Nông dân mất đất và bài toán thoát nghèo
Nhiều tỉnh có tỷ lệ mất đất cao đáng lo ngại như Đăk Lăk gần 9%, Long An 9%, đặc biệt Khánh Hòa lên tới 18,4%.
Xem kỹ lại, thì có những tỉnh tỷ lệ nông dân mất đất đi liền với tình trạng sân golf hay các khu du lịch, resort ở đó phát triển mạnh như Khánh Hòa hay Long An. Còn ở Đăk Lăk một nơi nổi tiếng đất rộng người thưa mà nông dân không có đất sản xuất là một điều rất cần phải xem xét.
Phải chăng tại "vương quốc cà phê" này, tốc độ tích tụ đất trồng cà phê đã tăng chóng mặt, và trong khi một số người sở hữu những diện tích đất khổng lồ, thì nhiều hộ nông dân khác lại không có một "tấc đất cắm dùi"? Từ chỗ không có đất canh tác, thì chất lượng bữa ăn của nông dân tại một số tỉnh đã tỷ lệ thuận với việc mất đất: Đã nghèo thì làm sao đủ ăn hay có bữa ăn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng?
Từ việc bị mất đất sản xuất, nông dân buộc phải ra thành phố hay phải làm thêm nhiều việc không phải sở trường của mình để kiếm thêm thu nhập là điều dễ hiểu.
Cuộc điều tra đã cho thấy thực trạng nông dân phải kiếm thêm thu nhập bằng nhiều cách, và điều này là một nguy cơ vì khi phải làm nhiều việc ngoài nghề nông như thế, người nông dân sẽ đi tới chỗ bị triệt tiêu kỹ năng sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất và lợi nhuận từ nông nghiệp.
Giai tầng nông dân đang bị phân hóa mạnh ngay ở nông thôn và chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, hố phân biệt giàu nghèo ngày càng sâu càng rộng, và công cuộc xóa đói giảm nghèo sẽ càng gặp nhiều khó khăn vì những hộ cận nghèo rất dễ dàng trở thành hộ nghèo, còn những hộ nghèo thì rất khó để phấn đấu thoát nghèo.
Một khi nông dân không có đất, các nghề khác cũng không có hoặc chưa đủ "chín", thì những cứu trợ đến với họ chỉ mang tính chất "phủi nóng", qua rồi là xong, không thể giải quyết được bài toán thoát nghèo.
(Theo Danviet)
- 0
- By Admin
- 09/07/2011
- 17