“Nóng” chuyện quyền bán, quyền mua nhà cho người thu nhập thấp
Trao quyền phân phối nhà cho ai?
Câu hỏi có vẻ mang màu sắc của thời bao cấp nhưng buộc phải trả lời khi quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp đã được tạo ra thông qua chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các nhà đầu tư. Quyền phân phối và xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thuộc về ai? Nếu trao cho chủ đầu tư, thì e rằng nó sẽ mất đi tính minh bạch và có thể nảy sinh những tiêu cực khác chẳng hạn như chuyện "xin-cho" hay gian lận tiêu chuẩn được mua, thuê nhà.
Lý giải điều này, các chuyên gia quản lý cho rằng các doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư nhà ở sẽ có xu hướng tiếp cận với thị trường vì lợi ích của doanh nghiệp. Trường hợp nhà ở kinh doanh thì phương án bán ra thị trường thuộc quyền của chủ doanh nghiệp, thuận mua vừa bán. Còn ở đây, quỹ nhà được tạo ra từ sự ưu đãi của Nhà nước đối với chủ đầu tư tham gia dự án về tiền sử dụng đất, lãi vay ngân hàng...
Bộ Xây dựng cũng đã có cơ chế đảm bảo lãi cho doanh nghiệp là 10%. Sự ưu đãi này nhằm hướng tới mục tiêu có nhà ở dành cho người thu nhập thấp chứ không phải là đối tượng tiêu dùng khác. Điều này cần minh bạch, tránh đầu cơ trục lợi thông qua sự ưu đãi của Nhà nước. Bởi thực tế, nguồn cung nhà ở thuộc khu vực đô thị đang thiếu nghiêm trọng, trong khi nhu cầu của hàng vạn hộ cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang… về nhà ở chưa thể đáp ứng trong thời gian ngắn và luôn có xu hướng tăng lên.
Nhưng nếu không giao cho chủ đầu tư thì ai được thực hiện quyền phân phối này? Không ít chuyên gia nêu vấn đề: Nhà nước nên nắm quỹ nhà ở thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập nhằm tránh bao cấp nhưng thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về nhà ở, qua đó mục tiêu về nhà ở hướng tới người thu nhập thấp của Chính phủ mới đạt được.
Những căn hộ 50m2, giá gần 200 triệu đồng tại Xuân Mai rất đắt hàng trong thời gian qua. |
Bình xét "hộ nghèo" về nhà ở
Ai được mua, thuê, thuê mua nhà ở dành cho người thu nhập thấp? Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện việc bán, thuê, thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu, ghi rõ: Sau khi lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi danh sách về Sở Xây dựng nơi có dự án để hậu kiểm; UBND tỉnh, thành phố nơi có dự án có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm có liên quan…
Dự thảo quy định như trên là trọn nghĩa. Nhưng điều mà người dân quan ngại, là việc lập danh sách, thẩm định đối tượng được mua nhà, thuê nhà… có đảm bảo khách quan không. Thực tế Sở Xây dựng chỉ là một cơ quan chuyên ngành, còn chủ đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn thì phụ thuộc ít nhiều về chuyên môn trước Sở Xây dựng thì tính khách quan có được tôn trọng, trong khi để chọn ra đúng đối tượng được mua nhà cần nhiều thông tin cụ thể, khách quan.
Có nhiều bài học rút ra qua các quy định trong quản lý đầu tư, phân phối như vấn đề quản lý, giám sát quỹ bảo hiểm y tế, hay Luật Đấu thầu... đều có quy định cả. Nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng lách luật như chia nhỏ dự án để chỉ định thầu, thậm chí lập "quân xanh", "quân đỏ" khi đấu thầu để trúng thầu bằng mọi cách dẫn đến hậu quả nhiều vụ tiêu cực như báo chí đã nêu.
Việc đưa ra tiêu chí, chấm điểm làm cơ sở xét đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở cũng không sai. Vấn đề là làm thế nào để điều đó đi vào thực tiễn, đảm bảo đúng đối tượng và công bằng.
Ông Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, muốn thực hiện tốt mục tiêu về nhà ở cho người thu nhập thấp, thì trước hết Nhà nước phải nắm được quỹ nhà đã. Sau đó, nên thành lập một cơ quan thường trực chuyên trách vấn đề này ở các địa phương, và có cơ chế xác định trách nhiệm xung quanh vấn đề nhà ở xã hội tại địa phương đó. Đối tượng ưu tiên, quỹ nhà ở dùng để bán, cho thuê, thuê mua từng đợt cũng cần công khai cho người dân biết, thực hiện mới đảm bảo tính công bằng.
Theo CAND
- 0
- By Admin
- 01/10/2009
- 17