• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Những tỷ phú giàu lên nhờ bán đất rồi trắng tay ở Phú Quốc

Một ngư dân ở Hàm Ninh cho biết: “Ở Phú Quốc này đôi khi trúng đất còn giàu hơn cả... trúng số”. Người này kể, trong vài năm trở lại đây, trong số những người hàng xóm của ông có không ít người đã được trải qua cảm giác được làm tỷ phú.

“Mới mấy hôm trước thấy mấy ông đi biển, chẳng đủ tiền mua dầu còn mượn tiền của tôi. Vậy mà giờ mấy ổng bỏ cả ghe cộ, làm đại gia hết rồi... Nhưng giàu như họ tui cũng không ham...” - người đàn ông tặc lưỡi tiếc nuối khi kể về những tỷ phú phất lên nhanh chóng nhờ bán đất.

Ngồi phía sau xe chạy qua những con đường đất đỏ chi chít bảng rao bán đất hai bên đường, một cán bộ hưu trí của xã Hàm Ninh liên tục chỉ tay sang hai bên nói: “Chỗ này người ta đã bán rồi, chỗ này cũng đã bán hết rồi, bán sạch, giờ không còn đất nữa phải đi ở đậu, ở bạc cho người ta”.

Vị cán bộ nói bằng sự ngậm ngùi khi nhắc về những người dân cố cựu từng đến đây bỏ công khai phá, những người trước đây từng là hàng xóm của ông.

Đất đai khai phá của họ một ngày có người đến trả giá bằng số tiền mà cả đời họ không dám mơ được nhìn thấy chứ không nói là được cầm trong tay. Nhưng số tiền lớn đó nhanh chóng xài hết, họ lại trở về sống kiếp ở đậu trên chính mảnh đất trước đây do tay mình khai phá.

Trúng đất còn dễ hơn cả trúng số

Bức tranh tương lai sáng lạn được vẽ ra cho Phú Quốc khiến những người lắm tiền ở khắp nơi nhanh chân ra đảo ngọc xí phần cho mình một miếng đất có vị trí đẹp. Những bờ cát vàng óng vốn là nơi chăng lưới, phơi cá tôm của những ngư dân chân chất trở nên đắt giá trong mắt các nhà đầu tư.

Nhiều ngư dân quanh năm tần tảo, sống yên bình bên vườn dừa, bãi cát...bỗng chốc được khoác lên chiếc áo tỉ phú để rồi phải rời bỏ nơi mình sinh sống, nhường đất lại cho những công trình du lịch nghỉ dưỡng. Thực tế, cứ có thêm một tỷ phú thì Phú Quốc cũng gần như có thêm một người mất đất, phải bỏ nghề.

Ông T.K. (ngụ ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh) tâm sự, trước kia nhà ông đi đánh lưới ghẹ. Cuộc sống có lúc khó khăn đến mức ông K. tìm vay chỉ 500.000 đồng để mua tấm lưới mới mà không ai có. Đúng lúc ấy thì một phụ nữ do một người dân quen biết giới thiệu tìm đến nhà ông K.

Vãn câu chuyện một hồi, người phụ nữ này ngắm nghía vườn dừa, bãi cát nhà ông K. rồi đưa ra mức giá khiến ông giật mình: “Tui trả 12 tỷ đồng để mua miếng đất này, anh có đồng ý bán không?”. Ông K. kể lại, lúc ấy ông rất ngỡ ngàng, không hiểu người khách này nói thật hay đùa và 12 tỷ đồng là số tiền lớn tới cỡ nào.

Những người nông dân đảo ngọc nói rằng, đối với họ, thời gian được làm tỷ phú cũng giống như một giấc mơ. “Giấc mơ” ấy cứ âm thầm đến với rất nhiều người dân xứ đảo.

