Những hệ lụy khi làm đường trên cao
Tại những điểm nóng về giao thông như hiện nay, đường trên cao sẽ không chỉ là vết "chém" vào cảnh quan đô thị mà còn là nỗi ác mộng của những người dân hai bên tuyến đường cao tầng mà vô tình trở thành nạn nhân...Sự tấn công của bụi, tiếng ồn
Như VnMedia đã có bài phân tích về những bất cập khi làm đường trên cao tại nút Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy mà không tính toán kỹ. Sau khi đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi thư về toà soạn bày tỏ sự đồng tình về nhận định trong bài viết.
Bạn thanhnl@gmail.com ở Linh Đàm chia sẻ: Từ ngày làm cây cầu cạn chạy qua khu đô thị Linh Đàm thì khu đô thị này tự nhiên bị phá nát, hỏng hết môi trường, mỹ quan. Cả khu chung cư biến thành khu phố gầm cầu, ầm ĩ, ô nhiễm nghiêm trọng.
Chị Nguyễn Thị Khuê, sống ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, mặc dù sống cách xa cầu cạn Lĩnh Đàm, nhưng từ ngày có cầu cạn, cả khu tôi ở dường như giảm cả giá trị, trong nhà hình như cũng nhiều bụi hơn. Vấn đề nữa là, tại điểm giao cắt giữa đường Khuất Duy Tiến kéo dài và đường vào khu Kim Giang rất hay xảy ra ùn tắc. "Nếu mục đích làm cầu cạn để giảm ùn tắc giao thông thì có vẻ với cầu cạn nút Linh Đàm này không hợp lý cho lắm", chị Khuê chia sẻ.
Nếu làm đường trên cao tại nút Ngã Tư Sở- Cầu Vĩnh Tuy mà không tập trung mở rộng đường phía dưới thì chưa chắc đã giải được bài toán ùn tắc giao thông tại nút này. |
Anh Hoàng Văn Thắng, sống tại khu cầu Dậu, Đại Kim, Hoàng Mai thì phàn nàn, giá trị căn nhà của anh cũng bị giảm sút đáng kể từ khi hình thành cầu cạn Linh Đàm. Bụi là thứ khó chịu nhất mà gia đình anh phải hứng. Tiếng là nhà mặt đường, nhưng lúc nào cũng phải "cửa đóng then cài" vì bụi quá. "Lúc đầu, khi mua nhà ở đây, gia đình có ý định sửa sang để cho thuê, đùng cái có cầu cạn. Không phải không có khách hỏi thuê cửa hàng, nhưng vì bụi và ồn nên không phải người kinh doanh cái gì cũng có thể thuê được", anh Thắng nói.
Đây là tâm sự của những người đang sống cạnh cầu cạn Linh Đàm. Nhưng, cầu cạn Linh Đàm, đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy không phải là những con đường trên cao duy nhất. Hà Nội còn chuẩn bị xây dựng những tuyến đường trên cao là đường trên đê Hữu Hồng từ Lạc Long Quân đến Yên Phụ - tuyến 1, tạo thêm 2 làn đường; đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy - tuyến 2, đảm bảo 4 làn xe chạy; đường vành đai 3, đoạn từ Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân là tuyến 3.
Hay trục ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Kim Giang - đường 70 là tuyến 4, đề xuất xây đường trên cao 4 làn xe; trục đường Trần Duy Hưng - Liễu Giai - Hồ Tây là tuyến 5, đề xuất xây dựng từ đường vành đai 1-3, quy mô 4 làn xe; trục Giảng Võ - Láng Hạ - Thanh Xuân là tuyến 6, vành đai 3.
Nhầm lẫn về bài toán khắc phục giao thông
Mục đích của việc hình thành những con đường trên cao này để giảm tải giao thông, giảm ùn tắc, cải thiện bộ mặt giao thông đô thị, đặc biệt là giao thông nội đô.
Khi đề xuất làm các tuyến đường trên cao, nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ Hà Nội mới làm đường trên cao là quá muộn, nhiều nước đã làm từ lâu, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... đều đã làm cả. Có điều, hình thái đô thị ở mỗi nước khác nhau, thực trạng giao thông của từng nơi cũng khác.
Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, không phải cứ làm đường trên cao là đã giải quyết được bài toán giao thông ở Hà Nội.
Khắc phục được bài toán ùn tắc giao thông là mong muốn của nhiều người dân, nhưng bằng cách nào cho phù hợp thì phải cân nhắc kỹ. |
Muốn khắc phục và tìm giải pháp tối ưu cho bài toán giao thông, việc làm đầu tiên của nhà quản lý là cần xác định được đúng đắn về thực trạng giao thông ở Hà Nội. Trong đó phải tập trung phân tích kỹ về việc phân bố các khu dân cư và tình trạng giao thông nội khu. Như, khu vực phố cổ (36 phố phường); Khu vực phố cũ (khu phố tây); Khu dân cư tự phát như Khâm Thiên, Văn Chương ,Ngọc Hà, Đội Cấn,Cống Vị….; Khu chung cư cũ như Bách Khoa,Thanh Nhàn, Kim Liên, Trung Tự, Vĩnh Hồ…; Khu dân cư mới như Thành Công, Thái Hà, Đào Tấn...
Khi xác định được về nhu cầu tham gia giao thông của từng khu vực chúng ta sẽ xác định được những thành phần tham gia giao thông; Các phương tiện tham gia giao thông. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ tìm ra được những bất cập và nguyên nhân của việc ùn tắc giao thông.
Về bất cập và nguyên nhân dẫn đến việc quá tải trong giao thông ở Hà Nội đã được ngành chức năng chỉ ra từ rất lâu như có quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân; Giải pháp sử dụng các phương tiện giao thông công cộng chưa phù hợp; Cấu trúc một số khu chức năng chưa hợp lý; Chưa đầu tư hoàn chỉnh quy hoạch giao thông; Người tham gia giao thông thiếu kiến thức về luật lệ giao thông; Chưa có chính sách phù hợp cho các đối tượng và phương tiện tham gia giao thông.
Theo Kiến trúc sư Trần Văn Hưng, vấn đề bất cập nhất của bài toán giao thông ở Hà Nội là xác định được bất cập, nguyên nhân của ùn tắc giao thông nhưng biện pháp khắc phục lại không đồng bộ, khả thi.
KTS Hưng cho rằng, các giải pháp đồng bộ khả thi trong việc giải bài toán giao thông ở đô thị là nhà quản lý cần tái cấu trúc các khu chức năng chưa phù hợp; Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông còn khiếm khuyết; Hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân tăng cường giao thông công cộng.
Với vấn để hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, việc xây dựng đường trên cao có thể tính đển, với điều kiện phải tạo ra một luồng giao thông xuyên suốt liên tục mà không làm ảnh hưởng đến giao thông khu vực mà nó đi qua. Nếu chỉ tập trung làm đường trên cao mà không mở rộng đường ở phía dưới thì việc ùn tắc giao thông ở những "điểm đen" giao thông không hề được giải quyết. Trái lại còn ùn tắc hơn. Bởi, không phải ai cũng có nhu cầu đi trên làn đường cao, khi những dịch vụ để phục vụ cuộc sống tối thiểu lại ở dưới đất. Người ta không thể đi thẳng một đoạn đường dài cả chục cây số rồi quay lại, đi xuống làn đường dưới để đi chợ, mua bán hoặc giải quyết những công việc cần thiết của mình...
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 18/12/2010
- 17