Những tồn tại và yếu kém của doanh nghiệp BĐS Việt Nam
TS. Trần Ngọc Quang, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cho rằng, thực tế cho thấy, thị trường BĐS hiện đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp BĐS cũng đang rất lạc quan trước diễn biến thị trường vùng với một số chính sách và điều hành của Chính phủ.
Tuy vậy, theo ông Quang, dù có những bước phát triển tốt nhưng cũng phải thừa nhận, các doanh nghiệp BĐS của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và yếu kém, chưa thể cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Quang cũng chỉ ra 5 điểm yếu của doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất là, tiềm lực của các doanh nghiệp còn quá yếu. Thị trường BĐS chủ yếu là sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ, trong khi việc đầu tư vào các dự án địa ốc bao giờ cũng đòi hỏi phải có tiềm lực lớn.
Thứ hai là, các doanh nghiệp đều có năng lực quản lý và trình độ nghề nghiệp còn non kém, chưa đủ chuyên nghiệp từ việc thiết kế, quản lý dự án đến quản lý đầu tư và quản lý vận hành sau đầu tư…
Chỉ khi nào khắc phục được những yếu kém nội tại, doanh nghiệp BĐS Việt Nam mới đủ sức đương đầu với nhà đầu tư ngoại và giúp thị trường phát triển lành mạnh |
Thứ ba là, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hầu như còn rất yếu và thiếu, trong khi đó việc đào tạo mới lại không đáp ứng tốt cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, khâu quản lý lại kém hiệu quả khiến đội ngũ cá nhân, doanh nghiệp làm trong ngành nghề BĐS tuy nhiều nhưng không đảm bảo chất lượng và thiếu sự chuyên nghiệp.
Đồng thời, lại tồn tại thực trạng phát triển chưa đồng bộ giữa các thành tố tham gia thị trường khiến một số doanh nghiệp nhiều khi phải tự mình làm tất cả mọi thứ, từ đó tăng thêm tính rủi ro, thị trường khó minh bạch.
Thứ năm là, các hiệp hội nghề nghiệp tuy đã được thành lập nhưng hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu, trong khi các doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn nên không mặ mà tham gia phát triển các Hiệp hội. Đó là chưa kể, các quy định pháp luật của Nhà nước trong việc đảm bảo cho sự phát triển của các Hiệp hội cũng chưa đạt tới sự đòi hỏi của thực tiễn dẫn đến cả hai phía là Nhà nước và Doanh nghiệp đều thiếu công cụ trung gian để có thể phát triển và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hiện nay, tuy các quy định của pháp luật về BĐS đã từng bước hoàn thiện tích cực và phù hợp hơn nhưng thách thức đặt ra là việc đảm bảo sự tuân thủ các quy định của những nhà phát triển, đầu tư, phân phối BĐS và của chính đội ngũ các cán bộ công chức làm việc trong bộ máy chính quyền có nhiệm vụ thực hiện việc quản lý sự tuân thủ này.
Về việc lo ngại tình trạng tăng giá đồng loạt của các dự án BĐS thời gian gần đây sẽ tác động không tốt đến hoạt động kinh doanh và thị trường BĐS thời gian tới, ông Quang phân tích: "Ai cũng biết, thị trường BĐS hiện nay cần được phát triển một cách bền vững, không để tình trạng tăng giá bán một cách đột biến thông qua hệ thống bán hàng vì nó sẽ phá vỡ sự phát triển lành mạnh của toàn thị trường. Mục tiêu mà chúng ta đặt ra là sẽ đưa giá BĐS tiệm cận giá trị thực, ngày càng gần hơn với nhu cầu của người dân, chứ không phải tìm cách đưa giá nhà đất ngày một cao hơn, điều này rất nguy hiểm.
Thị trường BĐS phát triển bền vững và cân đối mới là điều mà chúng ta kỳ vọng. Không ai mong muốn một sự phát triển quá nóng hoặc chỉ bùng nổ trong một giai đoạn nhất thời nào đó”.
Ngoài những tồn tại trên, còn một vấn đề nữa, đó là thu nhập của người lao động Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với giá bán BĐS hiện nay. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập của phần lớn người dân lại khá chậm nên rất cần thiết phải áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ nhằm từng bước tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ đó rút ngắn dần khoảng cách giữa giá bán BĐS với khả năng chi trả của người mua.
- 0
- By Admin
- 07/05/2015
- 17