Từ khu bắc của đảo Gành Dầu, qua xã Hàm Ninh cho đến khu nam của đảo An Thới, rồi lên khu xã Dương Tơ... đâu đâu cũng xôn xao những câu chuyện về những tỷ phú chân đất, giàu lên chóng vánh sau một đêm nhờ trúng đất.

Thời gian trở lại đây, khi cơn sốt đất lên đỉnh điểm, Phú Quốc ngày càng có thêm nhiều tỷ phú mới với số tiền có được nhờ bán đất cũng ngày càng lớn hơn.

Gần đây, ở ấp Đường Bào, thuộc xã Dương Tơ, gia đình một anh thợ sửa máy cắt cỏ vừa bán được một khu đất rộng 1ha với giá lên tới 40 tỉ đồng. Ngay sau đó, anh thợ bỏ tiền mua một chiếc ôtô bảy chỗ chạy vòng vòng quanh làng xóm một vài hôm rồi sau đó cũng cởi áo quay về với nghề sửa máy cắt cỏ. Biết nhà anh có món tiền to, mấy hôm trước đạo chích đã thừa lúc đêm hôm vài lần đến viếng thăm.

Gần đó là hai anh em nhà Hữu, Hiền cũng mới trúng một lô đất trên 40 tỷ đồng, cả hai anh em đã có kế hoạch mở cây xăng kinh doanh; một trường hợp nữa ở An Thới là một giáo viên trúng đất 14 tỷ đồng đã xây biệt thự, sắm ôtô; còn ở Bãi Bổn, một ngư dân vừa phải bán đi miếng đất có bãi cát trước nhà để có tiền trả nợ...

Ở đảo ngọc Phú Quốc, cảm giác một ngày “bỗng dưng được làm tỷ phú” từng đến với rất nhiều gia đình vốn trước đây chỉ biết đến tiền vụn, tiền dăm. Nhiều người dân cầm tiền tỷ trong tay nhưng rồi chẳng biết làm gì với số tiền vượt quá tầm quản lý của mình.

Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn làm tỷ phú, danh hiệu này cũng nhanh chóng bốc hơi cùng món tiền có được. Số tiền đưa họ lên một vị thế khác trong cuộc sống không còn, họ lại tự an ủi coi đó như một trải nghiệm. Nếu ra Phú Quốc, sẽ không bất ngờ khi thấy anh xe ôm, anh thợ hồ hay anh đánh lưới...trước đây từng là tỷ phú.

tiền bán đất
Sau khi tiêu xài hết số tiền từ bán đất, ông Cao Ngọc An (ngụ ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh) lại quay về
cuộc sống nghèo khó, bệnh tật, ngày ngày mưu sinh bằng cách bám biển. Ảnh: Tiến Trình

Trở lại với kiếp nghèo

Khi hỏi thăm vào nhà một tỷ phú, một người nông dân sống trong căn nhà tạm dựng ngay cạnh dự án khách sạn 5 sao ở Đường Bào tỏ ra hơi bất ngờ: “Anh hỏi ông Tư B. hả, ổng về đất liền chăn vịt rồi...”. Người đàn ông này vốn là hàng xóm của ông B.

Cách đây nhiều năm về trước, ông B. từng được gần xa chú ý khi có tin ông trúng đất tiền tỷ. Không ít người lần mò đến nhà ông đẻ than vãn về gia cảnh, nhắc chuyện tình thân... Sẵn tiền trong tay, ông B. cũng không ngần ngại phóng khoáng với mọi người.

Theo lời kể của một thanh niên trong xóm, cuộc sống bắt đầu khó khăn với ông Tư B. khi vợ ông qua đời. Số tiền sau khi bán đất đã nhanh chóng "bốc hơi" bởi cung cách tiêu xài lớn.

Xứ đảo vốn mọi thứ đắt đỏ, trong khi ông B không nghề nghiệp, không còn đất đai nên không thể nào trụ lại được, ông B. đành âm thầm cuốn gói vào đất liền sinh sống bằng cách làm thuê làm mướn, công việc dễ kiếm nhất là đi chăn vịt mướn.

