Những dự án đình đám có tiến độ "rùa" tại xứ Thanh
Nhà nước không thu được tiền thuế sử dụng đất, người dân không nhận được tiền đền bù, chính quyền cấp cơ sở đau đầu.... Chính vì vậy mà đã có những nghi ngờ về tính minh bạch trong việc cấp phép dự án cho đại gia thâu tóm quỹ đất xứ Thanh.
Ám ảnh vì dự án
Đầu năm 2010, người dân tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) hêt sức vui mừng khi biết tỉnh này phê duyệt dự án bất động sản (BĐS) phía Đông đại lộ Bắc Nam với quy mô 57,95 ha. Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Fortune và Công ty TNHH điện tử tin học viễn thông EITC (Cty EITC) và làm chủ đầu tư. Các ông lớn này cam kết sẽ biến khu vực đồng ruộng rộng thành nhà liền kề, biệt thự hiện đại, là tổ hợp công trình trọng điểm ghi dấu ấn tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng số vốn lên tới 3 nghìn tỷ đồng.
Qua quan sát của phóng viên, mặc dù đã khởi động nhiều năm, tuy nhiên đến nay dự án BĐS hoành tráng này vẫn là một cánh đồng hoang cỏ mọc lút đầu và người dân cũng không thể canh tác.
Sau nhiều năm, dự án hoành tráng Đông đại lộ Bắc Nam TP. Thanh Hóa vẫn là cánh đồng ngập nước |
Chủ tịch UBND phường Nam Ngạn, ông Hoàng Đình Hùng thành thật cho hay, có 273 hộ dân ở phường bị thu hồi đất để phục vụ cho dự án với số tiền bồi thường là khoảng 71 tỷ đồng. Nhưng từ khi có phương án bồi thường từ năm 2013 đến nay người dân vẫn chưa nhận được đồng bồi thường nào.
Theo ông Hùng, người dân mất đất, không nhận được tiền đền bù phản ánh với chính quyền địa phương, sau đó địa phương lại kêu lên cấp trên nhưng nhận được câu trả lời ráo hoảnh là chưa có tiền. Phường cũng có ý kiến lên Trung tâm quỹ đất của tỉnh, song tỉnh cho biết có tiền để trả cho phường.
Mỗi lần cán bộ ở phường này tiếp xúc cử tri đều cũng đau đầu, họ không biết trả lời thế nào khi cử tri hỏi về dự án, bởi vì cử tri nghĩ rằng tiền đã trả về phường nhưng phường "ăn quỵt" không chi trả cho người dân.
Nhiều người dân ở đây bức xúc cho biết, từ khi có dự án đến nay họ không nhận được tiền đền bù, những lúc mưa khu vực dự án ngập úng, hoang hóa mà xót xa. Cũng theo người dân phản ánh thì đến nay họ không biết chủ đầu tư là ai, khi phóng viên nhắc đến cái tên Công ty EITC thì họ mới được biết, họ cũng chưa bao giờ thấy chủ dự án xuất hiện tại địa phương hay tiếp xúc với người dân.
Tương tự, cái tên chủ đầu tư EITC cũng gây ám ảnh với người dân tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Lý do là năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho Cty EITC liên kết với Cty cổ phần Thương mại đầu tư bất động sản An Phát là nhà thầu xây dựng khu biệt thự cao cấp có sử dụng đất tại mặt bằng quy hoạch số 04 XD/UB thuộc xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn. Dự án có quy mô trên 6 ha với tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng.
Dự án khu biệt thự Quảng Cư bị bỏ hoang với um tùm cỏ dại |
Được biết, sau 5 năm có quyết định, đến nay dự án này vẫn chưa thực hiện xong đền bù, dự án vẫn là bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm.
Một dự án nữa cùng chung cảnh ngộ đó là dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư B- TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Đây là dự án có vị trí đắc địa tại TP. Thanh Hóa do liên doanh đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng &TM Đại Long và Công ty Cổ phần thương mại đầu tư bất động sản An Phát làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng bao gồm chi phí bồi thường và hỗ trợ, tái định cư là hơn 7 tỷ đồng, còn 29 tỷ đồng là nộp ngân sách Nhà nước.
Sau nhiều năm triển khai, hiện nay dự án này vẫn đang ngắc ngứ, khiến dư luận bức xúc và nghi ngại khi cho rằng UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao đất cho nhà đầu tư dưới khung giá đất được chính địa phương này ban hành.
Chây ỳ trả tiền sử dụng đất
Liên quan đến nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với Nhà nước, Trưởng phòng Quản lý các khoản thu, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa Trịnh Khắc Quy cho hay, với dự án phía Đông đại lộ Bắc Nam đã giao cho chủ đầu tư nhiều năm nay nhưng họ chưa làm gì. Mặc dù tổng số tiền phải nộp vào ngân sách là gần 117 tỷ đồng, song đến nay Cục Thuế Thanh Hóa chưa nhận được đồng nào.
Hiện trạng ngổn ngang của dự án khu Đông Hương thuộc TP. Thanh Hóa |
Theo tìm hiểu được biết, liên danh Công ty EITC và Công ty Cổ phần Đầu tư Fortune mới chỉ chuyển được trên 30 tỷ đồng đặt cọc để trúng thầu cho dự án gần 3 nghìn tỷ đồng này.
Đới với dự án khu biệt thự cao cấp Quảng Cư, số tiền sử dụng đất phải nộp là gần 13 tỷ đồng, tuy nhiên chủ đầu tư mới nộp được 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm, nhìn chung dự án chưa triển khai được nhiều.
Khi nhắc về năng lực tài chính để thực hiện dự án thì vị cán bộ ở Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cho hay, mới đây UBND tỉnh đã ban hành văn bản giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và các đơn vị chuyên môn đánh giá lại năng lực tài chính để xem xét cũng như điều chỉnh hoặc thu hồi dự án theo thông báo số 107/TB-UBND ngày 30/7/2015.
Người dân tại thôn Hùng Thắng xã này bức xúc cho biết, ban đầu chủ đầu tư chỉ đền bù với giá 1,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi bị người dân đấu tranh đòi quyền lợi thì mức giá được tăng lên thành 2 triệu đồng/m2. Đến nay vẫn còn 36 hộ dân không nhận đền bù vì mức giá quá rẻ mạt.
- 0
- By Admin
- 16/09/2015
- 17