Phải dừng ngay việc đóng dấu công chứng trên giấy đỏ
>> Công chứng viên đóng dấu trên giấy chủ quyền nhà đất?Pháp Luật Tp.HCM số trước có phản ánh việc hai sở Tư pháp và TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các công chứng viên sau khi công chứng các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà, đất phải xác nhận, đóng dấu việc chuyển nhượng đó vào trang 4 của giấy chủ quyền. Mục đích của quy định này nhằm hạn chế tình trạng một căn nhà, thửa đất đem bán cho nhiều người. Chỉ đạo này chỉ mới được thực hiện đồng loạt gần đây vì lúc đầu nhiều văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) ở tỉnh đã không đồng thuận.
Nên dừng ngay
Trao đổi với PV về việc này, ông Nguyễn Văn Chiến, Cục phó Cục Đăng ký và Thống kê đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), lưu ý: “Công chứng viên đã có hành vi vi phạm pháp luật khi ghi bất cứ nội dung gì trên giấy chứng nhận nhà đất rồi đóng dấu vào đó. Thông tư 17/2009 và Thông tư 20/2010 của Bộ TN&MT đều không cho phép họ làm như vậy. Bộ phản đối cách ghi như thế và yêu cầu hai sở liên quan ở Bà Rịa-Vũng Tàu phải chỉ đạo dừng ngay việc thực hiện Văn bản số 676”.Theo ông Chiến, “chính người mua phải chủ động tìm cách phòng tránh để bản thân không là nạn nhân của trò lừa đảo. Sau khi công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, bên mua phải cầm ngay giấy chứng nhận và trong thời gian ngắn nhất đến VPĐKQSDĐ làm thủ tục sang tên. Như vậy, bên bán có muốn cầm bản chính bán tiếp cho người khác cũng không được”.
Theo thông tư của Bộ TN&MT, công chứng viên không được ghi bất cứ nội dung gì trên giấy chứng nhận nhà đất rồi đóng dấu. Ảnh minh họa: HTD |
Khẩn trương xây dựng phần mềm
Một lãnh đạo Sở Tư pháp Tp.HCM cho biết: Lúc Tp.HCM còn phân chia địa hạt công chứng và chưa có thành lập các văn phòng công chứng, các phòng công chứng có đóng dấu vuông “nhà đã bán” lên giấy chủ quyền mẫu cũ (giấy trắng). Cách làm này cũng nhằm ngăn chặn tình trạng dùng một giấy chứng nhận để bán cho nhiều người khác nhau. Tuy nhiên, sau khi có giấy hồng, giấy đỏ thì Tp.HCM không áp dụng cách này nữa vì không ổn, không phù hợp. Bởi lẽ theo luật định thì chỉ có cơ quan cấp giấy và VPĐKQSDĐ mới có quyền cập nhật biến động lên giấy chứng nhận. Hơn nữa, đóng dấu vuông “nhà đã bán” lên giấy thì đơn giản nhưng nếu sau đó bên mua và bên bán hủy hợp đồng thì công chứng viên lại phải ký xác nhận, đóng dấu tròn lên giấy.Theo lãnh đạo này, để giải quyết triệt để nạn dùng một giấy bán cho nhiều người thì phải áp dụng công nghệ thông tin. Sở Tư pháp Tp.HCM đang cho chạy thử nghiệm phần mềm “Chương trình quản lý hồ sơ công chứng” tại bảy phòng công chứng. Phần mềm này hỗ trợ cán bộ công chứng xử lý hồ sơ, chia sẻ dữ liệu và thông tin cho các đơn vị sử dụng. Nếu người dân đã công chứng việc giao dịch tài sản tại bất kỳ một tổ chức hành nghề công chứng nào ở Tp.HCM thì phần mềm sẽ ghi nhận ngay. Dự kiến sau thời gian chạy thử nghiệm và lấy ý kiến để hoàn thiện phần mềm, đến cuối năm 2012 phần mềm sẽ được cài đặt cho tất cả các tổ chức hành nghề công chứng tại Tp.HCM.
Hạn định thời gian đăng bộ Trong một trường hợp cụ thể ở Bà Rịa-Vũng Tàu mà báo đã dẫn chứng, có một chi tiết rất đáng lưu ý: Sau khi công chứng hợp đồng mua đất, người mua vẫn tiếp tục để người bán giữ hồ sơ bản chính và đã để đến mấy tháng vẫn không đi làm thủ tục sang tên. Vì sao đã giao tiền mà người mua không biết tự bảo vệ quyền lợi của mình như lẽ thông thường? Qua nhiều năm làm nghề, tôi ghi nhận có ba trường hợp phổ biến sau đây khiến người mua chậm làm thủ tục sang tên và từ đó tạo cơ hội cho người bán tiếp tục bán nhà, đất đó cho nhiều người khác. 1. Đó có thể là hợp đồng vay tiền được che đậy bằng hình thức mua bán. Người cho vay làm vậy để yên tâm chờ người vay trả nợ trong một thời hạn sau khi đi công chứng chứ không có ý mua nhà, đất. 2. Có nhiều người không biết phải làm tiếp thủ tục đăng bộ mà cứ nghĩ rằng công chứng là xong. 3. Có nhiều người vẫn có thể dùng hợp đồng công chứng để giao dịch nên không vội sang tên (một số ngân hàng chấp nhận cho vay với giấy chủ quyền và hợp đồng mua bán có công chứng…). Để hạn chế nạn lừa đảo bằng giấy thật lẫn giấy giả, nên chăng pháp luật quy định thời hạn để người mua sang tên nhà, đất. Đây cũng là quy định hiện hành của cơ quan thuế để có cơ sở phạt người chậm nộp thuế sau khi đã đi công chứng. Với hạn định này, chúng ta sẽ chống được nạn tín dụng đen (thông qua các hợp đồng mua bán nhà, đất giả cách) và cũng giảm thiểu được số vụ một căn nhà, thửa đất sang bán cho nhiều người. Tóm lại, các cơ quan chức năng phải đặt nặng trách nhiệm của người mua chứ không nên đứng ra “bao biện” cho họ bằng cách ghi nhận không phù hợp quy định trên giấy chủ quyền. Đồng thời, phải xem xét, xử lý trách nhiệm của bên bán, nếu đã công chứng bán cho người này nhưng sau đó còn đi công chứng cho người khác thì có nghĩa là lừa đảo, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể chỉ xử lý dân sự như lâu nay. Công chứng viên Lý Thị Như Hòa, Văn phòng Công chứng Lý Thị Như Hòa |
(Theo PLTP)
- 0
- By Admin
- 06/01/2012
- 17