• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Phải đổi mới nhận thức, tư duy về đầu tư công

Phải đổi mới nhận thức, tư duy về đầu tư công | ảnh 1

Muốn vậy cần cải cách toàn bộ vấn đề quản lý đầu tư công, chính sách đầu tư công và cách thức tiến hành đầu tư công.

Thực trạng nền kinh tế của nước ta đặt ra yêu cầu cấp bách phải tái cơ cấu, trước hết là phân bổ lại nguồn lực phát triển hợp lý... Trong cơ cấu đầu tư của nước ta những năm qua, đầu tư công chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Song, đầu tư công lại đang là lĩnh vực kém hiệu quả.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách... nên đã đưa  lĩnh  vực  đầu tư công đi dần vào nền nếp, phần nào đã tạo được hành lang pháp lý để tiến hành các hoạt động đầu tư. Việc huy động vốn của Nhà nước dần dần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng là chính, việc huy động tối đa nguồn lực ngoài nhà nước, các ngân hàng thương mại... đã tạo ra nguồn lực cho đầu tư ngày càng lớn hơn.

Tuy vậy, nhìn lại một cách khách quan, có thể thấy vẫn còn những vấn đề tồn tại: Các văn bản quy phạm pháp luật là hành lang pháp lý cho đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa ăn khớp với nhau, đặc biệt mang tính quản lý hành chính nhiều hơn là vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Luật Ðấu thầu, Luật Ðầu tư, Luật Ngân sách, Luật Phòng, chống tham nhũng... có tính thực thi không cao. Thực tế triển khai diễn ra khác với các quy định trong luật. Thí dụ, trong đấu thầu vẫn có tình trạng "quân xanh", "quân đỏ", có những "lỗ hổng" trong chính sách và chỉ đạo thực hiện các chính sách đó nên nạn "chạy" dự án, "chạy" thầu... vẫn diễn ra phổ biến.

Cơ chế quản lý đầu tư chưa phù hợp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Ðối với trong nước, chưa hướng vào các ngành công nghệ cao, ngành có lợi thế cạnh tranh. Cơ chế quản lý kém linh hoạt. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư thời gian qua chưa chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu quy hoạch, kế hoạch chi tiết, không mang tính đồng bộ. Chưa có chính sách nhất quán về đầu tư công, quy định vùng trọng điểm để đầu tư tập trung từ đó lan tỏa phát triển kinh tế trong vùng. Trong khi đó trên thực tế, đầu tư lại không mang tính lan tỏa, địa phương nào nằm ở vùng trọng điểm thì được đầu tư... Quy hoạch tuy được duyệt, song hằng năm bổ sung rất nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, cảng biển...

Công tác quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, thiếu sự gắn kết, đồng bộ giữa các loại quy hoạch. Tính tổng hợp, hệ thống, đồng bộ và hiện đại chưa được coi trọng ngay từ khâu quy hoạch là một trong những hạn chế lớn nhất về tầm nhìn trong phát triển kinh tế.

Ðể tái cơ cấu đầu tư công, trước hết nhận thức, tư duy về đầu tư công phải được đổi mới, mà quan trọng là thống nhất tư duy và thống nhất hành động cao. Nếu chỉ dừng lại ở hô hào, lý thuyết mà không thống nhất chỉ đạo, hành động thì không có thành công trong việc đưa đầu tư công theo hướng hiệu quả cao.

Thứ hai, cần đổi mới công tác quy hoạch và kế hoạch. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, phải có sự gắn kết giữa trước mắt, lâu dài và đồng bộ cao. Cần chú trọng hơn tính hiện đại, tính đồng bộ, tính hệ thống và khai thác được thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề quản lý quy hoạch, kế hoạch cần được đặt ra nghiêm túc hơn. Tính pháp lý của quy hoạch, kế hoạch phải được quản lý chặt chẽ hơn và đã là pháp lệnh thì ai cũng phải chấp hành.

Vấn đề quản lý đầu tư công phải được đổi mới cơ bản từ rà soát, hoàn thiện chính sách đầu tư công, quản lý chặt chẽ các quy hoạch và đổi mới nội dung quy hoạch, lựa chọn các ưu tiên, phương thức huy động vốn đầu tư, phân bổ nguồn lực... đặc biệt tập trung ưu tiên hoàn thiện các chính sách về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Trước mắt, cần tập trung giải quyết ba vấn đề cấp bách:

Một là, các cơ chế, chính sách, các quy trình, trình tự được đề ra khoa học đến đâu thì quy trình thực hiện sẽ phải bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp. Song việc chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách đó phải nghiêm túc và trách nhiệm, tránh tình trạng lách luật, lợi dụng tính không đồng bộ của chính sách để "vụ lợi". Do vậy, kỷ cương, kỷ luật phải thực hiện nghiêm.

Hai là, phải triệt để đổi mới cách thức phân bổ nguồn lực, phải theo nguyên tắc lấy hiệu quả lâu dài làm "mực thước". Tránh tình trạng xin - cho như hiện nay, phải công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực.

Ba là, cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và cơ quan trong quản lý đầu tư. Ðây là vấn đề rất quan trọng, nhạy cảm. Một dự án, công trình chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân, không thể có hai hoặc nhiều cơ quan cùng nhau chia sẻ trách nhiệm và kết cục dự án không ai chịu trách nhiệm.

Ðiều cơ bản là phải tiến hành tái cơ cấu đầu tư công một cách khẩn trương đồng bộ và bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Tái cấu trúc là phải xây dựng lại, phải có cái mất, dám hy sinh cái "mất" trước mắt, cục bộ để "được" cái lớn hơn, lâu dài hơn cho đất nước. Ðó là điều cần làm và kiên quyết làm.


TS Lê Ðình Ân
Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia
(Theo Nhandan)

  • 0
  • By Admin
  • 21/12/2011
  • 17