Phải đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Đây là nội dung quan trọng trong cuộc làm việc giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Bộ Giao thông vận tải ngày 17/1.Vẫn là vốn và giải phóng mặt bằng
Đường cao tốc Hà Nội - Hải phòng là dự án đầu tiên áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư theo hình thức BOT với số vốn nhà nước không tới 30% tổng mức đầu tư… mà theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng thì đây là con đường có ý nghĩa quan trọng của đất nước và ngành Giao thông vận tải, do đó việc triển khai thực hiện hiệu quả sẽ là tiền lệ tốt.Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nhưng là vốn huy động trong xã hội (vay vốn nước ngoài) và lấy các công trình xung quanh dự án (các Khu Công nghiệp, các khu đô thị) để thu hồi vốn. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì tổ chức thu phí để hoàn vốn trong khoảng 35 năm, sau đó giao lại Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, theo đại diện đơn vị chủ đầu tư dự án - Phó Tổng Giám đốc VDB kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) Phạm Đức Hòa cho rằng: Do đây là Dự án rất lớn, kỹ thuật phức tạp; cần đối tài chính khó khăn do không được sử dụng vốn nhà nước và cùng lúc phải triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ để thu hồi… nên vấn đề vốn cũng là một thách thức và nhiệm vụ rất nặng nề đối với VIDIFI.
Đề đảm bảo nguồn vốn cho Dự án, VDB đã ký hợp đồng nguyên tắc cho VIDIFI vay 21.566 tỷ đồng để đầu tư trên nguồn vốn này do VDB huy động với lãi suất thị trường. Đồng thời tích cực đàm phán để huy động vốn khoảng 600 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều vướng mắc. Cụ thể là về giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay đã bàn giao thi công được 1.102 ha trên 1.106 ha, nhưng tiến độ GPMB giai đoạn 1 đã chậm hơn 2 năm so với yêu cầu, làm chậm tiến độ dự án. Chính sự chậm trễ này đã kéo theo công tác GPMB giai đoạn 2 lẽ ra phải hoàn thành trong tháng 7/2011 cũng bị kéo tụt tiến độ khi mà cho đến 31/12/2011, mới chỉ giải phóng được 90 ha đất nông nghiệp 391 ha theo yêu cầu.
Điều đáng nói là phần vì chậm tiến độ, phần vì giá cả biến động mạnh nên tổng mức đầu tư của Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã bị “đội” lên khá nhiều, không kể đến khoản lãi suất thị trường được đánh giá là khá cao.
Tìm cách tháo gỡ
Đề xuất phương án giải quyết trong thời gian tới, đại diện VIDIFI đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án phân kỳ đầu tư nút giao thông vành đai III thuộc gói thầu EX-1 (địa phận thành phố Hà Nội) thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chỉ thực hiện kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với vành đai III, giai đoạn 2 sẽ thực hiện kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường Long Biên - Thạch Bàn và thi công các nhánh rẽ còn lại để hoàn thiện nút giao.Một vấn đề quan trọng nữa là tìm giải phải pháp huy động vốn mà ông Phạm Đức Hòa cho biết thì hiện VDB đang cố gắng để huy động nguồn vốn với lãi suất không quá cao. VDB sẽ tiếp tục nỗ lực đảm tháo gỡ các vướng mắc về huy động và tạm ứng vốn cho thi công, tăng cường phối hợp cụ thể để đôn đốc sát sao việc triển khai dự án để hoàn thành được trong năm 2014.
Đại diện VIDIFI cũng cho rằng Bộ GTVT cần hỗ trợ Chủ đầu tư để có thể hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trước 30/3/2012, tạo điều kiện hoàn thành Dự án vào năm 2014. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp yêu cầu các địa phương liên quan về việc giao quỹ đất tại các khu đô thị và khu công nghiệp theo như Quyết định số 1621/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hợp đồng BOT để Chủ đầu tư triển khai đồng bộ đảm bảo công tác thu hồi vốn đầu tư vào Dự án. Mặt khác, do đây là Dự án đường cao tốc lớn đầu tư tiên tại Việt Nam thực hiện theo hình thức BOT nên Bộ GTVT cũng cần tháo gỡ các vấn đề liên quan đến triển khai dự án để thu hồi vốn.
Hiện theo loại hình dự án, chủ đầu tư quyết định mức thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quảng cáo, khu đô thị… Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, đầu tư đường lại cấp bạch, do đó việc giao cho Ngân hàng huy động vốn, các công ty cung góp vốn là phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư.
Về phía mình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cam kết sẽ rà soát lại các nhà thầu chính, thầu phụ với phương châm “Chủ đầu tư tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho nhà thầu chứ không thể “sợ” nhà thầu, nếu năng lực yếu kém, có thể đấu thầu chọn nhà thầu mới hoặc xin phép chỉ định”.
Do vậy, chủ đầu tư cũng cần ra soát lại cách thức quản lý, đẩy nhanh quá trình nghiệm thu thanh toán, cần linh hoạt, đảm bảo quản lý chất lượng nhưng cũng không nhất thiết yêu cầu “quá nhiều chữ ký”.
Để đẩy nhanh thêm tiến độ, Bộ GTVT sẽ có Ban Chỉ đạo và phối hợp với VDB thường xuyên định kỳ họp hàng tháng để giải quyết nhanh những vấn đề khúc mắc về giải pháp kỹ thuật, vốn, hợp đồng, nguyên vật liệu…
Bộ trưởng cũng đề nghị xem xét nếu cần thiết có thể ứng tăng vốn lên, về việc này nếu vượt thẩm quyền thì phối hợp cáo cáo tăng ứng vốn. Một số kinh nghiệm một số nhà thầu năng lực thi công rất tốt nhưng lại yếu về vốn, do đó, việc ứng vốn hiệu quả sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ rất lớn, có khi đến hàng năm.
“Việc tính giá thu phí cũng quan trọng để đảm bảo hiệu quả, cần xem xét lại toàn bộ đơn giá, định mức, tính toán đến sự trượt giá. Hiện nay, việc điều chỉnh giá thu phí Đường 5 cũng cần phải điều chỉnh lại.” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là Quốc lộ 5B) là một trong 6 tuyến cao tốc được xây dựng theo quy hoạch tại miền Bắc Việt Nam. Đây là dự án đường ô-tô cao tốc loại A dài 105,5 km từ Thủ đô Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương tới thành phố cảng Hải Phòng. Theo Quyết định số 1621/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án Ðường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng" thì Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư dự án này theo hình thức hợp đồng BOT. |
(Theo eFinance)
- 105
- By Admin
- 19/01/2012
- 17