Ninh Bình: Dân mất đất, không được đền bù?
Năm 1993, thực hiện Quyết định 313 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc giao quyền sử dụng ruộng ổn định cho nông dân. Các HTX Liên Thành, Phong Hòa, Đa Giá (xã Ninh Mỹ, Hoa Lư) đã tiến hành giao ruộng ở 2 khu Bát Giang và Vườn Non cho các khẩu là thương - bệnh binh, quân nhân xuất ngũ, trẻ phát sinh... Hằng năm, các hộ dân đã nộp đầy đủ các loại phí cho địa phương và Nhà nước.
Tuy nhiên, năm 2008, chính quyền địa phương đã tiến hành san lấp ruộng, phân đất chia lô bán để xây nhà ở, trong khi người dân có ruộng không nhận được bất cứ quyết định thu hồi đất nào và không được nhận tiền đền bù...
Đất đang sản xuất bị bán
Năm 2004, xã Ninh Mỹ được chia tách thành xã Ninh Mỹ và thị trấn Thiên Tôn, khu Bát Giang và Vườn Non thuộc địa giới hành chính do thị trấn Thiên Tôn quản lý, nhưng đất ruộng và xã viên HTX Liên Thành (thuộc xã Ninh Mỹ) vẫn lao động, sản xuất bình thường.
Ông Phạm Văn Ninh (xã Ninh Mỹ) - đại diện các hộ dân, cho biết: “Năm 2005, người dân chúng tôi đang sản xuất tại khu vực Vườn Non, Bát Giang thì có xe đến đổ đất làm đường và san lấp mặt bằng một phần đất tại khu vực trên. Được biết, khu đất được san lấp là để xây dựng nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, do vậy người dân rất hoan nghênh và đồng tình ủng hộ, không hề thắc mắc”.
Đột nhiên, tháng 12.2008, UBND thị trấn Thiên Tôn đã phối hợp với UBND xã Ninh Mỹ tổ chức họp dân bàn về việc thu hồi đất khu vực Vườn Non. Ngay sau đó, UBND thị trấn Thiên Tôn lập danh sách 251 hộ có đất thu hồi và được đền bù (thuộc HTX Liên Thành, Đa Giá, Phong Hòa), diện tích 22.494,4m2 và đã vay tiền của doanh nghiệp tại địa bàn để chi cho các hộ. Mỗi hộ được đền bù 50.000đ/m2. Trong danh sách các hộ được đền bù tại khu vực này không có 56 hộ thuộc HTX Liên Thành.
Khoảnh ruộng thuộc khu Vườn Non - nơi người dân đang canh tác - bị lấy để bán làm đất ở. Ảnh: H.A
Theo tài liệu của các cơ quan chức năng, tại thời điểm UBND thị trấn Thiên Tôn tiến hành đền bù cho dân, trong khi hồ sơ thu hồi đất ở Vườn Non chưa được các cấp có thẩm quyền của huyện và tỉnh thẩm định và ra quyết định thu hồi đất. Người dân nghi ngờ việc làm khuất tất của UBND thị trấn Thiên Tôn là có cơ sở.
Nhiều người dân phản ánh với chúng tôi: “Sau khi UBND thị trấn cho cán bộ địa chính đến đóng cọc chia lô (mỗi ô là 100m2) bán để xây nhà ở, chúng tôi yêu cầu chính quyền cho biết tại sao đất dân đang sản xuất ổn định thì lại bị thu hồi và yêu cầu chính quyền cho xem quyết định thu hồi, nhưng đều bị từ chối. Các hộ dân chúng tôi nhận đất cùng thời điểm với các hộ dân có tên trong danh sách được đền bù, không hiểu tại sao chúng tôi lại không được đền bù (!?)”.
Theo quan sát của phóng viên, khu ruộng mà các hộ dân bị thu hồi để biến thành đất ở có vị trí rất đắc địa, nằm ngay trên mặt tiền đường chính của huyện, đối diện với
UBND huyện Hoa Lư, cách TP.Ninh Bình chỉ khoảng 10km. Nếu đất ruộng bị thu hồi để biến thành đất ở thì đây quả là “khu đất vàng”, bởi hiện theo giá thị trường mà một số “cò đất” ở đây đang chào hàng với PV thì giá đã lên tới 10 triệu đồng/m2. Bởi vậy, cũng dễ hiểu vì sao UBND thị trấn Thiên Tôn đã “nhanh nhảu” vay tiền của doanh nghiệp đền bù cho dân.
Chính quyền sai, bắt dân phải chịu?
Quá bức xúc vì mất đất canh tác mà không được đền bù, 56 hộ dân thuộc HTX Liên Thành đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình.
Ngày 9.7.2009, UBND huyện Hoa Lư ra kết luận số 194/KL-UBND, trong đó có nêu: Trong giai đoạn 1993 đến năm 2003, UBND xã Ninh Mỹ đã buông lỏng quản lý đất đai, khi thực hiện giao ruộng cho nhân dân theo QĐ 313 để HTX Liên Thành tự giao cho các khẩu là trẻ phát sinh và bệnh binh không đúng theo quy định, trong đó có 56 hộ dân là mượn đất của HTX Liên Thành – không phải ruộng đất được giao theo tiêu chuẩn 313, do vậy các hộ dân này không phải là đối tượng được đền bù.
Kết luận này đã gây phản ứng từ người dân, bởi từ năm 1993 các hộ dân đã được giao và cải tạo đất tại khu vực Vườn Non - từ một vùng hoang hoá thành một cánh đồng lúa - giúp dân ổn định cuộc sống. Trong thời gian sản xuất, người dân vẫn đóng phí sử dụng đất, thuế... với chính quyền. Bởi vậy, người dân cho rằng kết luận của UBND huyện Hoa Lư không thuyết phục. Nếu đúng như kết luận thì việc giao đất sai là do chính quyền xã Ninh Mỹ (cũ) và không thể bắt dân phải chịu về việc làm sai đó. Đồng thời, quyền lợi chính đáng của 56 hộ dân đã canh tác suốt từ năm 1993 đến nay cần phải được chính quyền tỉnh Ninh Bình giải quyết thấu tình đạt lý.
(Theo Lao Động)
- 250
- By Admin
- 09/08/2010
- 17