Những khoản tiền "đen" trên sàn giao dịch BĐS
Ông Trương Chiến Bình, Tổng Giám đốc sàn UDIC sa lưới pháp luật, bởi CATP Hà Nội đã bắt quả tang vụ "ăn vênh" tiền chênh lệch số lượng lớn trong mua bán, giao dịch căn hộ do chính UDIC là chủ đầu tư. Cơ quan CA đã thu giữ tại chỗ số tiền 4.391.100.000 đồng là tang vật.
Theo lời khai ban đầu của hai cán bộ dưới quyền ông Bình là Linh và Huy cho thấy, việc đưa ra mức giá bán nhà thực tế cao hơn so với giá ghi trong hợp đồng là theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Trương Chiến Bình. Số tiền chênh các đối tượng này kiếm được lên đến gần 30 tỷ đồng, trong đó Tổng Giám đốc Trương Chiến Bình được chia nhiều nhất.
Nhiều sàn giao dịch BĐS đang hoạt động thiếu chuyên nghiệp |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 600 sàn giao dịch BĐS (chưa kể các văn phòng, trung tâm môi giới) tập trung ở các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng… Nhiều sàn giao dịch BĐS đang hoạt động thiếu chuyên nghiệp, chỉ mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư.
Về lý thuyết, khi qua sàn BĐS, các nhà đầu tư có thể tham khảo, tìm hiểu, từ đó tiến hành giao dịch. Mọi giao dịch phải được công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Từ đó giúp các nhà đầu tư, người dân đảm bảo độ an toàn khi tiến hành giao dịch. Nhưng khi tiến hành kiểm tra tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, phần lớn các sàn giao dịch BĐS đã hoạt động thiếu chuyên nghiệp, trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư. Số sàn hoạt động tốt chỉ chiếm khoảng 15%, sàn vi phạm ít chiếm trên 50%, còn lại là các sàn có vi phạm lớn.
Nhiều chủ đầu tư đã lách luật gây thiệt hại cho người mua. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch đã móc ngoặc với người bán để kiếm lời. Không chỉ có vậy, hiện vẫn tồn tại những sàn giao dịch chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa "đá bóng", vừa "thổi còi", thậm chí có cả sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Tình trạng sàn giao dịch vừa mở dịch vụ môi giới, định giá vừa kinh doanh BĐS (mua, bán để ăn chênh lệch giá)... vẫn hiện diện ở nhiều nơi.
Những lộn xộn trên cho thấy, vai trò tạo ra sự minh bạch cho thị trường của các sàn BĐS xem chừng đang là một "nhiệm vụ bất khả thi". Đáng chú ý, lực cản vô hiệu hóa hoạt động của các sàn này phần lớn đến từ người bán, tức chủ đầu tư các dự án. Rất nhiều chủ đầu tư đã tìm mọi cách né tránh giao dịch qua sàn thông qua chiêu lách luật bằng các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua bất động sản... khiến cho số lượng giao dịch qua sàn chiếm tỷ lệ rất thấp. Thêm vào đó, chính các doanh nghiệp mở sàn dường như cũng chỉ làm cho có, kiểu chiếu lệ, đối phó chứ chẳng mấy mặn mà với chuyện "tác nghiệp".
Liên tục khuyến cáo người dân, nhà đầu tư nên vào sàn giao dịch bất động sản để mua bán cho an toàn, song Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, hiện vẫn còn thiếu những chế tài cụ thể, các sàn chưa được phân bố đều trên các tỉnh, thành; thủ tục thành lập còn quá đơn giản và dễ dãi.
Các nhà quản lý cho rằng, để phòng rủi ro, nhà đầu tư cần tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư để có thông tin chính xác. Nhưng thử điểm xem những dự án có thông tin công khai minh bạch chiếm bao nhiêu phần trăm, thậm chí dự án công khai minh bạch thông tin nhưng khi khách hàng hỏi đến cần mua qua sàn đã được phúc đáp là giá gốc như thế và tiền chênh phải trả là bao nhiêu. Hợp đồng thì kí với chủ đầu tư còn tiền chênh phải trả cho ai, chảy vào túi ai thì có trời mới biết? Người mua và bán nhà đất sẵn sàng bắt tay, khai giá trong hợp đồng thấp hơn hàng trăm triệu cho tới cả tỷ đồng so với giao dịch thực tế để trốn thuế.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, đã xảy ra trường hợp là chủ đầu tư chưa bán rộng rãi ra thị trường thứ cấp, mà chỉ cam kết bán cho một số khách hàng VIP và cán bộ công nhân viên. Sau đó, những người được quyền mua đã rao bán trên mạng để nếu bán được thì thu tiền chênh lệch ngay.
Nhiều chủ đầu tư khi bị phát hiện bán nhà chưa đủ điều kiện thì đổ cho sàn và do rò rỉ thông tin nên sàn tự gom khách. Do vậy, dù sàn giao dịch và chủ đầu tư chưa ký hợp đồng với nhau, nhưng rất có thể chủ đầu tư đã ủy quyền bằng miệng, thậm chí bằng văn bản mà chúng ta không thể biết được. Ông Liêm cũng cho biết, đã xảy ra nhiều trường hợp nhà đầu tư mua bất động sản non, đặt cọc tiền mà sản phẩm thì không thấy đâu. Sức ép tài chính đã buộc các chủ đầu tư phải huy động vốn sớm. Trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng có năng lực tài chính tốt, mà phần lớn đều dựa vào việc huy động vốn từ nhà đầu tư.
Dù trường hợp nào thì nhà đầu tư vẫn bị thiệt. Nhà đầu tư thường ít nắm bắt được thông tin dự án trong khi các nhà môi giới, các sàn bất BĐS lại đầy ắp thông tin. Song sự chuẩn xác của thông tin, tính pháp lý của các nhà môi giới, các sàn BĐS thì nhà đầu tư không thể biết được.
Theo cách nói của ông Liêm, người mua đang bị lép vế so với người bán về thông tin. BĐS là tài sản giá trị lớn, phức tạp trong khi không dễ gì người mua có thể đến cơ quan chức năng để xin thông tin về dự án. Do vậy, việc chào bán phải đi kèm với việc cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm. Cũng theo ông Liêm, người mua nên kiểm tra cả tư cách của nhà môi giới và các chứng nhận về quyền quảng cáo. Nhưng kiểm tra kiểu gì và thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn chưa biết bao giờ có lời giải đối với khách hàng.
(Theo PL & XH)
- 0
- By Admin
- 18/06/2011
- 17