• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Những vướng mắc khi thu hút đầu tư vào các KCN Bình Phước

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó những vướng mắc trong đền bù giải tỏa, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu là vấn đề nổi cộm.

8 khu công nghiệp (KCN) của Bình Phước bao gồm các KCN: Chơn Thành 682 ha, Minh Hưng 700 ha, Tân Khai 670 ha, Đồng Xoài 470 ha, Nam Đồng Phú 72 ha, Bắc Đồng Phú 200 ha, Sài Gòn - Bình Phước 450 ha và Becamex - Bình Phước 2.000 ha. 8 KCN này được chia thành 18 KCN nhỏ với diện tích thực tế 5.211,5 ha. Trong 18 KCN này có 15 KCN có chủ đầu tư hạ tầng, 3 KCN còn lại chưa có chủ đầu tư hạ tầng là Đồng Xoài I, Chơn Thành II và Tân Khai I.


Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp Bình Phước thu hút đầu tư tốt hơn

Vắng dự án công nghệ cao

Trong 15 KCN có chủ đầu tư hạ tầng thì có 13 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký 17,23 triệu USD và 5.300 tỷ đồng, tổng số vốn đầu tư thực hiện 7 triệu USD và 65 tỷ đồng, với tổng diện tích đất thuê 3.973 ha.

Đến nay, toàn tỉnh mới thu hút được 72 dự án đầu tư vào các KCN (trong đó có 55 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 324 triệu USD và 772 tỷ đồng. tổng vốn đầu tư thực hiện là 124 triệu USD và 128 tỷ đồng và tổng diện tích thuê đất là 362 ha (chưa tính số DN đã ký hợp đồng thuê đất với các công ty hạ tầng nhưng chưa đăng ký đầu tư với Ban quản lý khu kinh tế). Hiện có 39 DN hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu hút 6.641 lao động, 15 DN đang xây dựng nhà xưởng, 13 DN chưa triển khai và 4 DN tạm ngừng hoạt động.

Điều đáng nói là Bình Phước hiện vẫn chưa thu hút được dự án nào có vốn đầu tư lớn và vắng hẳn   dự án công nghệ kỹ thuật cao. Hầu hết các dự án đầu tư vào các KCN trong thời gian qua chủ yếu là chế biến gỗ, may mặc, dệt nhuộm, luyện cán thép, sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng ôtô, gia công cơ khí, linh kiện điện tử... Dự án vốn đầu tư lớn nhất là dự án chế biến gỗ MDF của Công ty CP MDF Vrg Dongwha với số vốn đầu tư đăng ký 125 triệu USD tại KCN Minh Hưng III.

Theo đại diện Ban quản lý khu kinh tế: trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút 459 DN. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các KCN trong thời gian qua vẫn còn chậm và nổi lên một số vấn đề, nhất là trong giải tỏa đền bù và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo đại diện Ban quản lý khu kinh tế Bình Phước, việc thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là Bình Phước kém lợi thế so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do vị trí xa trung tâm Tp.HCM, xa sân bay, cảng biển, chưa có tuyến đường sắt, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thấp kém. Trong khi đó, toàn bộ các KCN đang có DN hoạt động chưa được đầu tư hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất đến chân hàng rào. Một số KCN chưa được đầu tư đường điện trung thế riêng, hệ thống thoát nước ngoài hàng rào phục vụ cho KCN chưa được hoàn thiện và chưa xây dựng được các khu nhà ở cho công nhân. Đồng thời, tỉnh chưa xây dựng được bãi xử lý rác thải tập trung, nhất là xử lý chất thải công nghiệp độc hại. Thứ hai, năng lực tài chính và khả năng thu hút đầu tư, kinh nghiệm đầu tư cơ sở hạ tầng của các nhà đầu tư hạ tầng còn hạn chế.

Ngoài Cty TNHH C&N Vina - chủ đầu tư hạ tầng KCN Minh Hưng - Hàn Quốc thì các chủ đầu tư hạ tầng còn lại do năng lực tài chính hạn chế dẫn đến chậm triển khai dự án. Thứ ba, công tác giải tỏa đền bù, giao mặt bằng cho nhà đầu tư còn chậm. Sự đồng thuận của người dân chưa cao, nhiều yêu cầu về quyền lợi của người dân vượt quá quy định, nhưng địa phương chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm, thiếu sự quan tâm chỉ đạo và nhiều dự án để kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ. Thứ tư, Bình Phước hiện đang thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật và lao động có tay nghề cao, lao động phổ thông cũng khan hiếm, thiếu tác phong công nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để khắc phục các khó khăn vướng mắc nêu trên, Ban quản lý khu kinh tế đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của các KCN như điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông... nhất là cấp nước cho các KCN đã có DN hoạt động như ở KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, Chơn Thành I, Chơn Thành II, Đồng Xoài I và một số KCN khác; đồng thời bố trí nguồn vốn đầu tư có mục tiêu hỗ trợ việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải và giải tỏa đền bù. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra các DN đầu tư hạ tầng tại các KCN đã được thành lập, nhanh chóng đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà máy xử lý nước thải. đồng thời tăng cường quảng bá, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động có hiệu quả, tuân thủ pháp luật. rà soát và kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai, kể cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Song song đó, các huyện thị nơi có KCN cần tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án, giải quyết tốt các vụ tranh chấp của dân trong quá trình giải tỏa đền bù. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các huyện, thị xã tích cực giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan, làm hài lòng nhà đầu tư. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo và thu hút từ các tỉnh khác; khuyến khích thành lập các đơn vị cung ứng lao động, thúc đẩy hình thành thị trường lao động trong tỉnh, có chính sách ưu đãi lao động nội tỉnh, nhất là tại các địa phương có đất thu hồi để thành lập KCN.

Đồng thời tỉnh cần có chính sách về nhà ở cho công nhân, cụ thể là ưu đãi bảo đảm thu hút đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân ngoài KCN hoặc ưu đãi cho DN có thể tự giải quyết được chỗ ở cho công nhân. Đầu tư một số công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu văn hóa, y tế, giáo dục ở khu vực có nhiều KCN và tập trung nhiều công nhân...

(Theo DDDN)

  • 0
  • By Admin
  • 08/10/2010
  • 17