• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ô nhiễm trong nhà - Gây hại hơn ô nhiễm ngoài trời

Chúng ta thường nghĩ rằng ô nhiễm không khí cục bộ là vấn đề gây ra bởi công nghiệp hoặc giao thông – điều đó đúng – nhưng còn vấn đề ô nhiễm trong nhà thì sao?
 
Nhức đầu, mệt: triệu chứng bị ô nhiễm trong nhà

Thành phần không khí bên trong một căn nhà cơ bản cũng giống như thành phần không khí bên ngoài, nhưng khác về số lượng và loại chất ô nhiễm.

Các chất ô nhiễm trong nhà có nguồn gốc chủ yếu từ: vật liệu xây dựng, thiết bị sưởi ấm, máy lạnh, hoạt động đun nấu, đồ đạc; vật liệu che phủ (sơn tường, véc-ni, tấm lót nền nhà v.v…); sản phẩm bảo trì và tẩy rửa (bột giặt, thuốc trừ sâu v.v…); sử dụng không gian và các hoạt động thực hiện trong không gian đó; khói thuốc lá; bụi và lông từ thú vật; phấn hoa, mạt, mốc, nấm và vi khuẩn. Nhiệt độ và độ ẩm cao cũng có thể làm tăng nồng độ của một số chất ô nhiễm.
 
Trong nhà cũng như ngoài nhà đều chứa những mầm mống độc hại đến từ chính hoạt động của con người

Vị trí các chất ô nhiễm không khí có thể được tìm thấy trong nhà: phòng khách (khói thuốc lá, bụi từ thú nuôi trong nhà như chó, mèo,..; dung môi phát thải từ đồ đạc, bụi, mốc từ máy lạnh; phòng tắm (nấm mốc, vi khuẩn); phòng ngủ (bụi mạt, mốc); nhà bếp (khí thải do đốt nhiên liệu); nhà kho hay góc nhà, góc cầu thang nơi dùng để chứa các hóa phẩm gia dụng (chất tẩy rửa, xi đánh giày, nước hoa xịt phòng, sơn, dầu nhớt,…), vách tường (khí hiếm nếu nhà sử dụng đá hoa cương để ốp tường), máng xối (amiăng rò rỉ theo nước mưa chảy xuống máng xối…).
Triệu chứng thông thường của một người bị ô nhiễm trong nhà là nhức đầu, mệt.

Mốc, ánh sáng: tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất

Trong số các chất là tác nhân sinh học gây ô nhiễm trong nhà, đáng chú ý nhất là mốc. Những triệu chứng quan trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe do mốc gây ra xếp theo thứ tự: dị ứng, hen suyễn, chảy máu phổi, khó thở, ung thư, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương, lạnh, giảm sức đề kháng với các loại bệnh nhiễm trùng, ho và dẫn đến đau phổi/ngực từ việc ho quá mức; ho ra máu; tóc có gàu (mãn tính) không khỏi dù đã sử dụng dầu gội trị gàu, viêm da và da nổi mụn; tiêu chảy; có vấn đề về mắt và thị lực; mệt và một số triệu chứng khác.
 
Phòng tắm là nơi dễ gây nấm mốc và ô nhiễm có thể đến ngay từ chất tẩy rửa

 
Những nơi mốc dễ sinh trưởng như: nền nhà, mái nhà, tường nhà dơ bẩn và ẩm thấp; sách, báo, tạp chí; thảm và vật liệu đệm; trần nhà (từ những lỗ dột của mái nhà); đằng sau và dưới vòi sen, bồn tắm, tường nhà vệ sinh và nhà tắm; gạch lót nền; quần áo; chỗ nuôi cá; tường và trần nhà khô; chỗ đổ rác; rèm cửa; sơn; vật dụng bằng da; giấy và các sản phẩm làm bằng giấy; cây trồng trong nhà; đồ đạc không được che phủ; thiết bị sưởi ấm, máy lạnh và ống dẫn; máy làm ẩm…

Tác nhân gây ô nhiễm có bản chất vật lý đáng quan tâm là ánh sáng. Ánh sáng có cường độ quá cao hoặc quang phổ ánh sáng không phù hợp sẽ làm nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng, giảm chức năng tình dục và tăng cảm giác lo âu.

Có nhiều bằng chứng cho thấy sự phơi nhiễm hằng ngày trong thời gian dài với ánh sáng có độ sáng trung bình dẫn đến suy giảm khả năng tình dục. Đặc biệt tại Mỹ, người ta đã tìm ra các bằng chứng cho thấy mức độ chiếu sáng trong môi trường làm việc có thể gây căng thẳng, làm công nhân mắc nhiều lỗi hơn trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu cũng nêu lên mối liên kết giữa sự phơi nhiễm với ánh sáng và bệnh ung thư vú do sự suy giảm nội tiết tố melatonin.

Nước hoa, mỹ phẩm cũng có thể gây... ô nhiễm

Tác nhân gây ô nhiễm trong nhà là chất hóa học thường gồm các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC- volantile organic compounds), thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng. Các VOC làm hủy tế bào máu, tế bào gan, thận; gây ung thư, viêm da, tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, buồn nôn, mất phương hướng; mệt mỏi; ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (hiếm muộn, vô sinh) và giảm tỉ lệ sinh sản (khó đậu thai, sinh ít con); gây chết nếu hít vào với lượng lớn ở nồng độ cao.

Các VOC có thể tìm thấy trong các sản phẩm như sơn, khói thuốc lá, khói bếp do đốt nhiên liệu (than, củi) hoặc khói nhang, thuốc xịt muỗi, nước hoa xịt phòng, mỹ phẩm, khăn giấy, bột giặt, nước làm mềm vải, giấy dán tường, xi đánh giày, keo dán tổng hợp, hóa chất bảo quản đồ nội thất,… Thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng chứa lân hữu cơ và cạc-bô-nát có ảnh hưởng và làm tổn hại đến hệ thần kinh (không phục hồi được) và có thể gây ung thư.
 