“Tôi thấy ở cái xứ đảo này, một người có chừng 13 tỷ đồng đã là nghèo. Còn có chừng 30 tỷ cũng mới chỉ là tương đối. Vì sau khi đã bán đất rồi cầm tiền mua lại được miếng đất trên đảo không hề dễ...” - ông Trần Văn Xe (61 tuổi, ngụ ở khu phố 4, thị trấn An Thới) phán một câu khiến cho người nghe không khỏi ngạc nhiên.

Hỏi ra mới biết ông đang nói về trường hợp của chính mình.

Ông Xe là một trong những nhà trúng đất lớn khi lần lượt bán đi từng thửa đất ở Bãi Sao, đây là một trong những bãi tắm đẹp nhất Phú Quốc. Cầm trong tay số tiền 14,6 tỉ đồng, ông Xe dùng một phần để mua miếng đất khác “thủ thân”, số tiền còn lại dành cho con cái và cất cho mình quán ăn nhỏ với vài phòng nghỉ để cho khách thuê.

Nhớ lại khoản tiền đã vào tay mình rồi ra khỏi túi, ông Xe cho rằng, nguyên nhân mình cạn túi nhanh chóng là do: “Ở Phú Quốc này khó giữ được tiền lắm. Có tiền mình xài hơi mạnh tay một tí là bay hết”. Ông Xe nói và khi nhớ lại số tiền lớn mà ông từng được có đã bốc hơi nhanh chóng quá khiến ông thấy tiếc. Không phải tiếc những đồng tiền đã xài, mà tiếc vì mình đã trót bán đất.

Ông nói khi có tiền nhiều trong tay, ông cũng đã xài “hạn chế” hơn người khác. Không như trường hợp nhà ông Năm Đ. cách đó không xa. Hàng xóm của ông Năm Đ. kể, ông từng trúng đất lên đến 25 tỷ đồng, nhưng giờ con cái phải đi đốt than, giăng lưới, bắt ốc... lần hồi kiếm sống qua ngày. Trường hợp nữa là nhà ông bà Năm P., rồi ông Ba C. ở An Thới từng giàu lên nhờ bán vài mẫu đất nhưng giờ cũng trắng tay.

Gần nhà ông Xe, là nhà bà Hà Thị Bạch Chí (52 tuổi) giờ cũng ngẩn ngơ không nhớ nổi số tiền bán đi 15 mẫu đất bãi biển giờ đã tan biến vào đâu? Bà chỉ nhớ trong số rất nhiều tỷ đồng có được bà đã cất được một căn nhà trên 300 triệu đồng, sắm được một chiếc ghe để con cái đi đánh lưới ghẹ, đặt tôm tích... còn lại khi hỏi số tiền cực lớn mà bà từng có trong đời, bà chỉ còn biết... cười trừ. “Tui bán được nhiều đất lắm đó chú. Nhưng cứ thấy ai khó khăn là tui “bao la”, mà “bao la” quá thì bây giờ làm sao còn”.

Bà Chí nói những mảnh đất bãi biển mà bà bán ngày trước giờ đây đã trở thành điểm du lịch danh giá nhất nhì đảo Phú Quốc. Thế nhưng bờ cát mịn nằm trong eo biển kín gió mà gia đình bà có công khai phá ngày trước giờ đây chỉ dành cho những người lắm tiền. Bình thường có lẽ gia đình bà khó có cơ hội lui tới được.

Một cán bộ ở xã Hàm Ninh cho biết, số tiền từ việc bán đất đã mang đến rất nhiều tệ nạn cho những gia đình vốn xưa kia nghèo khó nhưng có cuộc sống đạm bạc mà đầm ấm.

