khuyến nghị.
Ông Donald Hanna - Giám đốc điều hành - Trưởng bộ phận phân tích kinh tế và thị trường toàn cầu của Tập đoàn Citigroup khẳng định rằng, trong thời gian tới, sự thâm hụt cán cân thương mại sẽ tiếp tục gia tăng và vì thế, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị suy giảm do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.
Theo ông, để đối phó với sự thâm hụt của cán cân thương mại, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm chi tiêu khu vực công, nhằm tránh xảy ra nguy cơ thâm hụt ngân sách.
Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc điều hành, giám sát, quản lý lĩnh vực tài chính trong mối tương quan với khu vực kinh doanh.
Theo ông Donald Hanna, tại thời điểm này, Việt Nam cũng không nên quan ngại về sự tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, vì thị trường vốn Việt Nam hiện đang rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, giá lương thực tăng cao đã làm lạm phát gia tăng và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Để hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tập trung ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tăng trưởng nhanh bền vững trong trung và dài hạn.Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát tỷ lệ nhập siêu, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại diễn đàn.
Theo Tiền Phong
- 0
- By Admin
- 20/09/2008
- 17