Dầu gội trị chấy, nước hoa... đều phải thận trọng khi dùng

Một chế phẩm có chứa hoạt chất thuốc trừ sâu vẫn thường sử dụng trong gia đình là dầu gội trị chấy. Dầu gội trị chấy chứa một liều lượng thuốc trừ sâu độc hại như organophosphates hoặc ngay cả lindane; khi nuốt phải hoặc ngấm vào da, có thể làm ói hoặc tiêu chảy; các chất này còn gây tổn hại cho gan, chết non, quái thai và ung thư.

Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu gia dụng để diệt mối, vòng cổ trừ bọ chét cho chó (mèo), thuốc xịt muỗi hoặc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ v.v... làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em. Mỹ phẩm cũng chứa rất nhiều hóa chất và dung môi hữu cơ, đáng lưu ý là nước hoa.. Nhiều hóa chất có trong nước hoa dễ hấp thu vào da để từ đó tích lũy trong các cơ quan chính của cơ thể.

Trong khi chưa có nghiên cứu y khoa nghiêm túc nào được thực hiện về ảnh hưởng của nước hoa, một số bác sĩ và nhà khoa học tin rằng nước hoa có thể gây hại cho sức khỏe như khói thuốc lá, phần nào do 95% hóa chất sử dụng trong hương liệu là những hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các hợp chất này bao gồm dẫn xuất của benzene, aldehydes và nhiều chất độc khác có khả năng gây ung thư, quái thai, rối loạn hệ thần kinh trung ương và dị ứng.

 
 
10 cách để giảm ô nhiễm trong nhà

Cách hiệu quả nhất để kiểm soát ô nhiễm trong nhà là phải loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm và cải thiện tình trạng thông gió của các phòng bằng cách đưa không khí sạch bên ngoài vào.

1. Dọn vệ sinh nhà cửa: tiệt trừ những nguồn làm phát sinh bụi, mốc, nấm; hút bụi hoặc giặt rèm cửa hằng tuần, quét hoặc hút bụi nhà hằng ngày. Giặt thú nhồi bông 2 tuần/lần; dùng tấm nhựa che giường vào ban ngày. Nên mua máy hút bụi không sử dụng túi lọc bên trong (vì dễ làm phát tán bụi ra ngoài khi thao tác).

2. Trang bị bộ lọc không khí có chất lượng tốt: bộ lọc khí trong các máy điều hòa không khí hoạt động hiệu quả giúp cho bầu không khí trong phòng có chất lượng cao. Thông gió đầy đủ cũng là một cách duy trì chất lượng không khí trong nhà được tốt, mặc dù con đường này có thể đưa các chất ô nhiễm xâm nhập vào trong nhà. Vì vậy, cần thường xuyên làm vệ sinh bộ lọc không khí và các quạt hút, ít nhất 2 tháng/lần.

3. Trang bị máy tạo khí ôzôn: khí ôzôn ở nồng độ thấp sẽ diệt mùi hôi gây ra bởi những chất ô nhiễm như mốc, khói thuốc lá, phoọc-môn (formaldehyde), ben-zen hoặc axêtôn. Tuy nhiên, nồng độ ozôn cao lại có hại cho sức khỏe.

4. Tận dụng khí trời: mở cửa sổ để không khí trong lành bên ngoài vào phòng, có tác dụng pha loãng các chất ô nhiễm có trong phòng. Tuy nhiên, không nên mở cửa sổ nếu quanh nhà có nguồn khí thải ô nhiễm, nguồn mốc hoặc phấn hoa ở gần đấy. Không nên phơi quần áo ngoài trời khi có sự hiện diện của phấn hoa hoặc mốc trong không khí.

5. Chiếu xạ: tia cực tím (UV-ultra violet) tiêu diệt các chất ô nhiễm trong nhà. Lưu ý rằng tia UV chỉ có tác dụng đối với chất ô nhiễm trong một khoảng cách nhất định từ nguồn sáng.

6. Chỉ chiếu sáng nơi cần sử dụng. Không cần thiết mở đèn sáng khắp nhà, sử dụng bóng đèn có ánh sáng dịu mắt và nên có chụp đèn.

7. Đừng hút thuốc trong nhà. Đừng vận hành xe ô tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong ga-ra. Khi tổ chức tiệc nướng, luôn để lò nướng ở ngoài trời. Nếu đun nấu bằng than, củi, dầu lửa, nhà bếp cần có ống khói.

8. Mở cửa phòng khi sơn: Đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí, đây là các chất rất độc hại, cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi hoặc dùng giấm để khử mùi bằng cách để vài dĩa giấm trong phòng đóng kín cửa, qua 1 đêm sẽ giảm mùi. Nếu phải sơn mới ngôi nhà hoặc đồ đạc, nên sơn chủ yếu ở bên ngoài và chọn loại sơn có nồng độ chất hữu cơ bay hơi thấp.

9. Trồng nhiều cây xanh trong nhà (giúp loại bỏ chất ô nhiễm và chất gây dị ứng trong nhà), nhưng cần chọn loại cây phù hợp.

10. Hạn chế dùng thảm. Thảm là nơi ẩn náu của bụi, các chất gây dị ứng ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải dùng thảm, bạn nên dùng thảm len thay vì thảm bằng sợi tổng hợp và cần hút bụi thường xuyên.

Theo Tuoi tre Online

  • 319
  • By Admin
  • 15/04/2009
  • 17