Chẳng hạn trường hợp nhà anh N.V.T. sau khi bán hết 3 mẫu đất để cầm số tiền hơn 20 tỷ đồng, anh này đã sa đà vào nhậu nhẹt, đá gà, bao lô đề, rồi cá độ bóng đá và thậm chí... bỏ vợ. Còn nhà ông L.V.Đ. ở Bãi Vòng sau khi bán mảnh đất được tiền tỷ thì các con ông đâm ra bài bạc. Đánh bạc ở đảo chưa “đã tay”, con trai của ông Đ. còn ôm cả cục tiền sang Campuchia và nướng hết vào casino. Đến khi tiền hết, anh này buộc phải cầm mạng cho tổ chức bài bạc, khiến ông Đ. phải mang 300 triệu đồng sang tận Campuchia chuộc đứa con hư hỏng về lại đảo.

“Ở xã Hàm Ninh này đâu có thiếu gia đình bán đất được tiền to rồi suy sụp cháu ơi” - một người dân cố cựu ở đảo cho biết và nói nhiều gia đình khi có tiền nhiều đã rủ nhau bỏ nghề đi biển, bỏ cả nghề rẫy. Ông bấm ngón tay nhẩm tính: “Nhà ông H. bán 3 mẫu đất xong đã xài hết tiền, giờ lại phải sống kiếp làm thuê làm mướn; nhà ông B. ở Bãi Vòng cũng bán hết sạch đất đai, xài hết tiền, giờ lại lao vào tranh chấp đất đai...”.

Tất nhiên không phải người dân đảo nào trở thành tỷ phú nhờ trúng đất rồi cũng sa vào hư hỏng, bài bạc và hoang phí. Câu chuyện của anh thợ hồ Bùi Minh Công ở An Thới là một ví dụ.

bán đất
Sau khi số tiền tỷ từ bán đất bốc hơi sạch, bà Bạch Chí hằng ngày phải kiếm từng đồng
"bạc cắc” nhờ công việc kết chì cho lưới ghẹ. Ảnh: Tiến Trình

Trước đây anh Công có một chiếc ghe nhỏ dùng để đánh lưới gần bờ. Số tiền mỗi ngày anh kiếm được cũng khoảng vài trăm ngàn đồng, đủ để cho vợ chồng anh nuôi hai đứa con ăn học. Năm ngoái, anh buộc phải bỏ nơi ở của mình để nhường đất lại cho một dự án du lịch.

Dù mới nhận tiền tỷ hôm trước nhưng ngay hôm sau người ta thấy anh Công đi... xin việc làm thợ hồ. Số tiền nhận được sau khi bồi hoàn giải tỏa, anh Công dùng mua ngay một miếng đất, cất căn nhà khác lấy chỗ sinh sống. Còn lại anh gửi hết vào ngân hàng để sau này các con lớn lên có vốn lập nghiệp.

Hôm chúng tôi gặp anh Công tại công trình làm nhà tái định cư cho các hộ dân bị quy hoạch giải tỏa, anh quẹt mồ hôi và cười hiền lành khi nghe chúng tôi gọi anh là tỷ phú: “Đừng gọi thế, tui không sống bằng nghề... tỷ phú”.

“Bây giờ tiền bao nhiêu xài mà chẳng hết, chỉ có nghề nghiệp, có đất đai mới có thể ổn định được cuộc sống lâu dài trên đảo” - anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ ấp Đường Bào) nói và cho biết nhà anh hiện vẫn còn gần 3 mẫu đất. Mới vài hôm trước có người đã năn nỉ anh bán lại 1.000m2 đất với giá 8,5 tỉ đồng nhưng anh thẳng thừng từ chối.

“Bây giờ người dân đảo Phú Quốc cũng biết giữ đất lắm rồi. Nhưng chỉ lo một nỗi ở đây những mảnh đất đẹp thì dần nhường lại cho dự án hết, người dân trước sau gì cũng buộc phải dời đi” - một người nông dân thở dài.

  • 0
  • By Admin
  • 13/08/2015
  • 17