Nở rộ dự án nhà giá rẻ: Ngăn chặn trục lợi bằng cách nào?
Nhìn nhận xu hướng thị trường Bất động sản (BĐS) Hà Nội thời gian qua, ông Đoàn Trọng Lý, TGĐ Công Kinh doanh, chế biến và XNK (Aprocimex) - một chuyên gia trên thị trường tài chính-BĐS, đã nhận xét: “Thị trường đã có sự chuyển hướng rõ rệt và đang diễn ra các thái cực khác nhau: Nhà giá rẻ sôi động, căn hộ cao cấp gần như “đóng băng”. Đây là kết quả bước đầu của những chính sách ưu đãi mà Nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý tới những biểu hiện làm sai chính sách đã xuất hiện”.328 căn hộ dành cho người thu nhập thấp của dự án Ngô Thì Nhậm, Hà Đông đã nhận được tới gần 2000 đơn xin mua |
- Ông có nhận xét gì trước sự chuyển hướng này của thị trường kinh doanh địa ốc Hà Nội?
Tôi có thể đưa ra hai nhận xét đặc trưng. Thứ nhất, các loại căn hộ trung, cao cấp đang bị ế ẩm, sức mua yếu trong khi nguồn cung rất lớn. Thứ hai, các DN chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ và điều này sẽ làm “nóng”cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường địa ốc trong năm tới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho một thị trường BĐS phát triển bền vững, đa dạng, hướng tới đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở (chiếm tỷ trọng lớn nhất , nhưng thu nhập thì lại chưa cao). Điều đặc biệt là toàn bộ khâu thiết kế thi công, nguyên vật liệu do các nhà thầu trong nước thực hiện nên giá bán chỉ bằng khoảng 1/3 giá thị trường, thậm chí dưới 10 triệu đồng/m2 trong điều kiện được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Tôi cho rằng: Số lượng các dự án nhà giá rẻ sẽ tiếp tục tăng bởi nhu cầu vẫn còn rất lớn và mục tiêu của TP là đến năm 2015 xây dựng 45.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đang nằm trong tầm tay, thậm chí vượt xa dự kiến của UBND TP đã đặt ra.
- Giới đầu tư cho rằng: Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp (Gọi tắt là nhà ở giá rẻ) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường BĐS những năm tới. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn tới sự bùng phát của các loại hình dự án này, thưa ông?
Đầu tiên phải kể đến sự ưu đãi đáng kể của Nhà nước đối với các chủ đầu tư như: được miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm một số loại thuế (đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp), tỷ suất lợi nhuận được đảm bảo ở mức 10%... đã giảm tải cho các DN gánh nặng về vốn đầu tư. Một nguyên nhân khác cần được kể đến là sự điều chỉnh cơ cấu bất hợp lý của thị trường BĐS mà đặc trưng của nó là: DN tập trung đầu tư các loại nhà trung, cao cấp, diện tích rộng mà giá thành cao nhưng trên thực tế các đối tượng phù hợp với yêu cầu của loại hình kinh doanh này chỉ chiếm 5% thị trường. Vì vậy, các nhà đầu tư có lý khi lạc quan cho rằng: Nhà ở giá rẻ sẽ còn “nóng” trong nhiều năm nữa, thu hút nguồn lực đầu tư của các DN.
- Thưa ông, rõ ràng sự chênh lệch về giá cả trên thị trường là yếu tố cơ bản tạo nên sự hấp dẫn của loại hình nhà giá rẻ, và điều đó cũng dễ dẫn đến việc thực hiện không đúng chính sách do sự trục lợi của các đối tượng. Cần có những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Quả thật tôi đã được chứng kiến hình ảnh của khu nhà ở xã hội do một DN Hà Nội xây dựng tại Vĩnh Phúc mà trong đó chỉ có khoảng 1/3 số hộ đang cư ngụ đi làm bằng…xe đạp, còn một tỷ lệ khá lớn đi lại, di chuyển bằng…ô tô cá nhân, hoặc không ít người đến nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội của DA tại đường Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) bằng Taxi hay ô tô. Những biểu hiện đó cho thấy: Việc làm méo mó chính sách này để trục lợi không còn là hiện tượng cá biệt và cần phải có những biện pháp ngăn chặn, tôi cho rằng: Những giải pháp đó cần tập trung vào các vấn đề cụ thể sau đây:
Thứ nhất: UBND TP Hà Nội đã có quy định buộc trả lại nhà đã mua hoặc thuê (thậm chí xử lý hình sự) đối với người có hành vi gian dối về diện đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi. Tôi nghĩ cần phải bổ sung thêm cơ chế, chẳng hạn như bắt buộc công khai tại website của Công ty kinh doanh nhà, Sở Xây dựng địa chỉ cùng các thông tin về các đối tượng được mua, thuê, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát hiện, tố giác hiện tượng sai trái.
Thứ hai: Nhà nước đã quy định công dân không được chuyển nhượng tự do trong thời gian dưới 10 năm kể từ khi ký hợp đồng mua, bán nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện các giấy tờ giao dịch của loại hình BĐS này chưa đáp ứng được yêu cầu nói trên. Do vậy, cần có quy chế để cơ quan Tài nguyên – Môi trường ghi rõ đặc điểm nói trên từ khi cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, sử dụng đất.
Thứ ba: Nhà nước đã có cơ chế, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị NH Phát triển VN cho vay 6.600 tỷ đồng đối với 43 dự án được hỗ trợ lãi suất tiền vay trong thực hiện chương trình này. Nhưng đến nay, vẫn chưa xong khâu thẩm định nên chưa dự án nào được giải ngân. Điều đó, đã gây áp lực đáng kể về tài chính đối với các chủ đầu tư, dễ dẫn tới việc các DN phải vay thương mại hoặc “bán lúa non” dự án, dẫn tới mức giá không còn hấp dẫn. Do đó, các yếu tố công khai, minh bạch, đúng đối tượng trong thực hiện chính sách cần được thực hiện song hành với việc tháo bỏ các rào cản pháp lý, nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho phân khúc thị trường mới này.
Xin cảm ơn ông!
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 05/11/2010
- 17