• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Niềm tin của chủ đầu tư vào phân khúc khách sạn 5 sao

Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện vẫn trồi sụt, nhưng các dự án khách sạn 5 sao mới không ngừng ra mắt với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư khác nhau, từ du lịch, địa ốc, đến quỹ đầu tư. Các nhà đầu tư có niềm tin khó thay đổi là 2015 sẽ là năm thịnh cho khách sạn 5 sao.

Khách MICE cứu rỗi thị trường

Niềm tin của chủ đầu tư vào phân khúc khách sạn 5 sao | ảnh 1
KS Majestic - ảnh Q.Hòa

Năm 2009 là thời điểm kinh doanh “thất bát” nhất của khách sạn 5 sao với công suất và giá phòng giảm mạnh. Theo thống kê của Grant Thornton, công suất phòng bình quân trên mỗi khách sạn 5 sao giảm mạnh nhất, trong đó, Tp.HCM để trượt vị trí quán quân vào tay Phan Thiết khi chỉ đạt 60,8%, giảm 9,8% so với năm 2008 (trong khi Phan Thiết đạt 62,4%).

Song, đáng chú ý nhất trong năm 2009 là giá phòng bình quân giảm tới 33,5%. Cũng chẳng khó để tìm ra nguyên nhân, bởi trên 60% khách lưu trú tại khách sạn 5 sao là khách kinh doanh, khách du lịch cá nhân và khách MICE (khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác). Trong khi kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ khó khăn, việc cắt giảm chi tiêu là điều không tránh khỏi.

Niềm tin của chủ đầu tư vào phân khúc khách sạn 5 sao | ảnh 2
KS Park Hyatt - ảnh Q.Hòa

Ông Thân Thành Vũ, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản du lịch, cho rằng, nếu bỏ qua yếu tố không gian và một số dịch vụ cao cấp thì dịch vụ của phân khúc 3 - 4 sao hiện cũng chẳng kém khách sạn 5 sao.

Theo đó, không những vừa đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách, mà còn tiết kiệm được khoản chi phí từ 100 - 200 USD/phòng/đêm vào mùa cao điểm.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa phân khúc khách sạn 5 sao sẽ “thất sủng”. Theo ông Brett Ashton, Giám đốc Công ty Savills Việt Nam, nguồn khách du lịch MICE đã tăng mạnh trong những năm gần đây, và một số hãng du lịch tại Tp.HCM đã chào đón từ 40.000 - 60.000 lượt khách dạng này trong 3 quý đầu năm 2011. Đây là lợi thế cho du lịch hạng sang.

Dẫn chứng từ trường hợp của khách sạn Majestic Sài Gòn, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc khách sạn, cho biết, 95% khách lưu trú ở Majestic là khách quốc tế. Ngoài lượng khách du lịch chỉ tập trung vào những tháng cuối năm thì khách MICE, khách đoàn vẫn luôn chiếm đa số.

Cũng theo ông Vũ, tùy vào từng thời điểm, doanh nghiệp nên xem xét việc đặt lợi nhuận kỳ vọng cho vấn đề kinh doanh. Nếu thị trường không tốt mà kỳ vọng quá cao thì thất vọng là điều hiển nhiên.

Với tình hình kinh tế như năm 2011, doanh thu trung bình của các khách sạn 5 sao ở những tháng thấp điểm, thường dao động trung bình từ 12 - 13 tỷ đồng/tháng và từ 22 - 25 tỷ đồng/tháng ở giai đoạn cao điểm. Trong khi đó, ở thời điểm tốt, những con số này có thể tăng gần gấp đôi.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam (thuộc Tập đoàn Berjaya Bhd, Malaysia đang nắm giữ 70% cổ phần tại 2 khách sạn 5 sao Sheraton và Inter Continental Hà Nội) nhận xét, công suất phòng năm nay sẽ “không như mong đợi”.

Tuy nhiên, theo ông Nam, đầu tư những sản phẩm cao cấp mang tính dài hạn nên với những công trình có vị trí tốt sẽ không gặp mấy khó khăn khi thị trường khởi sắc. Hầu hết các dự án khách sạn mới hoặc mở rộng, nâng cấp đều đã được đặt ra từ khoảng 3-5 năm trước.

Thêm một lần cộng 3-5 năm

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm 2011 đạt 5,4 triệu lượt, tăng 17,8% so với năm cùng kỳ năm 2010. Trong đó, lượng khách kinh doanh, đối tượng chính của khách sạn 5 sao, chiếm 16%, tăng 17,5%.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Thomas Schmelter, Tổng giám đốc điều hành khách sạn InterContinental khu vực Việt Nam và Campuchia (thuộc Tập đoàn quản lý và điều hành khách sạn InterContinental Hotels Group, IHG), cho rằng, Đông Dương là thị trường chiến lược của IHG, trong đó, Việt Nam là thị trường trọng điểm.

Với những ưu đãi về mặt thiên nhiên, Việt Nam đã tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, năm 2010, Quảng Nam và Đà Nẵng đã đón nhận lần lượt 1,23 triệu - 1,77 triệu khách du lịch trong khu vực.

Hơn nữa, Việt Nam đã mở các đường bay trực tiếp từ một số thị trường quốc tế tiềm năng nối các điểm du lịch trong nước. Vietnam Airlines cũng đã mở đường bay trực tiếp (2 chuyến/tuần) từ Gatwick (Anh) đến TP.HCM.

“Với cải thiện điều kiện hạ tầng này, IHG tin tưởng, Việt Nam sẽ là trung tâm thu hút du khách quốc tế trong tương lai rất gần”, ông Thomas Schmelter nhấn mạnh.

Niềm tin của chủ đầu tư vào phân khúc khách sạn 5 sao | ảnh 3
KS New World - ảnh Q.Hòa

“Trong vòng 3 - 5 năm tới, Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng với nhà quản lý này. Vì đây sẽ là thị trường trung chuyển giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và Mỹ”, ông Thomas Schmelter nhìn nhận.

Còn ông Nguyễn Anh Vũ thì cho biết, có thể 1 - 2 năm nữa, nguồn cung về khách sạn 5 sao sẽ tạm ổn nhưng tương lai sẽ thiếu. Do đó, để hoạt động kinh doanh tốt, ngoài chiến lược giá, các đơn vị quản lý phải chú trọng vấn đề nâng cấp dịch vụ và cải thiện hình ảnh quảng bá.

Niềm tin của chủ đầu tư vào phân khúc khách sạn 5 sao | ảnh 4

Trong khi đó, phía Norfolk Group lại cho rằng, để phát triển tốt khách sạn 5 sao, ngoài yếu tố vị trí và tiện nghi sang trọng, khách sạn cần có một chiến lược kinh doanh tốt và mang tính lâu dài...

(Theo DNSG)

  • 0
  • By Admin
  • 22/12/2011
  • 17