• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

“Níu áo” nhà quy hoạch không dễ!

Đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) theo quy hoạch trước đây là 50m, nhưng hiện đã được UBND TP.HCM điều chỉnh còn 30m - Ảnh: Chí Quốc.

Quy hoạch lẽ ra phải với tầm nhìn vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, song chỉ sau vài năm đã bắt đầu “trở bệnh” và nguy cơ “chết yểu” rất cao. Nhiều người đã đề cập trách nhiệm của đơn vị tư vấn lập quy hoạch (gọi tắt là nhà quy hoạch). Các ý kiến “kể tội” rằng những đơn vị này thời gian qua hoạt động rất thiếu trách nhiệm. Những gì các đơn vị này làm chỉ là ký hợp đồng tư vấn, lập quy hoạch, thanh toán hợp đồng rồi… thôi, đô thị (hay sản phẩm quy hoạch) ra sao thì ra! Do vậy, nhiều người đang cố gắng “níu áo” nhà quy hoạch. Nhưng với cơ chế làm việc như hiện nay, việc “níu áo” nhà quy hoạch rất khó bởi những lý do sau đây:

Trước hết, khi chuẩn bị quy hoạch một khu đô thị hay dự định đầu tư một dự án nào đó, chính quyền địa phương (lãnh đạo và các sở ngành) thông thường đã chọn sẵn địa điểm, quy mô … bên cạnh việc xác định chức năng dự án. Với nhiều dự án thực hiện theo hình thức kêu gọi và ưu đãi đầu tư, chủ đầu tư và địa phương thậm chí đã “ngồi lại với nhau” trước và vạch sẵn đường đi nước bước cho nhà quy hoạch. Sẽ là bình thường nếu những dự định như vậy chỉ được xem là “đề bài” tham khảo, là “nhiệm vụ thiết kế” mang tính sơ khai mà các đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ phải tiếp tục hoàn chỉnh, và không ai khác chính nhà quy hoạch là người đưa ra lời giải thuyết phục. Tuy nhiên, rất tiếc hiện có không nhiều dự án được tiến hành lập quy hoạch theo cách như vậy. Ngược lại, những ý tưởng mang tính sơ khai đó được nhiều vị mặc định là lời giải cho bài toán quy hoạch của địa phương mình.

Chức năng tư vấn, khả năng phân tích dự báo … vốn hết sức cần thiết của nhà quy hoạch không được phát huy, thậm chí bị vô hiệu hóa từ bước đầu tiên.

Thứ hai, với các dự án quy hoạch quy mô tầm cỡ, có tính chất quan trọng và ở những đô thị lớn, việc phản biện trong quá trình thông qua đồ án quy hoạch vẫn còn là vấn đề tế nhị, gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, phản biện đồ án quy hoạch ở các địa phương khác tuy có tiến hành nhưng thông thường chỉ dừng ở hình thức góp ý chung chung. Ai cũng biết để lập dự án quy hoạch, các nhà quy hoạch sẽ phải “nằm gai nếm mật” cùng địa phương, tiến hành nhiều bước khảo sát đánh giá các yếu tố kỹ thuật hạ tầng một cách nghiêm túc, trong đó điều tra xã hội học là yêu cầu quan trọng. Trên thực tế công đoạn này hiện có vẻ đang được thực hiện một cách hình thức, không ít địa phương khá “vô tư” với nhà quy hoạch. Thiếu vắng điều tra xã hội học, phản biện quy hoạch sẽ rất ít thuyết phục; nhiều đồ án quy hoạch được dễ dãi cho qua là điều không khó hiểu.

Thứ ba, với việc phân cấp trong quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng hiện nay, nhân lực của nhiều địa phương vẫn đang rất thiếu và yếu. Thẩm định quy hoạch là công tác còn gặp nhiều vấn đề nan giải. Với lý do này, TP.HCM hiện vẫn chưa thẩm định xong và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết vốn được lập từ rất lâu, mà đến giờ nếu phê duyệt chắc hẳn (theo quy định) sẽ có không ít quy hoạch đã quá hạn. Trong khi đó, với báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, hầu hết các bước tiếp theo nhà quy hoạch thực hiện là nhanh chóng chỉnh sửa quy hoạch cho phù hợp với kết quả thẩm định, đồng thời gấp rút tiến hành các… thủ tục phê duyệt! Có không nhiều quy hoạch sau khi thẩm định được tiếp tục phản biện bởi nhiều lẽ, trong đó việc nhà quy hoạch quá mệt mỏi với các yêu cầu điều chỉnh không có cơ sở khoa học của đơn vị thẩm định là một trong những lý do như vậy.

Thứ tư, quy hoạch được duyệt tất nhiên phải được xem là cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng tiếp theo. Song thực tế không có bất cứ điều gì có thể đảm bảo sản phẩm quy hoạch được tuân thủ. Một con đường được các nhà quy hoạch đề xuất rộng 120m, phương án được duyệt còn 100m, nhưng thực hiện chỉ 50m như đường vành đai 1 Hà Nội (Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 9-11) là ví dụ. Ngoài ra, tình trạng “tân quan tân quy hoạch” tuy được nói nhiều song ở không ít địa phương vẫn chưa hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vấn nạn sẽ dừng lại.

Vì vậy, để cột trách nhiệm nhà quy hoạch, Luật quy hoạch đô thị phải có những quy định nhằm hạn chế sự can thiệp của những người có quyền nhưng không có kiến thức về quy hoạch. Ngoài ra, cần tăng cường chất lượng của đội ngũ kiểm tra, thẩm định quy hoạch.
Theo Tuổi Trẻ
  • 174
  • By Admin
  • 11/11/2008
  • 17