Ôm hận vì giao dịch “ngoài luồng”
Có những giao dịch tiến hành trót lọt, song có không ít giao dịch đổ vỡ, do dự án xây chung cư, biệt thự mới chỉ nằm trên giấy, hoặc đang là đề xuất của chủ đầu tư xin cấp phép của cấp có thẩm quyền mà chưa được phê duyệt.
Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội thực hiện lệnh khám xét một vụ lừa đảo dự án nhà đất
“Chết” vì… phối cảnh đẹp
Đã thành quy luật, thường để thực hiện trôi chảy trò lừa đảo, đối tượng lừa luôn chuẩn bị những tài liệu, hồ sơ giả để cung cấp cho khách hàng. Đó có thể là những văn bản đề xuất, báo cáo đến Trung ương; là công văn hồi âm của cơ quan A, hiệp hội B nào đó liên quan đến dự án; hay đơn giản là bản phối cảnh thiết kế các góc độ của dự án được in màu trên chất liệu giấy “xịn” để “đánh” vào niềm tin của khách hàng. Trò lừa này rất dễ phát huy hiệu quả, và có thể thấy qua vụ lừa bán nhà tại một loạt các dự án “ma” xảy ra tại Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam.
Đến thời điểm này, CQĐT CATP Hà Nội đã có đủ tài liệu khẳng định, mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, giao đất hoặc cho thuê đất, chưa phê duyệt về quy hoạch kiến trúc, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng và chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng ông Lê Hồng Bàng - Giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam đã câu kết với một số cá nhân tạo dựng 8 dự án xây dựng nhà ở với mục đích chào bán. Công ty “lừa” này đã làm văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội để xin chủ trương. Và khi có văn bản trả lời của UBND TP và các ngành chức năng, các đối tượng đã sử dụng văn bản đó để quảng bá coi như dự án đã được… phê duyệt.
Các bước tiếp theo, chúng tự lập bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng, không gian kiến trúc cảnh quan; quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị, khu nhà ở với tỷ lệ 1/500; mô phỏng thiết kế các biệt thự, nhà liền kề và khu chung cư; phối cảnh tổng thể không gian kiến trúc và cảnh quan... từ đó quảng cáo, chào bán trên mạng Internet với giá khá rẻ so với thị trường. Khi sự việc vỡ lở, CQĐT đã thu giữ được của các đối tượng 659 hợp đồng dưới danh nghĩa vay vốn mua nhà thuộc 4/8 dự án. Từ tháng 3-2009, các đối tượng đã thu được tổng số tiền lên đến trên 250 tỷ đồng.
Một dự án nhà trên giấy khác có những biểu hiện không bình thường đang được phòng nghiệp vụ Công an Hà Nội xác minh, là dự án rao bán căn hộ chung cư L.F, địa điểm tại huyện Từ Liêm. Theo những thông tin “tự bạch” của chủ đầu tư, dự án này là tổ hợp bao gồm 3 tòa nhà liên kết 27 tầng. Tiến độ dự án sẽ hoàn tất vào năm 2012. Khách hàng có nhu cầu liên hệ trực tiếp để được tư vấn và được nhận ảnh dự án theo số điện thoại: 09456590... Ai đồng ý mua căn hộ sẽ được ký hợp đồng hợp tác đầu tư.
Theo nội dung hợp đồng, khách hàng nộp tiền góp vốn đầu tư (thực chất là tiền mua căn hộ) theo 7 đợt, trong đó đợt 1 bằng 30% ngay sau khi ký hợp đồng. Trường hợp dự án không được triển khai trong vòng 12 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký, chủ đầu tư sẽ trả lại số tiền khách hàng đã đóng góp cộng với tiền lãi phát sinh. Thế nhưng điều khó hiểu là ngay tại khu vực dự án trên, rất nhiều hộ dân đã được cấp “sổ đỏ” và khẳng định họ không hề biết đến dự án chung cư L.F.
Xác minh sơ bộ cho thấy, những giấy tờ liên quan đến dự án mà chủ đầu tư dự án chung cư L.F đưa ra thì đến nay, mới chỉ có văn bản của các cơ quan chức năng như UBND TP, Sở KH-ĐT, Sở QH-KT... trả lời, hướng dẫn doanh nghiệp này làm các thủ tục như lập hồ sơ xin sử dụng đất, hướng dẫn thủ tục chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án...
Đáng chú ý, Sở QH-KT Hà Nội có văn bản trả lời việc kiểm tra về quy hoạch-kiến trúc khu đất mà chủ đầu tư dự án chung cư L.F, trong đó nhấn mạnh: “Trong hồ sơ của công ty không kèm theo các giấy tờ, văn bản pháp lý về việc các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại đây thống nhất về việc thực hiện dự án”.
Coi chừng “ôm hận”
Một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV- CATP Hà Nội cho biết, tình trạng bán nhà dự án trên giấy (dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn, vay vốn) khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đang diễn ra khá phổ biến. Trong trường hợp này, nếu giao dịch thất bại, thiệt hại luôn thuộc về khách hàng-nhà đầu tư; bởi tài sản bảo đảm vốn vay tại dự án đô thị là căn hộ chung cư “trong tương lai”, nên những hợp đồng đó không được công chứng và đăng ký bảo đảm.
Gặp phải đối tượng lừa, khách hàng mất trắng đã đành. Trường hợp nếu dự án không thực hiện được, chủ đầu tư sẽ phải trả lại tiền cho khách hàng. Song khi đó, chủ đầu tư vẫn có lợi bởi họ đã chiếm dụng vốn của khách hàng với mức lãi suất chỉ bằng lãi suất ngân hàng, thậm chí có trường hợp không có lãi suất.
Vì hám lợi, thiếu tỉnh táo, nhiều “nhà đầu tư” đã không đi xác minh tính hợp pháp của những khu nhà, đất được chào bán, mặc dù, đây không phải là những thông tin quá khó tìm kiếm. Chỉ đến khi dự án bị đổ vỡ, họ mới nháo nhào tìm chủ đầu tư đòi tiền. Khiếu kiện nảy sinh, thậm chí cả những biện pháp đòi tiền bằng “luật rừng”, gây ảnh hưởng phức tạp đến ANTT. Đã có quy định pháp lý rất cụ thể: Dự án phải xong nền móng thì chủ đầu tư mới được bán nhà! Nhưng thực tế đang diễn ra với nhiều “tình tiết”… không tuân thủ quy định đó. Tiếc rằng, cơ quan quản lý biết nhưng chưa đưa ra được đối sách với những giao dịch “ngoài luồng” này.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 23/08/2010
- 17